Trần Sơn Nam
Mới tháng trước đây, giới quan sát quốc tếđã theo dõi và bàn tán nhiều về sự kiện Trung Quốc trả giá cao để mua công ty dầu UNOCAL của Mỹ, nhưng rồi sau lại phải rút lui trước sự chống đối của một vài giới chính trị của Mỹ.

Nay lại có tin Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận để mua công ty PetroKazakhstan, một công ty dầu của Canada đang khai thác dầu ở Kazakhstan, miền Trung Á. Việt-Long của Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về cơn khát dầu của Trung Quốc buộc nước này phải tìm kiếm mua dầu ở nhiều nơi.
Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, theo tin của tờ Wall Street Journal thì Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận với một công ty dầu của Canada để mua lại công ty này với giá gần 4 tỷ 200 triệu đô la. Ông vui lòng trình bầy thêm chi tiết về vụ này với thính giả của chúng tôi.
Đáp: Thưa, trước hết đây mới chỉ là một sự thỏa thuận sơ khởi giữa Trung Quốc và công ty dầu PetroKazakhstan có trụ sở chính ở Canada và đang khai thác dầu ở Kazakhstan, một nước ở miền Trung Á.
Người ta phải đợi đến tháng 10 thì những thủ tục cần thiết cuối cùng mới được hoàn tất, vả lại theo luật của Kazakhstan, nếu cần thì chính phủ nước này có quyền ưu tiên mua công ty. Nhưng ngay lúc này, một số chi tiết về thương vụ mới này cũng đáng được ghi nhận vì cuộc điều đình để đi tới kết quả là Trung Quốc trả cho công ty nói trên 4 tỷ 180 triệu để làm chủ công ty này tỏ ra khá phức tạp.
Ấn Độ cũng muốn mua
Hỏi: Thưa có phải Ấn Độ cũng muốn mua công ty này và trước đây đã trả giá khá cao nhưng rồi Trung Quốc lại trả giá cao hơn.
Đáp: Quả đúng như vậy. Ngay từ lúc đầu, Ấn Độ đã đưa ra đề nghị, trả giá là 3 tỷ 800 triệu dô la, nhưng giới quan sát quốc tế cho rằng trong cuộc chạy đua với Ấn Độ, Trung Quốc có nhiều lợi điểm hơn.
Trước hết, qua trung gian của một công ty quốc doanh lớn, công ty CNPC, Trung Quốc đã bắt đầu điều đình rất sớm để mua công ty PetroKazakhstan và đến lúc chót đã trả giá vượt lên cao hơn giá do Ấn Độ đề nghị.
Ngoài ra, Trung Quốc lại có liên lạc mật thiết với giới chính quyền ở Kazakhstan vì đã đầu tư vào nhiều dự án dầu thô và dầu khí của nước này , đặc biệt hơn cả là dự án đang được thực hiện để làm hơn 1000 cây số ống dẫn dầu để tải dầu từ Kazakhstan vào những ống dẫn dầu của Trung Quốc.
Tầm quan trọng
Hỏi: Nếu đem so sánh hai trường hợp, một là Trung Quốc không đạt được kết quả trong vụ mua UNOCAL của Mỹ và hai là trường hợp mới này thì tầm quan trọng có khác không?
Đáp: Trong vụ UNOCAL, nếu mua được UNOCAL thì Trung Quốc phải bỏ ra hơn 18 tỷ đô la, nhưng bây giờ mua PetroKazakhstan thì Trung Quốc chỉ phải bỏ ra có hơn 4 tỷ, mặc dầu đây là số vốn đầu tư lớn nhất mà Trung Quốc phải bỏ ra để mua một công ty ngoại quốc (trước đây công ty LENOVO của Trung Quốc chỉ bỏ ra có hơn 1 tỷđể mua một bộ phận sản xuất của công ty Mỹ ABM).
Còn nếu đem so sánh 2 công ty quốc doanh của Trung Quốc, một là CNOOC (muốn mua UNOCAL mà không được) và công ty CNPC (đang mua PetroKazakhstan) thì CNOOClà một công ty chỉ có 2,500 nhân viên trong khi đó CNPC có tới 245 ngàn nhân viên.
Trung Quốc thôi không tiến tới cũng chỉ vì không muốn gây hiểu nhầm hay phản ứng bất lợi trong chính giới Mỹ, nhưng trong cơn khát dầu thì việc mua PetroKazakhstan cũng là việc không thể bỏ qua được.
Hỏi: Như vậy thì trong hai thương vụ, thương vụ nào được coi là quan trọng hơn?
Đáp: Thực ra, nếu Trung Quốc không mua được UNOCAL thì cũng là chuyện bất đắc dĩ (và có lẽ cũng tiếc) vì UNOCAL có khả năng khai thác dầu ở nhiều nơi.
Trung Quốc thôi không tiến tới cũng chỉ vì không muốn gây hiểu nhầm hay phản ứng bất lợi trong chính giới Mỹ, nhưng trong cơn khát dầu thì việc mua PetroKazakhstan cũng là việc không thể bỏ qua được. Ở đây một điều khác nữa cũng đáng được chú ý là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong cuộc chạy đua đi kiếm dầu.
Ảnh hưởng đến mối quan hệ
Hỏi: Ấn Độ vừa kết thân với Hoa Kỳ lại muốn lấy lòng Trung Quốc và cả hai nước kia cũng đều gọi Ấn Độ là đối tác chiến lược của mình. Như vậy thì sự cạnh tranh về dầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc có gay gắt đến mức gây ảnh hưởng cho mối quan hệ hợp tác Ấn Trung không?
