Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Trong loạt bài trước Mặc Lâm phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc về buổi hội thảo mang tên "Hợp Lực Vì Một Miền Trung Thịnh Vượng" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với công ty Hòa Nhan tổ chức tại miền trung xoay quanh quan điểm của ông về vấn đề liên kết,cũng như những bất cập trong nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Hôm nay Nhà văn Nguyên Ngọc tiếp tục đưa ra những nhận xét về thế mạnh của nhiều tỉnh miền Trung đó là công nghệ du lịch còn được gọi là công nghệ không khói, đặc biệt tại khu phố cổ Hội An. Mời quý vị theo dõi.
Mặc Lâm: Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, chúng ta đã nói chuyện được hai kỳ phát thanh về những đề tài mà buổi hội thảo Hợp Lực Vì Một Miền Trung Thịnh Vượng" đề cập tới. Chúng tôi có một chú ý đặc biệt đến vùng đất của tỉnh Quảng Nam đó là khu phố cổ Hội An?
Nơi đây đang là vùng đất hấp dẫn du khách vì tính chất thôn dã mộc mạc lồng vào không khí cổ sơ của nó đã níu kéo một lượng lớn du khách và cải tạo đời sống của người dân tại đây rất nhiều.
Tuy nhiên lúc gần đây, báo chí lên tiếng than phiền về những tệ nạn đang xảy ra gây cho Hội An mất dần cảm tình của du khách ngoại quốc. Xin ông cho biết ý kiến của ông về tiềm năng cũng như những gì mà ông thấy Hội An nên làm trong lúc này?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Thực ra ở Hội An tôi xin nói như thế này, sáng nay anh bí thư ở Hội An nói với tôi htến này, tôi cho rằng đáng mừng là tại Hội An Họ đã thấy là đã có vấn đề, chứ lâu nay Hội An tương đối được tuy nhiên hồi gần đây họ đã thấy đến cái mức sắp bị phá vỡ. Cái anh tôi vừa nói cho rằng thậm chí phải thay đổi về cơ bản cái hướng phát triển của Hội An, chứ còn để như thế này thì vỡ cái Hội An!
Mặc Lâm: Xin ông cho biết những vấn đề nào cần phải khơi gợi ra để giải quyết trong lúc này?
Thực ra ở Hội An tôi xin nói như thế này, sáng nay anh bí thư ở Hội An nói với tôi htến này, tôi cho rằng đáng mừng là tại Hội An Họ đã thấy là đã có vấn đề, chứ lâu nay Hội An tương đối được tuy nhiên hồi gần đây họ đã thấy đến cái mức sắp bị phá vỡ. Cái anh tôi vừa nói cho rằng thậm chí phải thay đổi về cơ bản cái hướng phát triển của Hội An, chứ còn để như thế này thì vỡ cái Hội An!
Nhà văn Nguyên Ngọc:Có nhiều vấn đề lắm, chẳng hạn như cái phố cổ, anh có nên để nó như thế hay không? Phố cổ bây giờ đang trở thành nơi buôn bán của đủ hạng người nên tình trạng chèo kéo, lừa gạt du khách đã và đang xảy ra hàng ngày. Những gian hàng buôn bán quần áo, bán tranh, lồng đèn...mà tranh ở đây thì trình độ mỹ thuật rất kém.
Như vậy thì quần áo tranh ảnh các thứ đã che hết các cái nhà cổ. Tôi nhận thấy thế này, Hội An không chỉ có phố cổ không đâu, vì nó rất nhỏ chỉ có ba con đường và thật ra đứng về mặt cổ thì cũng không cổ hơn nhiều thành phố cổ trên thế giới, vừa to hơn vừa cổ hơn nhiều chứ! Tuy nhiên Hội An có phong cách riêng của nó rất đáng quý vì chung quanh nó có nhiều cái làng rất hay.
Tôi cũng có phát biểu trong hội nghị rằng trong thế kỷ 16 nó là cái đô thị sớm nhất Việt Nam cho nên nó để lại cái truyền thống của người dân họ có một cái văn hóa rất đặc biệt. Người dân trong thành phố, trong thị xã trong phố cổ thì người ta vừa năng động thông minh nhưng rất chất phác, nhưng người dân nông thôn thì lại không nhà quê.
Họ chất phác nhưng không nhà quê...vấn đề này giữ cho được những cái làng hiện tại là rất quan trọng. Nếu xây nhà to cửa lớn thì nuốt chửng mất cái Hội An và sẽ hỏng cái nơi này. Bây giờ nghĩ xem làm cách nào giữ được các làng chung quanh? Ngay việc mọc khách sạn lên nhiều quá, xây nhà cửa không dự tính khung cảnh chung quanh, tất nhiên trong đời sống thực tế giữ nó cực kỳ khó khăn.
Tôi có điều tra và được biết cái thu nhập bình quân trung bình của người dân trong phố cổ cao gấp 5 lần của người dân ở nông thôn, là các làng ở chung quanh đấy, đấy là mới nói về bình quân mà thôi, chứ thực ra ở những trường hợp cá biệt thì con số lên đến hàng trăm lần...trong tương lai những người giàu sẽ bỏ tiền ra xây nhà cao tầng....làm thế nào để giữ tình trạng này? Nếu những khu nhà nông thôn biến mất thì cũng không còn Hội An?
Mặc Lâm: Thưa ông theo ông thì nhà nước nên kết hợp với ai và bằng cách nào để giải quyết trong bước đầu?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Những việc này đòi hỏi những nhà văn hóa, những chuyên gia nhưng phải sát với thực tế để cùng nhau suy nghĩ và giải quyết những vấn đề ở đây. Tôi mừng là các lãnh đạo của Hội An họ thấy vấn đề và họ đã giật mình và họ thấy bức bách lắm rồi còn việc giải quyết cách nào đó thì không dễ đâu.
Hội An cũng như nhiều địa danh du lịch nổi tiếng khác, đang cần được nhìn lại một cách nghiêm túc để bảo vệ những di sản truyền thống và nghiên cứu phát triển trong tầm nhìn chiến lược. Không thể đem những biện pháp chắp vá vụn vặt như từ trước đến nay, áp dụng một cách máy móc, mặc kệ những hậu quả tiềm ẩn về sau.
Hội An đang dần đi đến chỗ bế tắc, hy vọng rằng giới chức hữu quan sẽ nhanh chóng nghĩ ra được biện pháp điều chỉnh nếu không cơ may vươn lên tầm quốc tế như đang được cổ võ sẽ khó thành hiện thực.
Theo dòng câu chuyện:
- Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất và sự phát triển của miền Trung
- Cuộc hội thảo "Hợp Lực Vì Một Miền Trung Thịnh Vượng"