Trung Quốc phát triển, mối lo của thế giới?

0:00 / 0:00

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Trung Quốc đang phát triển về nhiều mặt, trong đó đáng chú ý nhất là hai lãnh vực kinh tế và quân sự. Một số nhà quan sát đưa ra nhận định cho rằng hai lãnh vực vừa nói đi đôi với nhau, vì khi Trung Quốc phát triển kinh tế càng nhiều, càng bền vững, thì mức phát triển quân sự của nước này cũng tăng theo.

ChinaMilitary150.jpg
Trung Quốc tăng cường phát triển quân sự. AFP PHOTO

Phát triển của Trung Quốc có phải là mối lo của thế giới hay không? Ðó là câu hỏi được chúng tôi đặt ra với Tiến Sĩ June Dreyer. Tiến Sĩ Dreyer được nhiều người biết đến với những bài viết, những bản phúc trình và nhận định về Trung Quốc, và với kinh nghiệm vừa nói, Bà được cử làm Ủy Viên Hội Ðồng Ðặc Nhiệm Về Quan Hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, giữ vai trò cố vấn cho Quốc Hội Liên Bang về Trung Quốc và đóng góp ý kiến cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Hoa Lục phát triển càng nhiều, càng nhanh bao nhiêu thì thế giới càng phải quan tâm bấy nhiêu. Riêng với Bà Tiến Sĩ thì sao? Bà có lo âu không?

Tiến Sĩ June Dreyer: Không, tôi không lo âu. Dĩ nhiên tôi biết là tất cả mọi quốc gia đều phải quan sát xem nước khác làm gì, nhưng nếu bảo là tôi lo âu khi thấy Trung Quốc phát triển thì câu trả lời là không.

Tôi nói như thế vì tôi thấy Trung Quốc hiện đang có rất nhiều trở ngại nội tại, và ngay cả chuyện tiếp tục phát triển ở mức như hiện giờ cũng là điều rất khó làm. Không ai ước mong thấy Hoa Lục gặp khó khăn, nhưng rõ ràng, chính phủ Bắc Kinh đang đương đầu với nhiều vấn đề và họ chưa có cách giải quyết hay chưa thể giải quyết ngay được.

Ông phải nhớ là trong những năm qua, chính phủ trung ương Bắc Kinh đã kêu gọi các địa phương phải cố gắng phát triển nhưng phát triển đúng mức, đúng với thực tế, vì lãnh đạo Trung Quốc biết rõ phát triển nhanh quá sẽ tạo thành những lỗ hổng khó có thể trám được. Bắc Kinh kêu gọi, nhưng hình như các địa phương chẳng chịu nghe.

Những trở ngại nội tại

Tôi nói như thế vì tôi thấy Trung Quốc hiện đang có rất nhiều trở ngại nội tại, và ngay cả chuyện tiếp tục phát triển ở mức như hiện giờ cũng là điều rất khó làm. Không ai ước mong thấy Hoa Lục gặp khó khăn, nhưng rõ ràng, chính phủ Bắc Kinh đang đương đầu với nhiều vấn đề và họ chưa có cách giải quyết hay chưa thể giải quyết ngay được.

Nguyễn Khanh: Trở ngại của Trung Quốc mà Bà thấy gồm những gì?

Tiến Sĩ June Dreyer: Hiện giờ, con số việc làm mới cho dân chúng mỗi ngày một ít đi, Theo tôi hiểu, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giải quyết nhưng không thể nào xong được vì số lượng công việc thì giới hạn trong khi con số người dân Hoa Lục đến tuổi đi làm hay cần việc làm mỗi lúc một đông hơn. Ðiều đó dẫn đến tình trạng tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao.

Một vấn đề khác nữa sẽ gây trở ngại cho Trung Quốc về lâu về dài là ngay chính sách kiểm soát dân số, hạn chế sinh sản mà Bắc Kinh đang bắt mọi người phải theo cũng không được thực hiện nghiêm chỉnh, khiến Trung Quốc ngày một đông dân hơn, và điểm cần phải chú ý là những thế hệ sau này ở Hoa Lục có đông con trai hơn con gái.