Đáp: Cả hai nước đều có nhu cầu khá khẩn thiết đi kiếm dầu để có thể tiếp tục đẩy mạnh đà phát triển về mặt kinh tế. Trung Quốc thì phải nhập khẩu 1/3 số dầu cần thiết cho nu cầu nội bộ (hơn 5 triệu thùng mỗi ngày và số dầu Trung Quốc nhập khẩu vào hàng năm chỉ đứng sau có Mỹ) và Ấn Độ thì phải nhập khẩu 2/3 số dầu cần thiết (hơn 2 triệu thùng mỗi ngày).
Về phương diện cạnh tranh hay không cạnh tranh thì một nhà ngoại giao Ấn Độ có đưa ra một nhận xét: “chúng tôi có thể hợp tác với nhau, nhưng tất cả cũng chỉ tới một giới hạn”. Thực ra hai nước cũng có hợp tác với nhau trong nhiều trường hợp.
Hai nước cùng đầu tư vào những công ty dầu của Iran và Sudan, nhưng phần hùn của Trung Quốc lúc nào cũng nhiều hơn phần hùn của Ấn Độ. Rồi cũng có lúc Trung Quốc ứng trước ra cả 5 hay 6 tỷ đô la cho môt công ty Nga để giữ phần mua dầu của mình.
Thế đồng minh chiến lược
Hỏi: Như vậy thì làm sao có thể nói tới thế đồng minh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Đáp: Thưa, thế đồng minh chiến lược nào thì cũng phải tùy thuộc vào quyền lợi của mỗi nước trong cuộc. Người ta còn nhớ là vào đầu năm nay, nhân một chuyến viếng thăm Ấn Độ, Thủ Tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo, đã đưa ra lời tuyên bố theo đó một mặt Trung Quốc đứng đầu về sản xuất phần cứng (hard ware) và một mặt khác Ấn Độ đứng đầu về sản xuất Phần mềm (soft ware) như vậy thì hai nước chúng ta có thể đứng đầu ở Châu Á.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn nhất trên thế giới về nhân số, với tổng số hơn 2 tỷ người. Ngoài ra, nếu đà tăng trưởng của Trung Quốc là trên dưới 9% thì đà tăng trưởng của Ấn Độ cũng sấp sỉ 6 hay 7%.
Hai nước gần đây đã tạm quên những chuyện xung đột trong quá khứ và cũng đã có thiện chí tìm những giải pháp hòa bình cho những vụ tranh chấp về biên giới. Như thế kể là đã có tiến bộ nhiều trong quan hệ giữa hai nước nếu đem so sánh với những vụ đụng độ đẫm máu năm 1962.
Còn nói tới thế đồng minh chiến lược thì đấy là những lời tuyên bố theo ngôn ngữ ngoại giao nhiều hơn là trong thực tế. Một tỷ dụ điển hình về tình trạng này là cho đến gần đây Trung Quốc còn chống lại việc Ấn Độ và Nhật Bản trở thành hội viên thường trực của Hội Đồng Báo An Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó thì trong một chuyến viếng thăm nước Mỹ gần đây, Thủ Tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh, đã không ngần ngại Ấn Độ muốn hợp tác với Mỹ sau khi Mỹ đã làm tăng uy tín của Ấn Độ bằng cách gián tiếp nhận Ấn Độ vào hàng ngũ những nước có vũ khí nguyên tử.
Nếu nói rằng Ấn Độ bắt cá hai tay thì điều đó cũng có một phần nào sự thậ, ngược lại, nếu Trung Quốc bị bó buộc phải giành nhau với Ấn Đột để thỏa mãn cơn khát dầu và nhu cầu khẩn thiết về dầu thì điều đó cũng dễ hiểu.
Ảnh hưởng gì đến Việt Nam?
Trong bối cảnh nhu cầu về dầu của Trung Quốc ngày càng tăng, tôi nghĩ rằng vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ven biển Đông (trong đó có Việt Nam) về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và thềm lục địa ở một vài nơi ở biển Đông sẽ sớm trở thành một vấn đề thời sự trong vùng.
Hỏi: Thưa trong tình thế khát dầu của Trung Quốc như vậy thì liệu Việt Nam có thể bị ảnh hưởng gì thêm về kinh tế và lãnh thổ, lãnh hải không?
Đáp: Trong bối cảnh nhu cầu về dầu của Trung Quốc ngày càng tăng, tôi nghĩ rằng vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ven biển Đông (trong đó có Việt Nam) về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và thềm lục địa ở một vài nơi ở biển Đông sẽ sớm trở thành một vấn đề thời sự trong vùng.
Và nếu tiềm năng về dầu thô và dầu khí được xác nhận thì sự cạnh tranh về quyền lợi sẽ hết sức gay go, mặc dầu gần đây đã có những cố gắng giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam để bắt đầu hợp tác trong việc tìm dầu.
Tôi e rằng đến lúc đó thì Việt Nam lại bị đẩy vào thế đàn em, phải chịu nước lép như đã từng thấy trong trường hợp Việt Nam phải ký với Trung Quốc những hiệp ước bất lợi về biên giới đường bộ và về lãnh hải trên vịnh Bắc Bộ. Và cũng vào lúc đó thì liệu Việt Nam có thể trông cậy được vào sự giúp đỡ của nước nào để bênh vực quyền lợi của mình?