Nội dung cuộc thảo luận giữa Tổng thống Bush và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Tòa Bạch Ốc


2007.06.23

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Trong cuộc thảo luận kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết của Việt Nam đã có cơ hội để trình bày điều mà cả hai ông đều nói với báo chí là “cởi mở, thẳng thắn”, kể cả những cái nhìn khác biết giữa hai quốc gia về vấn đề dân chủ, tự do và nhân quyền.

BushTrietWhiteHouse200b.jpg
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush tiếp Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, Washington DC hôm 22-6-2007. AFP PHOTO

Cuộc thảo luận diễn ra tại Nhà Trắng, ngay ở Phòng Bầu Dục, là nơi làm việc của nhà lãnh đạo nước Mỹ, và theo các giới chức hành pháp, rất nhiều vấn đề đã được hai ông đưa ra để bàn thảo, liên quan trực tiếp đến mối quan hệ song phương ở nhiều lãnh vực khác nhau, từ chính trị, mậu dịch, kinh tế, đầu tư, cho đến vấn đề hợp tác giáo dục và những chương trình nhân đạo.

Ngay sau khi cuộc thảo luận kết thúc, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam đã xuất hiện trước báo chí. Trong phần phát biểu, Tổng Thống Bush rằng ông cho Chủ Tịch Triết biết nước Mỹ luôn muốn có quan hệ tốt với Việt Nam, và hiện giờ, hai bên đã có những quan hệ kinh tế thật tốt đẹp, kể cả việc nhân dịp Chủ Tịch Nước Việt Nam sang thăm Mỹ, hai nước vừa ký kết Hiệp Ðịnh Khung Về Mậu Dịch Và Ðầu Tư, cũng như ông thán phục về những tiến bộ trong lãnh vực kinh tế mà Việt Nam đạt được.

Bên cạnh những điểm đáng ngợi khen đó, Tổng Thống Hoa Kỳ nói rằng vẫn còn những điểm Việt Nam cần phải cải tiến. Tổng Thống George W. Bush nói:

“Tôi cũng đã trình bày rất rõ ý kiến của chúng tôi là nếu muốn mối giao hảo ngày càng tốt đẹp hơn, thì phải có sự tiến bộ về phía Việt Nam về tự do chính trị và tự do tôn giáo. Và tôi cũng cho biết ý kiến của chúng tôi là một xã hội là một xã hội được phát triển và được giầu mạnh là khi mọi người được quyền diễn tả một cách tự do về chính trị và về tôn giáo.”

Qua phát biểu, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush muốn cho mọi người thấy rõ quan tâm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam hiện giờ chính là đổi mới về chính trị.

Ðây là vấn đề mà cả hành pháp và lập pháp Mỹ đều quan tâm, điển hình là trước khi quyết định mòi ông Triết sang thăm Hoa Kỳ, Tổng Thống Bush đã tiếp xúc với 4 người đại diện cho một số tổ chức, đảng phái chính trị đang hoạt động cho tự do và dân chủ Việt Nam.

Bạn nghĩ gì về phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết? Xin email về Vietweb@rfa.org

Cũng vì lý do này nên mới ngày hôm trước khi đến thăm Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, ông Triết đã bị các vị dân cử Mỹ chất vấn khá gay gắt về tình trạng nhân quyền Việt Nam. Một số vị dân cử còn đòi hỏi Tổng Thống Bush đưa Việt Nam trở lại danh sách Những Quốc Gia Cần Ðặc Biệt Quan Tâm vì đàn áp tôn giáo, thường được gọi là danh sách CPC.

Trước những áp lực đến từ cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ, ông Chủ Tịch Nước Việt Nam nhán mạnh đến tầm quan trọng của việc phải tiếp tục phát triển về quan hệ, coi đó là nền tảng mà ông mong muốn đạt được sau buổi gặp gỡ này.

“Tôi và Ngài Tổng Thống cũng trao đổi thẳng thắn, chân tình, những vấn đề hai bên vẫn còn nhận thức khác nhau, nhất là vấn đề tôn giáo và nhân quyền. Cách tiếp cận vấn đề của chúng tôi là hai bên vẫn tiếp tục đối thoại, trao đổi, để tăng sự hiểu biết lẫn nhau, và chúng tôi quyết tâm không vì những điều còn khác biệt này mà để ảnh hưởng đến mối quan hệ rất to lớn giữa hai dân tộc, giữa hai nước.”

Các viên chức cao cấp hành pháp cho biết trong cuộc thảo luận, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã thông báo cho ông Chủ Tịch Nước Việt Nam biết là Quốc Hội vừa chuẩn chi thêm ngân khoản để trợ giúp cho Việt Nam thực hiện các chương trình nhân đạo, như HIV/AIDS, giúp đỡ cho những người bị ảnh hưởng của chất da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong thời chiến tranh ở Việt Nam và ông Bush cũng bày tỏ thiện chí cho thấy Washington sẵn sàng tham gia vào kế hoạch giúp Việt Nam xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế.

TrietRiceWhiteHouse200.jpg
Ngoại trưởng Condoleezza Rice (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (giữa) và Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley (phảo) trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Bush với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hôm 22-6-2007. AFP PHOTO

Ngoài ra, Tổng Thống Hoa Kỳ cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, cho dù theo sự tìm hiểu của chúng tôi, ông Bush vẫn chưa đưa ra lời cam kết chắc chắn là sẽ ủng hộ để Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Có hai điểm cũng đáng được nói đến đã xảy ra trong buổi gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ. Ðiểm thứ nhất là khi mới đặt chân đến thành phố New York là trạm dừng chân đầu tiên của chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ông Chủ Tịch Nước Việt Nam loan báo kể từ ngày mùng 1 tháng Chín tới đây, sẽ hủy bỏ visa cho người Việt từ Mỹ về thăm nhà.

Hôm nay khi ngồi cạnh Tổng Thống Bush, ông Triết không quên đưa ra một lời nhắn gửi dành riêng cho những người Việt đang sinh sống ở nước Mỹ. Ông nói:

“Nhân dịp này tôi cũng gởi lời chào thân ái đến bà con ở Hoa Kỳ, khẳng định người Việt Nam ở Hoa Kỳ là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi mong muốn bà con thành đạt, và là cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc.”

Ðiểm lý thú thứ hai là trong bữa cơm trưa do Nhà Trắng chiêu đãi, ông Chủ Tịch Nước Việt Nam đã được Tổng Thống Bush mời ăn món cá vược, tiếng Mỹ gọi là sea-bass, là một loại cá rất được ưa chuộng ở Mỹ. Một đồng nghiệp Hoa Kỳ cũng đến Nhà Trắng săn tin bảo với tôi là khi nào vợ chồng ông Bush sang thăm Việt Nam trở lại, chắc sẽ được ông bà Triết mời thưởng thức món cá basa.

Sau Washington, ông Nguyễn Minh Triết và Ðoàn Việt Nam hiện đang trên đường đến thành phố Los Angeles, bang California. Ðây là trạm dừng chân cuối cùng của Ðoàn, và vào ngày mai, đoàn sẽ về lại Hà Nội theo ngã Nhật Bản.

Nguyễn Khanh, tường trình từ Nhà Trắng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.