Cá tra ở ĐBSCL chết cục bộ chứ không phải do dịch bệnh

0:00 / 0:00

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, nhiều nguồn tin trong nước mô tả tình hình nuôi cá ở Việt Nam gặp khó khăn đáng ngại, với những bài báo tựa đề - chẳng hạn như - “Đồng Nai: cá bè chết hàng loạt” (Tuổi Trẻ online ngày 12/21/06), và mới đây nhất, “Cá tra lại chết hàng loạt” (Người Lao Động, số Jan. 04, 07).

FishFarmer150.jpg
AFP PHOTO

Thanh Quang tìm hiểu tình hình này, và được Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, Giám đốc Trung tâm Quan Trắc thuộc Viện Nghiên Cứu và Nuôi Trồng Thủy Sản 2, TP Hồ Chí Minh, giải thích như sau.

Tiến sĩ Thanh Loan: Đó là diễn biến bình thường ở Đồng bằng sông Cửu Long cuối mùa lũ, và do thời tiết thay đổi, thời tiết lạnh đó thôi. Báo chí qua mạng thì có nhiều tin tức tôi nghĩ là phải kiểm chứng, bởi vì hồi năm ngóai, cá chết không phải là chết hàng loạt, chết thành dịch.

Nó chết là chết cục bộ, chết khu vực, ở từng ao một thôi. Nhưng báo chí tung tin thế. Tôi có đi xuống dưới thì tình hình không phải như vậy. Chính chỗ đơn vị của chúng tôi là phải trực tiếp theo dõi vấn đề đó mà.

Thanh Quang: Như vậy thời điểm hiện giờ cá dễ bị dịch bệnh như thế nào, thưa Tiến sĩ ?

Tiến sĩ Thanh Loan: Đối với ĐBSCL, hàng năm, cá có bệnh, có chết. Do biến động thời tiết, tình hình thời tiết khí hậu, hoặc là cuối mùa lũ, thì nó có chết hơn bình thường, nhưng tôi khẳng định không phải là dịch.

Bây giờ thời tiết bất lợi ở ĐBSCL – thời điểm cuối mùa lũ, thì môi trường sẽ xấu hơn so với bình thường. Đương nhiên bệnh cũng do kỹ thuật nuôi ở từng ao, ở từng người, nhưng tôi khẳng định hiện nó không phải là dịch, nó chỉ cục bộ thôi.

Thanh Quang: Như vậy Tiến sĩ vừa đi công tác ở ĐBSCL, Tiến sĩ nhận thấy tình hình cá tra và basa ở đó hiện khả quan như thế nào ?

Đó là diễn biến bình thường ở Đồng bằng sông Cửu Long cuối mùa lũ, và do thời tiết thay đổi, thời tiết lạnh đó thôi. Báo chí qua mạng thì có nhiều tin tức tôi nghĩ là phải kiểm chứng, bởi vì hồi năm ngoái, cá chết không phải là chết hàng loạt, chết thành dịch.

Tiến sĩ Thanh Loan: Về việc có khả quan hay không thì từng địa phương người ta sẽ trả lời rất cụ thể. Nhưng tôi nhận thấy thế này: Nếu không khả quan thì bà con không nuôi. Nếu mà lỗ thì người nông dân rất nhậy bén cái nầy, tức người ta sẽ không nuôi. Đằng này người ta vẫn nuôi.

Còn về giá cả thì có lên xuống tùy theo tình hình thị trường. Thí dụ vào thời điểm mà người ta đã thu họach hết rồi, thì đối với những ao cá người ta trụ lại được để giữ giá – mà mình có thể gọi nôm na là nuôi trái vụ, thì giá cá sẽ lên hơn là lúc thu hoạch hàng loạt, thu họach rộ lên.

Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, tới mùa dễ bị dịch bệnh, ngành thủy sản có khuyến cáo ngư dân cần hạn chế việc nuôi cá trong thời điểm nào trong năm không, chẳng hạn như trong thời điểm này ?

Tiến sĩ Thanh Loan: Tụi tôi có khuyến cáo người nuôi về cách phòng bệnh là dùng những hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Thứ hai là dùng các lọai hóa chất dễ tìm, rẻ tiền, đơn giản mà hiệu quả. Chẳng hạn như chúng tôi chỉ khuyến cáo người nuôi dùng muối với vôi, và lưu ý phòng bệnh trong mùa nước đổ, trong lúc thời tiết biến động.

Thanh Quang: Lâu nay nước ngoài than phiền về dư lượng kháng sinh trong cá xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề này hiện ra sao ?

Tiến sĩ Thanh Loan: Việc này thì tôi nghĩ là phải hỏi đơn vị có chức năng, đó là Cục Quản lý Chất lượng An toàn Vệ sinh và Thú y, Thủy sản trực Bộ Thủy Sản. Còn đơn vị chúng tôi chỉ làm công việc quan trắc môi trường và cảnh báo bệnh.

Ở chừng mực của chúng tôi, thì chúng tôi đang quan tâm về vấn đề dịch bệnh, và thấy là bệnh xảy ra ở cá thì có, vì không thể nào một ao trong quá trình nuôi mà không có bệnh gì cả, nhưng nó chỉ cục bộ, không lây lan. Chúng tôi khẳng định điều đó.

Thanh Quang: Cảm ơn Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan.