Cambodia hạn chế hoạt động đạo Tin Lành


2007.07.20

Nguyễn Bình, thông tín viên RFA tại Phnom Penh

Tại Cambodia, Bộ Tôn giáo vừa ban hành chỉ thị nhằm hạn chế việc truyền đạo khiến người theo đạo Tin Lành ở nước này không vui. Đại diện đạo Tin Lành Cambodia lên tiếng vào ngày 18 tháng 7 yêu cầu Bộ Tôn giáo nước này xem xét lại chỉ thị nhằm hạn chế hoạt động truyền đạo.

ChurchCambodia200.jpg
Nhà thờ ở Cambodia. AFP PHOTO

Lời thỉnh cầu của lãnh đạo Tin Lành được đưa ra sau khi Bộ Tôn giáo Cambodia ban hành chỉ thị đề ngày 26 tháng 6 năm 2007, nhưng mãi đến ngày thứ Sáu tuần trước mới công bố.

Chỉ thị nói trên qui định rằng tài liệu truyền đạo chỉ được phân phát trong cơ sở tôn giáo, và việc gõ cửa từng nhà để truyền đạo bị nghiêm cấm vì ảnh hưởng đến sinh hoạt và an ninh trong xã hội. Chỉ thị còn qui định thêm là cấm người truyền đạo dùng tiền bạc cũng nhưng phương tiện vật chất để dụ dỗ người ta thay đổi tôn giáo.

Ông Uon Ty, đại diện đạo Tin Lành Cambodia nói rằng ông yêu cầu Bộ Tôn giáo nước này xem xét lại từng lời lẽ trong chỉ thị. Ông thừa nhận rằng có một nhóm người theo đạo Tin Lành đến gõ cửa từng nhà để truyền đạo, nhưng chỉ là thiểu số.

Ông Sun Kimhean, Quốc vụ khanh Bộ Tôn giáo nói với tờ nhật báo tiếng Anh The Cambodia Daily rằng ông lo ngại sự phát triển của đạo Tin Lành sẽ ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa đạo phật tại Cambodia, vì ngày càng có nhiều người bỏ đạo phật truyền thống của nước này.

Bà Kek Galabru, giám đốc tổ chức nhân quyền Licadho cho rằng nếu người truyền đạo không dùng vật chất hay quyền lực, mà chỉ dùng lời lẽ cơ ngợi tôn giáo của mình để lôi kéo người theo đạo phật bỏ đạo là không vi phạm pháp luật. Bà khuyên rằng nhà cầm quyền nên chấp nhận hiện tượng này.

Còn ông Thun Saray, giám đốc tổ chức nhân quyền Adhoc thì ủng hộ chỉ thị trên. Ông cho rằng việc gõ cửa từng nhà để giảng đạo không phù hợp với tình hình an ninh hiện tại ở Cambodia.

Được biết, hiện có khoảng 200,000 người Cambodia theo đạo Tin Lành. Nhìn chung họ sống một cách hòa bình bên cạnh người theo đạo phật. Tuy chưa có xung đột tôn giáo, nhưng từ năm 2003 cho đến nay cũng có vài vụ căng thẳng xải ra giữa người theo đạo phật và người theo đạo Tin Lành.

Vào năm 2003, người theo đạo phật đập phá một nhà thờ ở tỉnh Svay Rieng với cáo buột liên quan đến hiện tượng hạn hán, năm 2004 đập phá một nhà thờ ở tỉnh Prey Veng, và năm 2005 phá hủy thêm một nhà thờ ở tỉnh Kandal đang trong giai đoạn thi công.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.