Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trong một kỳ phát thanh gần đây, chúng tôi đã lược thuật về việc nông dân xã Đại Thạch, huyện Phan Ngung, tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc đã không chấp nhận các ứng cử viên do chính quyền đề cử, mà lại bầu cho những người do chính họ chọn. Sự thể bây giờ lại càng thêm gay gắt khi Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa trang Internet loan các thông tin về diễn biến đó.

Trang Internet này có tên là Diễn đàn Yannan, được người Hoa Lục biết đến với tên BBS, hôm 30 tháng Chín vừa qua chỉ có một đoạn loan báo rằng trang này chính thức đóng cửa. Lý do là để chỉnh đốn lại toàn bộ và sẽ tái ngộ cùng bạn đọc vào một ngày sẽ loan báo sau.
Khi phái viên Mei Kin-kwan của ban Hoa ngữ đài Á châu Tự do tìm hiểu thì được một nam nhân viên xác nhận việc đóng cửa nhưng không tiết lộ thêm điều gì. Ông đề nghị là chờ xem văn bản chính thức của Nhà nước.
Diễn đàn Yannan
Diễn đàn Yannan rất phổ cập trong giới học giả, truyền thông và các nhà hoạt động cho nhân quyền. Ngay sau vụ xã Đại Thạch xảy ra hồi tháng Bảy vừa qua, diễn đàn Yannan liên tục loan báo về các diễn tiến mới nhất cùng những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các người quan tâm cho dân chủ tại Trung Quốc.
Một nhân vật tiêu biểu là bà Hou Wenzhuo, thuộc một tổ chức ngoài chính phủ tại Bắc Kinh và theo dõi rất sát những gì xảy ra tại xã Đại Thạch, huyện Phan Ngung, tỉnh Quảng Đông. Bà cho biết: "Việc Diễn đàn Yannan bị đóng cửa là một đòn chí tử vì nó là một trong những công cụ hiếm hoi còn sót lại, là thành lũy cuối cùng cho công lý và tri thức xã hội của giới trí thức và những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền."
Bà Hou Wenzhuo nói thêm là các diễn đàn như vậy rất hiếm có ở Hoa Lục và việc đóng cửa trang Web Yannan Forum là một đòn tấn công mạnh mẽ của nhà cầm quyền đối với những người bênh vực cho nhân quyền.
Việc Diễn đàn Yannan bị đóng cửa là một đòn chí tử vì nó là một trong những công cụ hiếm hoi còn sót lại, là thành lũy cuối cùng cho công lý và tri thức xã hội của giới trí thức và những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền.
Mới hồi tuần trước, Bắc Kinh vừa duyệt lại và ban hành quy định về nội dung các trang Internet, mà những nhà quan sát cho mục tiêu là nhằm siết chặt sự kiểm soát về những thông tin liên quan đến các vụ biểu tình, phản đối của dân chúng, được loan tải trên Internet, nhất là dưới dạng nhật ký trực tuyến, tức Web Logs, gọi tắt là Blogs.
Mục tiêu chính danh của các quy định đó do nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra là nhằm ngăn cấm các trang Internet có nội dung đồi trụy và có thể xâm phạm an ninh quốc gia, phơi bày bí mật nhà nước, tranh đoạt quyền lực chính trị và phá hoại sự đoàn kết quốc gia.
Vụ đối đầu ở làng Đại Thạch
Vụ đối đầu tại xã Đại Thạch, huyện Phan Ngung, tỉnh Quảng Đông, tuy chỉ diễn ra trong diện hẹp, liên quan đến vị chủ tịch Xã bị dân tố cáo bán 133 hếcta đất công lấy 100 triệu nhân dân tệ một cách bất minh.
Đến kỳ bầu Hội đồng và Ủy ban Xã, người dân địa phương mà phần lớn là người cao tuổi, đã vận dụng quyền dân chủ do Bắc Kinh ban cho cấp thấp, và bác bỏ các ứng cử viên do chính quyền đề cử và bỏ phiếu cho những người họ chọn.
Tuy đã thành công nhưng không lâu sau đó, tất cả 7 ứng viên đắc cử đều lần lượt xin từ nhiệm, có lẽ do áp lực của nhà cầm quyền.
Đề cập tới việc này, giáo sư Kinh tế Hu Xingdou thuộc Học viện Kỹ thuật Bắc Kinh giải thích rằng chính quyền có những vấn đề riêng của họ. Thí dụ như các nhà cầm quyền địa phương là cơ sở của Đảng, cho nên Đảng không thể dứt bỏ hòan toàn mối liên quan đó được.
Tuy nhiên ông nói thêm là mức độ vi phạm luật pháp và tình trạng lạm dụng quyền lực để trấn áp người dân tại xã Đại Thạch, huyện Phan Ngung, thì chính quyền trung ương nên sử dụng quyền hạn của mình để can thiệp.
Đặc biệt hơn nữa, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong những bài nói chuyện ở nước ngoài thường khoe rằng họ đã tiếp tục và kiên trì thúc đẩy sự phát triển của nền dân chủ cơ sở, tức là tại những cấp thấp nhất. Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn khẳng định rằng ngừơi dân toàn quyền lựa chọn giới lãnh đạo ở cấp làng, ấp; thì nay sao lại không cho họ những quyền đó ở cấp xã hay huyện ?
Quan chức lạm dụng quyền hạn
Thắng lợi ban đầu của dân xã Đại Thạch nếu nhà cầm quyền trung ương không sớm ra tay triệt hạ thì sẽ đưa đến vấn nạn về quyền sử dụng đất trên khắp Hoa Lục.
Giới học giả thì nhìn vụ đối đầu tại xã Đại Thạch một cách sâu rộng hơn. Giáo sư Liang Jing trong một buổi phỏng vấn của ban Quảng Đông, đài Á châu Tự do, đã đưa ra nhận xét: "Thắng lợi ban đầu của dân xã Đại Thạch nếu nhà cầm quyền trung ương không sớm ra tay triệt hạ thì sẽ đưa đến vấn nạn về quyền sử dụng đất trên khắp Hoa Lục."
Quan chức địa phương khắp nơi đã lạm dụng quyền hạn của họ, câu kết với nhau để chia chác những mảnh đất màu mỡ nhất, có giá trị thương mại nhất để sử dụng hoặc bán lấy tiền. Người thật sự sử dụng các mảnh đất đó là nông dân.
Có nhiều người đã cày cấy gần suốt đời trên mảnh đất thân yêu, để rồi bị nhà cầm quyền địa phương lấy cớ quy hoạch để trưng thu mà bồi thường không thỏa đáng. Đó là lý cớ tiềm ẩn khiến người dân không muốn các quan chức đó tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo địa phương nữa.
Học giả Liang Jing kết luận rằng Bắc Kinh phải dùng hết sức mạnh để trấn áp vài chục nông dân trên 80 tuổi ở xã Đại Thạch vì mối quan ngại là tình hình tương tự sẽ xảy ra khắp nơi, có thể dẫn đến bạo loạn và xung đột đẫm máu như từng xảy ra trong quá khứ của nước Trung Hoa mấy ngàn năm qua.