Cán bộ bị bãi chức đã đủ chưa ?

0:00 / 0:00

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Tư vừa qua, nhiều tờ báo loan tin "Một chấp hành viên đánh người tố cáo", nói về việc một quan chức thi hành án cấp huyện vừa bị kỷ luật. Sự việc cho thấy sự kiên quyết của chính quyền và đảng đối với một cá nhân bất xứng, và đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên các biện pháp giải quyết đã thỏa đáng chưa ?

CourtTrialLaw200.jpg
AFP PHOTO

Thời gian gần đây, Việt Nam đã có một số tiến bộ trong lãnh vực tư pháp, chẳng hạn như Nhà nước đã mạnh dạn nhìn nhận những vụ án oan sai và ra quyết định bồi thường cho nạn nhân. Đó là hiện tượng mà chỉ mới mươi năm trước đây ít ai có thể tưởng tượng được.

Cán bộ ngành Tư pháp cũng đã được Quốc hội và công luận lưu tâm soi rọi về phẩm chất, khả năng và trình độ nghiệp vụ, chuẩn bị cho Việt Nam vào thời hội nhập cùng thế giới, khi đó hệ thống tư pháp phải đạt ít nhất là những tiêu chuẩn tối thiểu so với quốc tế.

Thi hành án

Ngoài những điểm đã được nêu lên như nhu cầu nhân lực có năng lực luật học khó được đáp ứng, hệ thống luật lệ còn cần nhiều chỉnh sửa, một tồn tại kéo dài đã quá lâu, gây bức xúc trong dân chúng mà vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đó là việc thi hành án.

Có được một bản án hợp tình, phải lẽ, đã là điều đáng mừng, nhưng chưa trọn vẹn. Lý do là bản án đó có được thi hành trung thực hay không. Đây là điều khiến nhiều người ví von bộ phận thi hành án, với các chấp hành viên hành xử như một loại "thẩm phán thứ cấp" nhưng quan trọng hơn.

Nổi cộm nhất như vụ Epco-Minh Phụng gây tai tiếng nhiều năm, thách thức từ cấp thành phố cho tới khi ra trung ương mà chưa giải quyết rốt ráo.

Phải có cái...ẩn như thế nào đó, thành thử mới có cơ quan này, ngành kia, chức năng nọ...đến để thương lượng với gia đình tôi bằng đồng tiền. Chớ khi không mắc gì hết người này, người kia mời, đi lên đi xuống, mời tới mời lui, mời hoài. Trong khi quyết định thi hành án có từ ngày 8 tháng Chín năm 2005 cho tới bây giờ cũng không nói gì đến thực hiện thi hành cưỡng chế hết....

Hồi tháng Giêng vừa qua, báo Tiền Phong thử điểm lại trách nhiệm của những cá nhân và đơn vị liên quan thì thấy là ngoài cơ quan thi hành án, còn có trách nhiệm của Ủy ban Quận 2, cơ quan cảnh sát điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh, phòng Kiềm sát Thi hành án thành phố, phòng Quản lý Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và cả Ủy ban thành phố Vũng Tàu.....

Cuối cùng, ông Trưởng phòng Thi hành án, người đương đầu với báo chí và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh suốt mấy năm qua mới bị đề nghị tạm đình chỉ công tác và truy tố, nhưng vẫn còn nguyên tư cách đảng viên và phó bí thư chi bộ.

Qua vụ "Một chấp hành viên đánh người tố cáo" mà báo chí loan tin hôm thứ Tư, ông cán bộ này chỉ bị kỷ luật sau khi đã có hành vi phạm pháp tột cùng là triệu tập người tố cáo ông tiêu cực đến trụ sở công an thị trấn Tân Hiệp để hành hung.

Nạn nhân là anh Trần Đức Thịnh, người đã dũng cảm tố cáo chấp hành viên Lê văn Minh "vòi vĩnh, nhũng nhiễu" khi thi hành một bản án của gia đình anh đã có hiệu lực pháp luật gần cả năm rưỡi trời.

“Phải có cái.. ẩn”

Bản án không được thi hành, mà còn có nhiều cá nhân, cơ quan liên hệ tìm cách thương lượng với gia đình anh. Nạn nhân cho biết:

“Phải có cái...ẩn như thế nào đó, thành thử mới có cơ quan này, ngành kia, chức năng nọ...đến để thương lượng với gia đình tôi bằng đồng tiền. Chớ khi không mắc gì hết người này, người kia mời, đi lên đi xuống, mời tới mời lui, mời hoài. Trong khi quyết định thi hành án có từ ngày 8 tháng Chín năm 2005 cho tới bây giờ cũng không nói gì đến thực hiện thi hành cưỡng chế hết.....”

Thật ra, anh Thịnh cho biết đã từng phải chiều theo ý muốn của ông cán bộ này, nhưng đòi hỏi ngày càng nhiều khiến gia đình anh không còn chịu nổi. Vì thế họ đã phải kêu xin, khiếu tố nhiều nơi mà không được bênh vực. Sau cùng anh Thịnh mới phải nhờ đến báo chí lên tiếng, cụ thể là những tờ Thanh Niên, Tiền Phong.....

Dù vậy, bản án vẫn không được thi hành và ông chấp hành viên ngày càng hằn học hơn. Cho đến khi ông quan cấp huyện này ra tay hành hung anh Thịnh thậm tệ trước công chúng thì cấp ủy mới có biện pháp.

Được chúng tôi hỏi thăm, nạn nhân Trần Đức Thịnh vẫn chưa thôi bức xúc. Anh nói: "Theo em thì chưa thỏa đáng đâu anh à. Ví dụ như anh là cán bộ nè, vừa là đại diện cho luật pháp nè, mà quan trọng nhứt anh lại là đảng viên nữa, mà anh cố tình đánh em trong cơ quan công an, thì thái độ đó không thể nào dung thứ được."

Tờ Tiền Phong cho hay sau khi xảy ra vụ đánh người, Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang mới ký quyết định kỷ luật ông Lê văn Minh là "cảnh cáo" vì có thái độ "nhũng nhiễu" trong khi thi hành công vụ và đánh người tố cáo. Đồng thời cơ quan chức năng đề nghị bãi miễn chức danh chấp hành viên của ông Minh. Như vậy ông này vẫn còn là đảng viên và sẽ được lãnh nhiệm vụ khác.

Sáng mùng 6 tháng Hai, công an huyện Châu Thành mời ông Lê văn Minh nhận quyết định xử phạt hành chánh 350 ngàn đồng về tội "đánh dân" và bồi thường tiền thuốc men cho nạn nhân Trần Đức Thịnh.

Mới nhất, cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an trong khi xác minh đơn tố giác của một nạn nhân tỉnh Đồng Nai nhận định là có căn cứ xác định một số cán bộ ở ngay Cục Thi hành Án Dân sự bộ Tư Pháp, đã tiêu cực, có hành vi đòi tiền, gạ gẫm đối với nạn nhân.