Trung Quốc ra sức điều chỉnh lại học thuyết Karl Marx


2005.12.18

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong thời gian gần đây, đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc ra sức điều chỉnh lại học thuyết Karl Marx cho phù hợp với tình hình phát triển tại Hoa lục. Nỗ lực cứu vãn ý thức hệ ấy hiện như thế nào? Đà phát triển kinh tế ngày càng tăng đã đưa ý thức hệ Marxist mà Bắc Kinh tuyên bố luôn trung thành vào cái thế mâu thuẫn rõ rệt với diễn tiến cải cách thị trường tại Trung Quốc.

MaoChina150.jpg
Trung Quốc ra sức điều chỉnh lại học thuyết Karl Marx cho phù hợp với tình hình phát triển tại Hoa lục. AFP PHOTO

Đó là lý do giới lãnh đạo Trung Nam Hải đã chi ra hàng triệu đôla cho chiến dịch diễn giải lại kinh điển Marxist, cũng như ra sức cập nhật sách hóa triết học Mác vốn đang áp đặt giảng dạy tại các nhà trường.

Cấp thiết

Qua chiến dịch này, Bắc Kinh cũng xúc tiến cuộc nghiên cứu để tìm cách diễn giải sao cho học thuyết Mác phù hợp với các chính sách của Trung Quốc hiện nay, vào khi hệ thống tư doanh ngày càng hướng tới địa vị chủ chốt trong nền kinh tế Hoa lục.

Hiện nay chiến dịch vừa nói xem chừng như trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, khi người dân Trung Quốc ngày càng than phiền rằng những lời nói suông, hoa mỹ của giới lãnh đạo Bắc Kinh, qua các bài diễn văn hùng hồn nhấn mạnh tới chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Quốc, ngày càng lạc điệu với diễn tiến kinh tế tư bản chủ nghĩa mà chính các viên chức cộng sản cao cấp say sưa theo đuổi.

Một trong những thành phần có phản ứng trực tiếp đối với “cung đàn lỗi nhịp” này là giới sinh viên vốn thường than phiền rằng họ bị buộc phải dự những giờ về triết học Mác.

Không những thế, chính các chuyên gia cũng gặp khó khăn, như một nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Cục Biên Soạn và Dịch Thuật Ương Trung Quốc gần đây tiết lộ với tạp chí Oriental Outlook là ông ta bị các viên chức địa phương chỉ trích rằng đã đến lúc không nên bàn tới, hay nghiên cứu, về học thuyết Karl Marx nữa.

Nguyên nhân

Tại sao vậy ? Ông Hoàng Minh Chính, cựu Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lenin, nhân khi đến Hoa kỳ trị bệnh vừa rồi, nhận xét: “Học thuyết tư biện của Marx mang tính phản lịch sử, phản khoa học, duy ý chí, cực đoan cực tả…đã làm chao đảo xã hội loài người suốt cả thế kỷ 20, với bảo xương máu và biết bao tài nguyên bị hủy hoại, và nhiều nền văn hóa bị đẩy lùi cả nhiều thập niên”.

Trước những khó khăn như vậy, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa rồi đã chủ trì một phiên họp cao cấp để tuyên bố giới lãnh đạo Bắc Kinh đang tìm cách thích ứng những phương châm Mác trong bối cảnh cải cách kinh tế thị trường đang tiếp diễn hơn 2 thập niên qua tại Hoa lục. Chủ tịch họ Hồ nhìn nhận rằng Chủ nghĩa Mác đang trực diện với một loạt những đổi thay, nghịch lý cùng nhiều vấn đề khác trong mọi lãnh vực xã hội Trung Quốc ngày nay.

Kể từ khi lên cầm quyền gần 3 năm nay, mặc dù ông Hồ Cẩm Đào luôn ca ngợi học thuyết Mác, nhưng mặt khác ông cùng thủ tướng Ôn Gia Bảo bác bỏ những lời kêu gọi của phe bảo thủ đòi kìm chế hoạt động kinh tế thị trường vốn giúp mang lại sự hưng thịnh kinh tế cho Hoa lục. Hậu quả là hoạt động tư doanh diễn tiến trong sự kìm kẹp về tự do thông tin, bày tỏ chính kiến…ở Trung Quốc.

“Di sản quốc gia”

Trong phiên họp khoảng cuối tháng rồi, chủ tịch Hồ Cẩm Đào chỉ tìm phương cách nhằm thích ứng các giáo điều của Mác với tình hình thực tế của đất nước ngày này, mà không đề cập gì tới vấn đề cải cách chính trị tại Trung Quốc. Ông Hồ cho biết rõ rằng những cam kết về dân chủ hóa đất nước của Bắc Kinh không nhất thiết sẽ sớm có đổi thay đáng kể trong hệ thống xã hội chủ nghĩa Trung Quốc.

Theo một số nhà phân tích thì kế hoạch nghiên cứu để diễn giải lại chủ thuyết Mác cho phù hợp với thực tế như vừa nói có thể là nỗ lực của chính chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhằm bổ sung lý thuyết “xã hội hài hoà” vẫn còn mơ hồ của ông – lý thuyết mà ông muốn nâng lên hàng gọi là “di sản quốc gia” như tư tưởng Mao Trạch Đông, thuyết kinh tế thị trường của Đặng Tiểu Bình và thuyết “ba đại diện” của Giang Trạch Dân.

Nỗ lực ráo riết này của chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ đang CS - giữa phe chủ trương xúc tiến cải cách kinh tế thị trường và phe bảo thủ muốn quay trở lại đường lối xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, việc chủ tịch họ Hồ ra sức biên soạn lại chủ nghĩa Mác có thể xem là một sự nhượng bộ đối với phe bảo thủ.

Cho dù sự việc có như thế nào đi chăng nữa, nhiều nhà ngoại giao gợi cho thấy rằng các vụ tranh cãi ấy bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lực ở Trung Nam Hải, hơn là từ sự bất đồng thực sự về ý thức hệ Karl Mác.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.