Câu chuyện một cô gái bị lạc 19 năm trong rừng

0:00 / 0:00

Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA

Hôm nay phóng viên Nguyễn Bình từ Cambodia có bài tường trình về một phụ nữ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Rattanakiri lạc trong rừng 19, nay đã đoàn tụ với gia đình trở lại.

CambodianWildGirl200.jpg
Cô gái người Cambodia bị thất lạc 19 năm về trước trong rừng. AFP PHOTO

Ở độ tuổi 28, tốc xỏa ngang vai, nước da ngâm đen, thân hình ốm yếu, không có quần áo, không biết nói, cô Kasol Pha-nhiên, trong quá khứ được coi là một đứa trẻ người dân tộc Phnong 9 tuổi thất lạc trong rừng 19 năm về trước.

Cha của cô là ông Kasol Lu, 45 tuổi, người dân tộc Phnong, cư ngụ ở xã Ya Lung, huyện Oyadao, tỉnh Rattanakiri, thuộc miền Đông Bắc Cambodia tìm thấy cô trong rừng thuộc địa phận huyện Oyadao khoảng 2 tuần trước đây.

Còn nhiều bí ẩn

Sự có mặt của cô trong buôn làng đã gây sự ngạc nhiên cho dư luận trong và ngoài nước. Có nhiều câu hỏi được đặt ra. Cô sống trong rừng như thế nào? Ăn uống ra sao? Cô thất lạc trong rừng thật sự, hay có kẻ nào đó bắt giữ cô? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Xung quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều điều bí ẩn.

Ông Kasol Lu kể lại câu chuyện tìm thấy con sau 19 năm thất lạc rằng có một hôm người hàng xóm của ông vào trong rừng sâu thấy người lạ, thường đến ăn cơm thừa. Ông tò mò muốn biết sự việc nên đi vào rừng cùng với họ.

Ông mang theo một bọc cơm để dành cho người lạ này. Ông đợi từ sáng đến 12 giờ trưa, thì thấy người lạ xuất hiện với dóc dáng giống như con gái của ông hồi 19 năm về trước. Ông đưa bọc cơm ra nhử để cô gái đến gần rồi bắt về.

Dựa vào vết sẹo trên lưng và bàn tay, ông Kasol Lu tin tưởng cô gái vừa tìm thấy trong rừng này chính là con gái của ông thất lạc trong lúc đi chăn trâu vào năm 1988.

CambodianWildGirl200b.jpg
Cô gái người Cambodia bị thất lạc 19 năm về trước trong rừng hôm 16-1-2007. AFP PHOTO

Ông đưa cô gái về nhà, cho mặt quần áo, tập cho sinh hoạt như một thành viên trong gia đình trở lại. Nhưng mấy ngày đầu chưa quen, cô cứ muốn chạy vào rừng. Do đó, ông phải bố trí người canh chừng suốt ngày đêm. Nay thì cô không muốn chạy vào rừng nữa, và đã biết xem truyền hình. Thấy cảnh vui trong đoạn phim hoạt hình thì cô cười như người bình thường khác.

Trẻ em người dân tộc thiểu số

Ông Mao San, Giám đốc công an huyện Oyadao nói rằng ông thường xuyên nhận được báo cáo cho rằng trẻ em người dân tộc thiểu số ở đây thất lạc trong rừng. Trong số đó, có một số em tìm gặp lại, một số thì chỉ tìm thấy thi hài hoặc xương cốt và cũng có một số mất tích luôn.

Ông Mao San cho biết khu rừng thuộc địa phận huyện Oyadao, giáp biên giới Việt Nam, trước đây từng là căn cứ của Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, căn cứ của Khmer Đỏ, căn cứ của lực lượng Fulro, và nay là nơi ẩn núp của người Thượng từ Tây Nguyên sang lánh nạn.

Ông gợi ý một số điểm cho cơ quan chức năng điều tra thêm, rằng theo ông người sống trong rừng nếu không có người khác quản lý suốt 19 năm, phải có tóc dài và móng tay móng chân dài. Nhưng cô gái nói trên thì tóc ngắn, móng tay móng chân ngắn.

Hơn nữa cánh tay trái của cô có nhiều vết tích giống như từng bị chói chặc. Do đó, ông cho rằng có điều bí ẩn đằng sau vụ mất tích này.