Vấn nạn lao động trẻ em tại Việt Nam

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Vấn đề trẻ em lao động lâu nay thỉnh thoảng được báo chí Việt Nam đưa ra trước công luận. Những phát hiện gần đây cho thấy lao động nhi đồng thường bị bóc lột, lừa bịp hoặc ngược đãi.

ChildrenLabour200.jpg
Các em phải sống lang thang ngoài đường phố, có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động và thân thể. AFP PHOTO

Việc sử dụng lao động nhỏ tuổi trong ít năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, nhiều xí nghiệp tư, thường là đơn vị cá lẻ, đôi khi kể cả những gia đình cần người giúp việc nhà, chuộng thâu nhận thiếu nhi thay vì người đã trưởng thành.

Qua tìm hiểu, ngày càng có nhiều trẻ em dưới 15 tuổi tham gia vào lực lượng lao động thuộc những ngành nghề đang sinh lợi như may mặc, đóng giày…

Những trẻ này nguồn gốc ra sao, và do đâu đã phải vất vả lo kiếm miếng cơm, manh áo trong độ tuổi lẽ ra phải được cắp sách đến trường? Các em thường đến từ những vùng thôn quê, đặc biệt là nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Xuất xứ trong một gia đình nghèo khổ, nhóm trẻ thơ kém may mắn được cha mẹ gửi lên thành thị để làm việc, với hy vọng rằng cuộc sống của các em sẽ khá hơn, và nếu có dư giả thì còn phụ giúp phần nào cho người thân còn ở quê nhà. Một cư dân thành phố Hồ Chí Minh nói:

“Việc một số xưởng may hoặc làm giầy mướn trẻ em thì tôi chỉ có nghe thôi. Còn việc nhiều gia đình mướn người các em nhỏ giúp việc nhà thì tôi được thấy, được biết”.

Bị bóc lột dưới nhiều hình thức

Không có dữ liệu chính xác của nhà nước nên chúng tôi không biết rõ số trẻ bị ngược đãi. Chúng tôi mong có thể làm việc với chính quyền các cấp để tìm số liệu chính thức, và giúp giải quyết vấn đề

Những người cha mẹ miền quê sẵn sàng gửi con đi xa kiếm cơm áo vì tin lời của người thuê mướn, là trả công sòng phẳng trong khi nuôi ăn ở, và đôi khi lại còn giúp các em học được nghề mà độ thân sau này. Sự thật cho thấy, có lắm khi lao động tuổi thơ phải làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt và có thể xem là bị bóc lột dưới nhiều hình thức.

Trước hết, mức lương trả cho những trẻ này thường thấp hơn nhiều so với lương của lao động người lớn, thêm vào đó lắm khi chỉ được phát một, hai lần mỗi năm, tùy ý muốn của chủ nhân. Kế đến, số giờ lao động thường cao hơn mức ấn định hợp pháp; đôi khi đến gấp rưỡi, gấp đôi. Sau cùng, môi trường làm việc thường tồi tệ như không an toàn, thiếu vệ sinh.

Vì sao giới chủ nhân chuộng thâu nhận trẻ em thay vì người lớn? Những người biết chuyện cho rằng lợi nhuận là lý do chính yếu. Ngoài ra trẻ em thường dễ sai khiến, tuân lời, và có bị đối xử tàn tệ cũng ít dám phản kháng.

Theo Luật lao động hiện hành, người lao động phải được ít nhất 15 tuổi, và không phải làm việc quá 7 giờ một ngày, hay tính theo tuần thì không quá 42 tiếng, ngoài ra điều kiện lao động cũng như môi trường làm việc phải theo qui định.

Thực tế, nhiều người chủ ép trẻ em làm đến 18 giờ mỗi ngày, đặt ra những điều kiện khắc nghiệt, ép uổng, môi trường thì nhiều khi thiếu cả vệ sinh mà lại còn không đạt mức an toàn tối thiểu. Nói khái quát thì nhóm lao động tuổi thơ bị xử ép mọi bề.

Biện pháp khắc phục

Hiện nay chưa có một phúc trình chính thức nào từ các cơ quan trách nhiệm trong nước về vấn đề này. Một tổ chức quốc tế về thiếu nhi, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, UNICEF, lâu nay đã nhiều lần cảnh báo sự kiện lao động trẻ em bị hành hạ, bóc lột ở các nước đang phát triển.

Đại diện cho UNICEF tại Hà Nội, bà Caroline den Dulk, kêu gọi chính phủ Việt Nam quan tâm cũng như có các biện pháp giám sát giới chủ nhân.

Bà cũng bày tỏ thiện chí UNICEF giúp Việt Nam cải thiện tình trạng, nếu chính phủ điều tra, nghiên cứu và nắm tình hình lao động trẻ em, vì hiện nay chưa có số liệu nào để làm cơ sở hỗ trợ để xây dựng dự án bảo vệ trẻ em lao động bị ngược đãi, bóc lột và bạo hành :

“Không có dữ liệu chính xác của nhà nước nên chúng tôi không biết rõ số trẻ bị ngược đãi. Chúng tôi mong có thể làm việc với chính quyền các cấp để tìm số liệu chính thức, và giúp giải quyết vấn đề”.

Công luận thì cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn tình trạng trẻ em lao động là không khả thi, do khó khăn nhiều mặt của cuộc sống. Còn rất nhiều trẻ em phải bương chải vật lộn với đời để mong có cuộc sống lương thiện, không bị sa vào tội phạm. Một phụ nữ hằng tâm bày tỏ: "Tôi thấy cái đó cũng là một cách giúp cho những người ở dưới quê nghèo khổ. Các em cần kiếm tiền để phụ giúp gia đình thì cũng tốt. Thì mong là quí vị chủ nếu có nhận các em làm thì cũng đối xử đừng có khắt khe, khắc nghiệt quá, mà cho ăn uống đầy đủ, cho nghỉ ngơi đầy đủ thì tôi thấy điều đó cũng tốt".

Do đó, cuộc sống và tương lai nhóm lao động đáng thương này chỉ có thể được cải thiện nếu các cơ quan chức năng quan tâm và nỗ lực giải quyết.