CPJ: 2004 là năm con số ký giả bị thiệt mạng và cầm tù cao nhất


2005.03.16

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Uỷ ban bảo vệ ký giả hôm thứ hai vừa công bố bản phân tích thường niên về tình hình tự do báo chí trên thế giới. Bản phân tích cho thấy 2004 là năm bi thảm nhất trong 10 năm qua của nghề báo với số ký giả phóng viên bị chết trong lúc hành nghề cũng như bị cầm tù cao nhất, đặc biệt là trong vùng Á Châu.

Bản phân tích thường niên về tình hình tự do báo chí trên thế giới của CPJ. Photo courtesy of cpj.org

Đã có 56 nhà báo thiệt mạng lúc đang hành nghề trong năm 2004, nhiều nhất là tại Iraq, khiến nước này trở thành một tử địa đối với báo chí, như lời chủ tịch Uỷ ban bảo vệ ký giả Anne Cooper nhận định.

Nhiều nhất tại Iraq

Số nhà báo chết tại Iraq là 23 người và chịu chung số phận với họ, là 16 nhân viên bản xứ. Họ chết vì cướp bóc, phục kích, ám sát, nổ bom và pháo kích, theo tường trình của Uỷ ban bảo vệ ký giả, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York. Vì chủ trương quá khích của phe nổi dậy đối với nhà báo nước ngoài, các hãng thông tấn đã phải thuê người địa phương làm công tác săn tin.

Kết quả là trong số 23 nhà báo bị sát hại tại Iraq, thì 17 là người bản xứ. Con số này thực đáng buồn nếu ta nhớ lại là chỉ có hai nhà báo chết tại Iraq trên tổng số 15 nhà báo hy sinh vì nghề nghiệp trong năm 2003.

Cũng tại Iraq trong năm 2004, có 22 nhà báo bị bắt cóc, nhưng chỉ có một người bị hành quyết, là ký giả Enzo Baldoni, mang quốc tịch Italia. Điều đáng lưu ý khác là tại Iraq năm qua, có năm nhà báo đang làm việc tại Iraq đã rủi ro chết vì đạn bắn lầm của quân Mỹ.

Các nước Á Châu

Tử địa thứ nhì của báo chí trong năm 2004 là Philippine, quốc gia được coi là có nền báo chí tự do nhất Á Châu. Ít nhất 8 ký giả đã ngã xuống trong lúc hành nghề, hầu hết do bị trả thù về những điều họ đã đưa ra trước ánh sáng công luận. Uỷ ban bảo vệ ký giả cũng cho biết trong năm vừa qua, có 122 nhà báo bị cầm tù, nhiều nhất là tại Trung Quốc với 42 nhà báo. Chủ tịch Anne Cooper nói rằng đây quả là một kỷ lục. Trung Quốc đã từ lâu vẫn là quốc gia giam cầm nhà báo nhiều nhất.

Bản phúc trình nhận định rằng, thật là một năm thất vọng não nề cho những ai tin tưởng là nhà lãnh đạo mới Hồ Cẩm Đào sẽ nới rộng tự do để phù hợp với chiều hướng thị trường hoá báo chí. Thua kém Trung Quốc chút đỉnh, là Cuba với 23 nhà báo, Eritrea với 17 người và Miến điện 11. Tình hình ở Nga và hầu hết các nước cộng hoà trước kia nằm trong Liên Xô cũng không khá hơn. Bà Anne Cooper nói là tự do báo chí không hề được tôn trọng ở các quốc gia này.

Tình hình tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mặc dù cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Hoa Kỳ thường xuyên áp lực, Việt Nam vẫn không cho thấy sự nới lỏng nào đối với báo chí trong năm 2004. Một mặt thì nhà nước kiểm soát chặt chẽ báo in, và mặt khác thì tăng cường trấn áp báo trên mạng.

Hồi đầu tháng ba năm ngoái, khi được hỏi về tình hình tồi tệ về tự do báo chí mà Uỷ ban bảo vệ ký giả ghi nhận, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam là ông Lê Dũng tuyên bố rằng hiện nay, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có lẽ phải hiểu rằng ở Việt Nam, báo chí mạnh có nghĩa là báo chí vào khuôn vào phép.

