Tác động từ bên ngoài đến tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam?

Việt-Long & Hoàng Thanh Phong, RFA

Những cuộc vận động chính trị trong thời gian gần đây đã đem lại hiệu quả ra sao đối với chính trường ở trong nước? Đó là câu hỏi chúng tôi đem ra để tham khảo ý kiến ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên kinh tế hiện đang làm việc cho một cơ quan ở Việt Nam, cũng là người am hiểu tình hình và thông thạo tin tức trong nước. Ông trả lời câu hỏi vừa rồi, do Việt-Long nêu ra.

0:00 / 0:00
VnPartyLeaders200.jpg
Những nhân vật lãnh đạo của đảng CSVN. AFP PHOTO

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, thực tế là chưa bao giờ các cuộc thảo luận chính trị cả ở bên trong và bên ngoài Việt Nam lại sôi nổi và phong phú như bây giờ. Nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại như máy vi tính hay điện thoại qua internet, nên sự thảo luận đã thu hút ngày càng đông các thành phần trực tiếp tham dự cũng như số người theo dõi.

Sự phổ biến rộng rãi các tin tức, từ những câu chuyện đơn lẻ về cuộc đời của các nạn nhân bị các nhà chức trách đối xử bất công, đến chuyện đòi hỏi công lý của các tập thể nhân dân, hay tin về các hoạt động đấu tranh cho dân chủ có tổ chức ở cả trong lẫn ngoài - tất cả đang tạo ra một sức ép chính trị mới, có thể nói là rất mới đối với các giới chức cầm quyền ở Việt Nam.

Việt-Long: Nhưng những sức ép đó có tạo nên kết quả cụ thể nào không?

Hoàng Thanh Phong: Tôi cho là không, ít nhất là nhìn từ góc độ công khai. Những ý kiến của đông đảo công chúng đều mới chỉ được nêu ra trên các kênh thông tin không được chính quyền thừa nhận, mà còn bị an ninh đặt tường lửa, hay phá sóng, nên thông tin loại này chỉ đến được với một số người rất chịu khó quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam, mà không đến được với quảng đại công chúng.

Ông thử về Việt Nam để hỏi thử mọi người, ông sẽ thấy ngay.

Thứ 2, là các ý kiến quá đa dạng, mà nhiều khi không sát thực tế trong nước, cho nên rất khó thu hút hay tạo được sự đồng tình ủng hộ từ đông đảo công chúng bên trong nước.

Việt-Long: Xin ông cho biết một số thí dụ cụ thể về những điều ông nói là các quan điểm không sâu sát với thực tế trong nước?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, tôi thì không theo dõi hết được các ý kiến từ rất nhiều diễn đàn, nhưng qua trao đổi với một số người quan tâm trong nước, thì có thể tạm nêu ra vài điểm: như những trong đòi hỏi phải có dân chủ đa đảng, ít người nào đưa ra được một lộ trình cụ thể cho các lời kêu gọi đó, hay ít nhất đưa ra được một khởi xướng cụ thể nào cho sự kêu gọi.

Nếu kêu gọi mà thực ra là chỉ trích đảng và chính quyền ở Việt Nam là không chịu cải cách theo hướng dân chủ, thì những lời kêu gọi đó không đủ hấp dẫn. Người dân trong nước đều biết là vào lúc mới dành được dân chủ ở nhiều nước như Ba Lan, Tiệp Khác, hay Ucraina hay Nga, đờì sống của tuyệt đại đa số nhân dân đều không được cải thiện tốt lên, mà trên thực tế lại đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng mới.

Đặc biệt ở các nước thuộc Liên Xô cũ, thì sự tan rã của đảng cộng sản không hề mang lại sự tốt đẹp nào cho đa số nhân dân, đặc biệt là nông dân, cho nên nhiều người dân trong nước không thấy lý thú gì trước các lời kêu gọi dân chủ hóa hiện nay, trong khi nhìều người còn cảm thấy sống được, cũng thoải mái rồi, có tham nhũng độc tài thì cũng chưa hại gì đến mình, chẳng hạn..

Việt-Long: Vậy thì trong nước nghĩ về vai trò cầm quyền của đảng Cộng sản ra sao?

