Giám đốc đài FM 105 bị bắt vì tố cáo Thủ tướng Hun Sen nhượng đảo Phú Quốc cho Việt Nam


2005.10.12

Nguyễn Bình, đặc phái viên RFA tại Phnom Penh

Ông Mom Sonando, Giám đốc đài phát thanh độc lập FM 105 MHz, đã bị cảnh sát Campuchia bắt giam vào lúc 7 giờ sáng thứ Ba 11-10, tại thủ đô Phnom Penh, với lý do Đài của ông tuyên truyền rằng Thủ tướng Hun Sen đã nhường đảo Phú Quốc cho Việt Nam. Hiện nay, ông Mon Sonando đang bị tạm giam để chờ đưa ra tòa xét xử.

Nguồn tin từ tòa án Phnom Penh cho biết, chính phủ Hoàng gia Campuchia đã kiện 2 người, gồm ông Mon Sonando, giám đốc Đài FM 105 MHz, và ông Sean Pengse, chủ tịch Ủy ban Biên giới Campuchia ở hải ngoại, có trụ sở ở Paris, Cộng hòa Pháp.

Hai ông này bị kiện về tội xúc phạm danh dự nhân phẩm người lãnh đạo chính phủ, khi các ông này thực hiện một loạt bài phỏng vấn về vấn đề biên giới, trong đó tố cáo ông Hun Sen đã nhượng đất nhượng biển cho Việt Nam để đổi lấy quyền lực.

Nhượng đảo Phú Quốc cho Việt Nam?

Khi đề cập đến vấn đề nhường đảo Phú Quốc thì ông Hun Sen phản ứng lại một cách mạnh mẽ vào hôm mùng 6 tháng 10, là việc Campuchia mất đảo Phú Quốc cho Việt Nam không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của người Pháp.

Cũng vào hôm 6-10, ông Hun Sen dọa sẽ kiện một người vu khống ông về chuyện này ra tòa. Và nay ông ta đã tiến hành các thủ tục kiện 2 người.

Ông Mom Sonando cũng biết trước là ông ta và ông Sean Pengse, một người Khmer quốc tịch Pháp, đang ở nước ngoài đã có lệnh triệu tập của Tòa án Phnom Penh vào hôm thứ hai, ngày 10 tháng 10. Ông Mom Sonando cũng cố trốn tránh những không thoát được. Còn ông Sean Pengse, hiện vẫn còn đang ở nước ngoài.

Ông Mom Sonando nói với Đài RFA vào hôm thứ hai, lúc ông đang trốn ở một nơi bí mật tại thủ đô Phnom Penh nhưng sau: “Khi người ta cáo buộc ông ta một tội nào đó, ông ta muốn rằng họ thực hiện đúng pháp luật. Theo ông ta biết, có lẽ xuất phát từ lý do khoảng một tháng trước, ông ta có phỏng vấn ông Sean Pengse đang ở bên Pháp, ông ta có yêu cầu ông Sean Pengse trình bày rõ hơn về Hiệp ước biên giới Việt Nam – Campuchia được ký trong những năm 1979, 1982 và năm 1985.”

Đâu là sự thật?

Ông Khieu Kanharith, phát ngôn viên Chính phủ Hoàng gia Campuchia, cho biết là ông đã từng phản ứng trực tiếp với ông Mom Sonando, giám đốc đài FM 105 MHz, vì đài này thường phát thông tin một chiều.

Ông Khieu Kanharith nói: “Khi ông ta nói người này, người kia bán đất, bán đảo thì nên đối chiếu với thông tin chính thức của chính phủ. Theo ông ta biết, thì ông Mon Sonando không bao giờ tham khảo ý kiến của phát ngôn viên Chính phủ.”

Song song với ý kiến của bên đối lập, các phương tiện thông tin đại chúng thân chính phủ cũng đã giải trình về vấn đề biên giới, trong đó thừa nhận là có mất đất, nhưng họ đỗ lỗi cho người Pháp. Và còn kỳ vọng ông Hun Sen sẽ thương lượng với Hà Nội để đòi lại một phần lãnh thổ.

Tìm thế cân bằng

Vào ngày thứ hai, mùng 10 tháng 10, cùng lúc Thủ tướng Hun Sen lên đương sang thăm chính thức Việt Nam 3 ngày, để ký vào văn bản bổ sung của Hiệp ước biên giới năm 1985, thì nhà vua Campuchia, Norodom Sihamoni, người đứng đầu Nhà nước Campuchia cũng lên đường sang Trung Quốc.

Trong thời gian có mặt tại Trung Quốc, nhà vua Norodom Sihamoni sẽ nghĩ ngơi tại một cung điện do chính phủ Trung Quốc xây cho cựu Quốc vương Norodom Sihanouk tại Bắc Kinh.

Nguồn tin chính thức từ Văn phòng Quốc trưởng cho biết là nhà vua Sihamoni sẽ không ký vào Sắc lệnh công bố Hiệp ước do ông Hun Sen và Hà Nội làm. Nhà vua sẽ ủy quyền cho ông Chea Xim, chủ tịch Thượng Nghị viện, đang giữ quyền Quốc trưởng, để tùy ông lựa chọn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.