Những nguyên nhân khiến giá hàng hoá và dịch vụ tăng đột biến.

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Từ vài tuần nay giá nhiều loại hàng hóa cũng như một số dịch vụ trong nước bắt đầu tăng. Giới chuyên môn và người dân có giải thích khác nhau về lý do giá tăng đột biến. Giá cả lên cao ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân? Nhã Trân tìm hiểu và tường trình.

MetroShopping200.jpg
Từ vài tuần nay giá nhiều loại hàng hóa cũng như một số dịch vụ trong nước bắt đầu tăng. AFP PHOTO

Theo công bố về chỉ số giá tiêu dùng được Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây, giá hàng hóa, dịch vụ cả nước trong tháng 8 năm nay tăng đến 4 phần trăm.

Lên giá hàng loạt

Giới quan sát cho hay chỉ số tăng của giá nhiều mặt hàng hồi hai tháng trước được xem là tương đối ổn định. Đến khoảng giữa tháng này, ngay sau đợt xăng dầu tăng giá, hàng loạt hàng và dịch vụ đã tăng khắp nơi. Những thứ thực phẩm như rau quả, thủy hải sản, thịt gia súc cùng các loại dịch vụ như vận tải, du lịch… đều nhất loạt lên giá.

Rau trái ở nhiều chợ tăng đột biến từ một rưỡi đến gấp đôi. Cước vận chuyển, phương tiện đi lại và phí du lịch lên từ 10 đến 15%. Phí bưu chính viễn thông, nhà ở, vật liệu xây dựng cũng tăng. Ngay cả giá các món ăn tại nhiều nhà hàng cũng lên. Người dân nói gì về việc vật giá tăng? Ông Huỳnh Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Thịt, cá, rau, cải trong bữa ăn hàng ngày tăng làm rất khó khăn cho đời sống người dân lao động, bởi vì cuộc sống người ta đã khó khăn rồi. Mức lương thì thấp, mà nhu cầu bên ngoài cao, thì nó làm khó khăn hơn cho người dân trong cuộc sống”

Hiện tại mức lương chưa tăng, mà vật giá bên ngoài đã nhảy vọt làm gia đình tôi phải tính toán lại mức sống hàng ngày, thí dụ như ăn uống bây giờ phải tiết kiệm hơn. Lúc trước đi chợ cho bốn người ăn thì bây giờ phải bớt lại. Đó là cái thực tế nhất.

Giới sản xuất, bán sỉ, tiểu thương, các đơn vị kinh doanh du lịch, vận tải hàng hóa lý giải rằng giá hàng hoá và dịch vụ lên vì nhiều lý do. Giá thịt được viện dẫn lên cao bởi khan hiếm vì dịch bệnh. Giá rau quả được giải thích tăng do ảnh hưởng thời tiết xấu. Giá lương thực được cho hay thay đổi vì theo cước vận chuyển. Còn giá cước, vận tải hành khách cũng như du lịch được nói vì ảnh hưởng xăng dầu lên cao.

Liên quan đến mức lương tối thiểu

Trong khi đó, giới phân tích nhấn mạnh sự kiện giá tiêu dùng tăng hiện nay có thể liên quan đến việc mức lương tối thiểu được điều chỉnh kể từ đầu tháng 10 tới đây. Theo dự kiến của chính phủ qua phiên họp thường kỳ ngày hôm qua, lương cơ bản của lao động sẽ được nâng trong khoảng 420 ngàn đến 450 ngàn đồng một tháng so với 350 ngàn hiện giờ, ngoài việc lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội có thể được xét và chỉnh lại.

Đối với nhiều người, đời sống đắt đỏ hiện tại làm cuộc sống thêm chật vật. Người dân đối phó với tình trạng giá cả tăng bằng cách nào? Ông Dũng nói:

“Hiện tại mức lương chưa tăng, mà vật giá bên ngoài đã nhảy vọt làm gia đình tôi phải tính toán lại mức sống hàng ngày, thí dụ như ăn uống bây giờ phải tiết kiệm hơn. Lúc trước đi chợ cho bốn người ăn thì bây giờ phải bớt lại. Đó là cái thực tế nhất.

Vấn đề ra giấy 200 ngàn và giấy 10 ngàn, theo chính phủ Việt Nam nói thì là để chống lạm phát và tiền giả, nhưng khi mặt hàng nào đã lên rồi thì lại còn lên thêm, con buôn bên ngoài tìm cách làm lợi, thành ra cuộc sống của dân lao động [bây giờ] phải nói rất là khó khăn”.

Các chuyên gia cảnh báo từ đây đến cuối năm giá cả thị trường có cơ tăng mạnh vì yếu tố lương tối thiểu lên và nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Riêng về hàng bán lẻ, nhiều dư luận cho rằng chỉ trong vòng đôi ba tuần nữa một loạt giá hàng hoá sẽ lại được điều chỉnh, tức lên thêm, khi lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp cạn kiệt.

Chi cục Quản lý Thị trường thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố vẫn thường xuyên theo dõi giá cả các mặt hàng chiến lược như vật liệu xây cất và lương thực, đồng thời nói sẽ báo cáo lên các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý nếu phát hiện dấu hiệu đầu cơ.