Hồi tháng tư năm ngoái, báo cáo của đảng Cộng sản Việt Nam ca ngợi báo chí đã thực hiện nghiêm chỉnh chính sách và đường lối của đảng, đã tích cực tham gia vào các chưong trình kinh tế xã hội, phát triển văn hoá cũng như trong các lãnh vực an ninh và đối ngoại.

Để bảo đảm sự gắn bó của báo chí ấy với đảng, nhà nước Việt Nam đã không ngần ngại hô hào tinh thần tự chế của giới ký giả, song song với làm phiền, hay nếu cần thì kết những bản án nặng nề cho những ai bất đồng chính kiến.

Nhân quyền

Cộng đồng quốc tế tranh đấu cho nhân quyền đã quan tâm đến tình hình đàn áp tôn giáo và xâm phạm tự do báo chí tại Việt Nam trong năm 2004. Nhà nước trả tự do cho một số nhà văn nhà báo vào thời điểm quốc hội Hoa Kỳ đưa dự luật nhân quyền cho Việt Nam ra thảo luận. Dự luật này được Hạ Viện thông qua hồi tháng bảy, nhưng bị chặn lại ở thượng viện, tương tự như chuyện xẩy ra hồi năm 2002.

Trong số những người được phóng thích, có cử nhân luật Lê Chí Quang, giáo sư Trần Khuê và sử gia Phạm Quế Dương. Nhưng tất cả những người này hiện vẫn tiếp tục bị theo dõi gắt gao dù đã ra khỏi tù. Nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu cũng được giải chế trong năm ngoái.

Nhưng vẫn còn những người khác tiếp tục bị giam cầm như nhà báo Nguyễn Vũ Bình, hiện vẫn đang thụ án tù bảy năm sau khi đã viết bài về hiệp định biên giới Việt Trung. Hai nhân vật bất đồng chính kiến khác là bác sĩ Nguyễn Đan Quế và bác sĩ Phạm Hồng Sơn thì đều bị di chuyển đến một nhà tù khác trong tỉnh Thanh Hoá. Bác sĩ Quế đã được ân xá nhân dịp Tết vừa qua trong khi bác sĩ Sơn hiện vẫn còn trong vòng lao lý.

Tăng cường kiểm soát báo chí trên mạng

Hạ tầng cơ sở yếu kém của Việt Nam đã khiến cho Việt Nam là nước có tỷ lệ số người truy cập Internet thuộc loại thấp nhất tại Á Châu. Theo số liệu của nhà nước đưa ra, thì năm ngoái, số người truy cập Internet là gần năm triệu ba, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Nhưng từ đầu tháng ba, nhà nước đã áp dụng những quy định mới nghiêm nhặt hơn trước để kiểm soát mạng Internet. Theo quy định này, chủ quán cà phê Internet, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng đều phải chịu trách nhiệm về những tin tức được lấy xuống hay đưa lên mạng.

Luật lệ cũng cấm sử dụng Internet để xâm hại an ninh hay tiết lộ bí mật quốc gia, vốn là những tội danh có nội dung rất rộng và mơ hồ.

Nhà nước cũng tăng cường kiểm soát báo chí trên mạng, và sẵn sàng có biện pháp mạnh nếu cần. Trường hợp trưởng biên tập Trương Đình Anh của báo VNEXPRESS bị sa thải hồi tháng 11 sau khi để độc giả phát biểu ý kiến về việc nhà nước mua xe đắt tiền là một thí dụ.

Người phụ trách điều hợp tại Á Châu của Uỷ ban bảo vệ ký giả, bà Abi Wright sáng thứ hai tuyên bố rằng nhà nước Việt Nam tiếp tục đàn áp và kiềm chế báo chí. Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí.

Bà cũng nói đến trường hợp gần đây nhất là vụ phóng viên Lan Anh của báo Tuổi trẻ bị cáo buộc tội tiết lộ bí mật nhà nước tại bộ Y tế, nhưng ra vì những bài báo cô viết có liên quan đến một vụ tham nhũng trong guồng máy nhà nước, và bà kết luận rằng tự do báo chí tại Việt Nam quả là một bức tranh đen tối.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.