Hoàng Thanh Phong: Là một người trong nước, tôi thấy rằng mặc dù đảng và chính quyền Việt Nam có nhiều vấn đề, nhưng rõ ràng họ vẫn là một lực lượng duy trì sự ổn định rất cần thiết cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Nếu quốc gia này mà hoàn toàn đúng như những lời đả kích quá đáng kia thì hiện nay ở Việt Nam khó mà có những doanh nghiệp được thành lập nhiều và nhanh như vậy, và số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Như vậy, các ý kiến đòi hỏi cho dân chủ hóa cũng phải tính đến tình hình thực tế, chứ không thể hoàn toàn phủ nhận các mặt tích cực là vì như thế thì sẽ rơi vào tình trạng “người nói chẳng có kẻ nghe”.

Việt-Long: Nhưng theo như ý kiến của ông Võ Văn Kiệt thì đà tăng truởng kinh tế vẫn chưa đủ, và đầu tư nước ngoài thì cũng còn nhỏ bé, cho nên liệu đó có phải là mặt tích cực chưa?

Hoàng Thanh Phong: Đà tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn còn là rất chậm nếu so với tiềm năng thực tế của Việt Nam, và để cho tăng trưỏng cao và bền vững, thì cần phải có thêm nhiều cải cách nữa. Còn so với các nước lân bang thì quả là đầu tư trong ngoài ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ.

Nhưng đó là cái nhìn của các chuyên viên, còn đối với số đông người dân trong nuớc thì tình hình hiện nay đã là tích cực rồi, là vì cuộc sống của nhiều người đã và đang được cải thiện.

Việt-Long: Qua ý kiến của ông như vậy, thì nhiều người bên trong đang mong đợi điều gì từ những ý kiến đòi dân chủ hóa Việt Nam?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, tôi nói như vậy không có nghĩa là không cần đòi hỏi dân chủ. Thực tế thì sự xuất hiện nhiều tiếng nói ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi dân chủ hóa, chống tham nhũng, hay chống lại các chính sách bất công đối với nhân dân, đã có các tác dụng rất tích cực nhất định, thí dụ ít nhất thì cũng làm cho đảng CS nhận thấy là nhiều người dân đang rất không đồng tình với đảng, và từ chỗ đó ít nhất là họ phải có các biện pháp có thể nói là "tháo ngòi nổ".

Việt-Long: Như vậy thì liệu đảng CS có thể né tránh các biện pháp cải cách căn bản theo hướng dân chủ hoá, và chỉ chú trọng đến việc "tháo ngòi nổ" trước các vấn đề đang âm ỉ? Thông tin trong nước nói gì về việc này?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, trước hết phải nói là mặc dù có nhiều ý kiến từ công chúng cả trong và ngoài, nhưng các ý kiến đó vẫn còn rất rời rạc, chưa đủ mạnh, và điều quan trọng nhất là đa số nhân dân trong nước dường như chưa cảm thấy là ĐCS đã trở thành một trở ngại trong đời sống của họ.

Thí dụ, với một trong các vấn đề bức xúc nhất hiện nay là nạn tham nhũng, thì đảng CS có thể tháo ngòi nổ thông qua việc thí đi một số cán bộ đã thoái hóa và không còn tác dụng. Việc đưa ra tòa các cá nhân tham nhũng thối nát sẽ có lợi cho chính quyền.

Theo tôi, vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều, là hiện nay thành phần lãnh đạo đảng đang bị chia rẽ, đang lúng túng trong sự chia rẽ đó, và họ sẽ phải mất nhiều thời gian trước khi có thể bắt tay cho một chiến dịch làm trong sạch nội bộ, nếu họ muốn.

Việt-Long: Theo những thông tin ông có được từ bên trong bộ máy nhà nuớc, ông có thể cho biết là những người bên trong, đặc biệt là hàng ngũ cán bộ cao cấp, họ có lo ngại gì trước sức ép đòi dân chủ hóa VN?

Hoàng Thanh Phong: Phải nói ngay là hiện thì không thấy giới lãnh đạo trong nước biểu lộ bất cứ một thái độ nào mà có thể nói là "lo ngại". Họ đang nắm trong tay tất cả các phương tiện quyền lực và vật chất cần thiết để cai trị một quốc gia, như bộ máy hành chính, quân đội, công an, tài chính để duy trì hoạt động hàng ngày.

Lại còn nhiều tỷ đô-la của cộng đồng quốc tế đổ vào, kể cả từ các quốc gia giàu mạnh nhất như châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Như vậy, rõ ràng là họ đang làm chủ tình hình. Nếu những người tranh đấu cho dân chủ không biết tập hợp lại và sử dụng đúng sức mạnh của họ, thì những ý kiến đòi hỏi của họ không thể làm nao núng những người đang cầm quyền ở Việt Nam.