Quốc hội Campuchia thông qua Hiệp ước bổ sung


2005.11.12
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA

Quốc hội Campuchia đã triệu tập cuộc họp vào sáng thứ sáu, ngày 11 tháng 11 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hoàng thân Norodom Ranarith để thông qua Hiệp ước bổ sung cho Hiệp ước về hoạch định biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, vốn còn nhiều tranh cãi.

CambodiaAssembly150.jpg
Quốc hội Campuchia đã triệu tập cuộc họp vào sáng thứ sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2005. AFP PHOTO

Đây là cuộc họp lần thứ 3, Quốc hội Khóa III, có 111 đại của 3 đảng phái tham dự. Cuộc họp đã dành phần lớn thời gian cho việc giải trình cho dân chúng Campuchia biết là Hiệp ước bổ sung mà Thủ tướng Hun Sen ký với Hà Nội vào ngày 10 tháng 10 vừa qua vẫn bảo toàn được toàn vẹn lãnh thổ.

Giơ tay biểu quyết

Hiệp ước này đã được Quốc hội Vương quốc Campuchia thông qua vào phiên họp sáng ngày 11 tháng 11 bằng cách giơ tay biểu quyết, trước khi đến phần giải trình của Chính phủ. Kết quả, có 95 trên tổng số 111 đại biểu giơ tay tán thành.

Về nguyên tắc, chỉ cần trên 50% đại biểu giơ tay biểu quyết thì Hiệp ước coi như được thông qua, do đó Hiệp ước này đã đến giai đoạn chờ chữ ký của Vua Sihamoni để có hiệu lực thi hành.

Trong phần giải trình của Chính phủ, ông Phó Thủ tướng Sok An cho biết Hiệp ước này chỉ là phần thỏa thuận về việc hoạch định biên giới đường bộ. Ông cho biết thêm Chính phủ Campuchia vẫn còn bảo lưu một địa điểm chưa rõ ràng ở Đắc Đam và Đắc Lu thuộc tỉnh Mondulkiri giáp với Tây Nguyên của Việt Nam.

Lý do được ông Sok An đưa ra là phía Việt Nam sử dụng bản đồ do thực dân Pháp để lại. Nếu như căn cứ vào bản đồ đó, thì Campuchia phải mất đất khoảng 50 Km2. Vì vậy Chính phủ ông cương quyết bảo lưu để đàm phán tiếp, và 2 bên nhất trí tiếp tục đàm phán từ nay cho đến tháng 12 năm 2008.

Ông Sok An gọi cuộc đàm phán về biên giới giữa Phnom Penh và Hà Nội vừa qua là cuộc đàm phán bình đẳng lần đầu tiên trong lịch sử.

Quan điểm của Đảng đối lập

Trước đây, Đảng đối lập Sam Rainsy thường lên tiếng phản đối mọi Hiệp ước do chính phủ Hun Sen ký với Hà Nội. Đảng này cho rằng Hiệp ước về hoạch định biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia năm 1985 được ký kết trong lúc quân đội Việt Nam còn chiếm đóng nước láng giềng Campuchia do đó phần thiệt sẽ thuộc về Campuchia.

Đảng Sam Rainsy ủng hộ quan điểm của cựu vua Sihanouk cho rằng muốn biết mất đất hay không thì không nên giải trình suông bằng lời nói mà nên đi kiểm chứng thực địa. Và trong cuộc họp thông qua Hiệp ước bổ sung lần này có một số dân biểu đảng Sam Rainsy tẩy chay bằng cách đi ra khỏi hội trường trong lúc dân biểu của 2 đảng kia giơ tay biểu quyết.

Sau khi Hiệp ước bổ sung được Quốc hội Campuchia thông qua vài tiếng đồng hồ, Đảng đối lập Sam Rainsy cũng tổ chức họp báo tại thủ đô Phnom Penh gọi đây là sự kiện đáng buồn vì họ cho rằng lời giải trình của Chính phủ không đủ sức thuyết phục. Đảng Sam Rainsy vẫn cho rằng Hiệp ước do Thủ tướng Hun Sen ký với Hà Nội làm cho Campuchia mất đi một phần lãnh thổ.

Sau khi họp báo xong, cùng ngày 11 tháng 11, Đảng Sam Rainsy ra tuyên bố yêu cầu Nhà vua Sihamoni đừng phê chuẩn Hiệp ước bổ sung do Quốc hội thông qua như vừa kể, và yêu cầu Chính phủ ông Hun Sen trả tự do cho những người bị bắt giam gì dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ liên quan đến việc ký kết Hiệp ước biên giới.

Được biết, Chính phủ Phnom Penh đã sử dụng hệ thống toà án để đáp lại những lời chỉ trích về vấn đề biên giới với Việt Nam. Kết quả, có 6 người bị kiện ra tòa về tội phỉ báng. Trong đó có 2 người bị bắt giam chờ đưa ra xét xử, đó là Ông Man Sonando, Giám đốc đài Tổ Ong FM 105 MHz và Ông Rung Chhung, Chủ tịch Hội giáo viên độc lập, 4 người còn lại trốn thoát ra nước ngoài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.