Tham nhũng vẫn là tệ trạng chưa giải quyết được, nếu không muốn nói bây giờ tham nhũng ở Hoa Lục còn nhiều hơn trước. Vấn đề môi trường cũng là điều chúng ta phải quan tâm tới vì xuống cấp quá nhanh. Tất cả những điều tôi vừa nói cộng với mức phát triển kinh tế quá nhanh, nằm ngoài tầm kiểm soát, đã trở thành một trở ngại lớn mà Hoa Lục phải đối phó.

Nguyễn Khanh: Thế còn quân sự thì sao? Bản phúc trình bên Nhà Trắng gửi cho Quốc Hội cho thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng. Bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice, ông Donald Rumsfeld khi còn làm Tổng Trưởng Quốc Phòng cũng đã lên tiếng…

Tiến Sĩ June Dreyer: Tôi đồng ý với những nhận định mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra, bày tỏ quan tâm đến mức phát triển quân sự của Trung Quốc. Chuyện Bắc Kinh bắn phi đạn phá hủy vệ tinh hồi tháng Giêng vừa rồi là thí dụ rõ rệt nhất, chứng tỏ mọi quốc gia phải quan tâm đến khả năng quân sự của Hoa Lục.

Ngay trong lúc này khi tôi và ông đang nói chuyện với nhau, Bắc Kinh bỏ rất nhiều tiền dành cho quốc phòng và theo tôi được biết, đây chính là chuyện người dân Hoa Lục than van, họ muốn thấy chính phủ bỏ tiền nâng cấp đời sống thường ngày của người dân hơn là bỏ tiền đi mua súng đạn.

Cũng như dân chúng các nước khác, nhân dân Trung Quốc muốn có một hệ thống y tế, giáo dục, xã hội tốt hơn, không tệ như bây giờ.

Tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều Hoa Kỳ có thể làm để cân bằng quyền lực kinh tế với Hoa Lục. Muốn làm điều này thì trước hết, chúng ta phải tự chấn chỉnh mình, đừng bao giờ chỉ lo chỉ trích người khác.

Cân bằng quyền lực

Nguyễn Khanh: Dù thế nào đi chăng nữa, chuyện Trung Quốc phát triển cũng là mối quan tâm của mọi người. Xin nhắc lại với Bà Tiến Sĩ là 80% hàng hóa mà người Mỹ sử dụng hiện giờ đều sản xuất từ Trung Quốc. Muốn hỏi Bà là nước Mỹ chẳng hạn, phải làm gì?

Tiến Sĩ June Dreyer: Tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều Hoa Kỳ có thể làm để cân bằng quyền lực kinh tế với Hoa Lục. Muốn làm điều này thì trước hết, chúng ta phải tự chấn chỉnh mình, đừng bao giờ chỉ lo chỉ trích người khác.

Tôi xin đưa ra một vài thí dụ. Trước hết là chính người dân Mỹ phải góp phần xây dựng một nền kinh tế hữu hiệu hơn, hợp lý hơn, ý tôi muốn nói là dân Hoa Kỳ tiêu xài giúp kinh tế phát triển thì rất tốt, nhưng tiêu xài quá lố để mang nợ thì làm hại nền kinh tế của quốc gia.

Thí dụ thứ hai là kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ nổi tiếng thật đấy, nhưng phải sản xuất được những chiếc xe bền hơn, tốt hơn so với xe của Nhật Bản và trong tương lai, so với xe của Trung Quốc. Cạnh tranh thị trường là điều các nhà kinh tế Hoa Kỳ luôn nói đến, nhưng cạnh tranh như thế nào thì không ai giải thích.

Tôi nói điều này vì người tiêu thụ ở Mỹ cũng như ở các nước khác đều bảo hàng Trung Quốc rẻ nhưng không bền, không tốt. Thế tại sao mọi người lại sử dụng hàng Trung Quốc? Ðó là câu hỏi cần phải đặt ra.

Nguyễn Khanh: Thế còn việc Trung Quốc phát triển quân sự thì phải giải quyết như thế nào?

Tiến Sĩ June Dreyer: Điều tôi đang nghĩ đến là Hoa Kỳ phải làm thế nào để Trung Quốc không thể tiếp tục đánh cắp kỹ thuật quân sự của chúng ta được. Ðây là điều Washington đã nói đến từ lâu, nhưng thực hành thì chưa hoàn chỉnh. Ngay cả những người làm gián điệp cho Bắc Kinh mà chúng ta bắt được cũng khó có thể đưa họ ra tòa, vì chính phủ e ngại sẽ phải tiết lộ những bí mật khác trước tòa.

