Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA
Chính phủ Hoàng gia Campuchia vừa ban hành kế hoạch chi tiết về việc cắm cột mốc biên giới với Việt Nam và Thái Lan vào hôm thứ Sáu, ngày mùng 4 tháng 8 năm 2006 vừa qua. Phóng viên Nguyễn Bình từ Phnom Penh có bài tường trình về sự kiện này.

Đường ranh giới Brévié
Theo kế hoạch được chính phủ Campuchia ban hành vào hôm mùng 4 tháng 7, năm 2006 vừa qua, việc cắm cột mốc biên giới với Việt Nam sẽ được thực hiện vào đầu tháng 9 tới. Đợt này, sẽ cắm 353 cột móc trên tổng chiều dài đường biên giới 1.270 km, khởi đầu từ cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Theo lời của ông Khieu Kanha Rith, phát ngôn viên Chính phủ nói với báo đài rằng, sau khi ban hành kế hoạch, lãnh đạo của hai chính phủ Campuchia và Việt Nam sẽ có cuộc gặp gỡ để làm lễ khánh thành.
Đối với đường biên giới trên biển, 2 bên vẫn nhất trí lấy đường ranh giới Brévié làm chuẩn. Theo đó, đảo Phú Quốc thuộc về Việt Nam, nhưng phần hải phận lân cận đảo này thì thuộc về Campuchia.
Ông Khieu Kanha Rith nói Phía Việt Nam nhận trách nhiệm sản xuất cột mốc biên giới và vận chuyển đến nơi. Việc cắm cột do hai bên cùng thực hiện.
Theo báo cáo của Ủy ban Biên giới Campuchia, việc cắm cột mốc biên biên giới với Việt Nam sẽ thực hiện theo Hiệp ước bổ sung cho Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, được thủ tướng Hun Sen ký với cựu thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 10 năm 2005 vừa qua tại Hà Nội.
Cột móc biên giới với Thái Lan
Còn việc cắm cột móc biên giới với Thái Lan, sẽ thực hiện theo văn bản mà hai bên ký kết hồi năm 2003. Được biết, Campuchia có đường biên giới trên bộ với Thái Lan dài 805 km.
Hồi tháng 10 năm 2005 vừa qua, những người quan tâm về vấn đề biên giới ở Phnom Penh chỉ trích thủ tướng Hun Sen nhượng đất nhượng biển cho Việt Nam. Trong đó có một số người bị bắt giam với tội danh phỉ báng, và một số người còn lại trốn ra nước ngoài.
Ông Sean Pengse, Chủ tịch Ủy ban Biên giới Campuchia ở hải ngoại vẫn cho rằng Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, và Hiệp ước bổ sung năm 2005 đều không hợp pháp vì trái với tinh thần Hiệp định Paris về vấn đề Campuchia được ký kết hồi tháng 10 năm 1991. Theo ông, việc cắm cột móc biên giới vào tháng tới, cũng là hoạt động bất hợp pháp.
Ông Sean Pengse nói Ủy ban Biên giới của ông không thừa đường biên giới được hoạch định theo Hiệp ước trên. Tổ chức của ông chỉ thừa nhận Hiếp pháp và văn bản phù hợp với Hiệp định Paris năm 1991.
Sau khi kế hoạch cắm cột móc biên giới được ban hành một ngày, từc vào hôm mùng 5 tháng 7, phong trào sinh viên dân chủ ở thủ đổ Phnom Penh ra bản tuyên bố yêu cầu mọi người dân nên có trách nhiệm tham gia giám sát việc cắm cột mốc biên giới với Việt Nam vào tháng tới. Đồng thời yêu cầu chính phủ nước này nên quan tâm đến lợi ích của dân tộc mình.
Ông Phát ngôn viên Khieu Kanha Rith nói với báo chí trước văn phòng nội các rằng chính phủ của ông sẽ cho phép phóng viên báo đài của đảng đối lập và những người quan tâm tham gia giám sát việc cắm cột mốc biên giới với Việt Nam vào tháng tới.