Tôi cũng có thể tiết lộ cho ông biết là năm ngoái, Hội Ðồng Ðặc Nhiệm Về Quan Hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc chúng tôi có gửi một bản phúc trình cho Quốc Hội Liên Bang Mỹ, trong đó chúng tôi viết rằng phải rất thận trọng khi cung cấp học bổng cho những nghiên cứu sinh nước ngoài đến Mỹ tham gia trong các công trình nghiên cứu khoa học mang tính chiến lược ở những đại học nổi tiếng.

Đề nghị của tôi là phải cẩn thận. Mới đây, tờ ASIA TIMES có đăng bài nói về việc Trung Quốc mở những cuộc thao diễn quân sự chung với ASEAN. Tôi nghĩ ASEAN nên bắt lấy cơ hội này để trước hết kết thân với Bắc Kinh, và thứ hai là làm việc với nhau sẽ giúp ASEAN biết rõ hơn về khả năng của quân đội Trung Quốc. Biết người rõ hơn bao giờ cũng có lợi cho mình.

Khi tìm hiểu để viết bản phúc trình, chúng tôi còn phát hiện thấy nhiểu trường hợp sinh viên Hoa Kỳ không được thu nhận vào các chương trình nghiên cứu, dành chỗ cho sinh viên nước ngoài. Ðó không phải là điều hay, không giúp nâng cao hiểu biết kỹ thuật cho người Mỹ.

Đối với các nước Á Châu

Nguyễn Khanh: Bà cũng rõ không phải chỉ có Hoa Kỳ mà các nước Châu Á đang theo dõi rất sát mọi hoạt động của Trung Quốc. Ðối với người dân Châu Á, hầu hết đều tin Trung Quốc bây giờ là nước đứng đầu khu vực về quân sự…

Tiến Sĩ June Dreyer: Không, tôi không đồng ý với nhận xét như vậy. Trung Quốc dẫn đầu khu vực về quân sự hồi nào? Trung Quốc dẫn đầu khu vực về quân sự ở chỗ nào? Tôi thấy nền kinh tế Nhật Bản vẫn hơn nền kinh tế của Trung Quốc, còn về quân sự thì Nhật và Trung Quốc chưa hề đụng trận với nhau, làm sao có thể nói là nước này thua kém nước kia?

Tôi chỉ có thể nói với ông là đừng vội nghĩ tiềm năng quân sự của Trung Quốc hơn tiềm năng quân sự Nhật Bản, nhưng với các nước nhỏ ở Ðông Nam Á thì đương nhiên, ASEAN không thể nào so sánh với Trung Quốc được.

Nguyễn Khanh: Bà có đề nghị nào cho những nước nhỏ ASEAN không?

Tiến Sĩ June Dreyer: Đề nghị của tôi là phải cẩn thận. Mới đây, tờ ASIA TIMES có đăng bài nói về việc Trung Quốc mở những cuộc thao diễn quân sự chung với ASEAN. Tôi nghĩ ASEAN nên bắt lấy cơ hội này để trước hết kết thân với Bắc Kinh, và thứ hai là làm việc với nhau sẽ giúp ASEAN biết rõ hơn về khả năng của quân đội Trung Quốc. Biết người rõ hơn bao giờ cũng có lợi cho mình.

Nguyễn Khanh: Một điều khác mà ngay cả các nhà quan sát trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương cũng thường nói đến là Hoa Kỳ nên tăng viện trợ quân sự cho các quốc gia ASEAN. Quan điểm của Bà về điều này như thế nào?

Tiến Sĩ June Dreyer: Điều đó còn tùy. Trước hết là các nước ASEAN có yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ quân sự hay không? Nguồn viện trợ này có được quốc gia nhận viện trợ sử dụng đúng đắn hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào nước nào yêu cầu viện trợ, chứ Washington không thể viện trợ quân sự cho tất cả các nước ASEAN được.

Singapore chẳng hạn, nếu họ yêu cầu chắc chắn Washington sẽ gật đầu ngay, nhưng trường hợp Philippines thì lại khác, nếu Manila có hỏi thì Washington phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi trả lời. Một nước khác cũng đang được nói đến là Việt Nam. Tôi nghĩ là nếu được Hoa Kỳ viện trợ quân sự, nguồn viện trợ này sẽ được sử dụng đúng đắn.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Tiến Sĩ Dreyer.