Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu đạt nhiều thoả thuận về mậu dịch

Trần Sơn Nam - Việt Long

Tại Bắc Kinh trong những ngày vừa qua đã có một buổi họp thương đỉnh quan trọng giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt về vấn đề mậu dịch. Hai bên thỏa thuận tháo gỡ một vấn đề khó khăn kéo dài từ mấy tháng nay về những hàng may mặc của Trung Quốc xuất khẩu sang Âu Châu.

chinaEU200.jpg
Chủ tịch Ủy Hội châu Âu Jose Manuel Barroso(trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hôm 15-7-2005. AFP PHOTO

Ngoài ra còn có nhiều hợp đồng đáng kể được thành tựu, và hai bên cũng bàn tới một số vấn đề quan trọng khác. Việt-Long của Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về sự kiện này.

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu cho đến nay vẫn được coi là tương đối tốt đẹp, nhưng vấn đề hàng dệt may vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Ông vui lòng cho biết hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa hai bên tại Bắc Kinh có trong những ngày vừa qua có đem lại được kết quả nào không?

Đáp: Thưa, từ vài tháng nay, giữa Trung Quốc và một số các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã nẩy sinh ra một vấn đề khúc mắc quan trọng, đó là vấn đề những hàng may mặc của Trung Quốc xuất khẩu sang Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Đức, quá nhiều làm cho giới doanh thương ở những nước này lo ngại là không cạnh tranh nổi.

Do đó mới có áp lực từ chính phủ của những nước này yêu cầu Trung Quốc hạn chế bớt hàng xuất khẩu của họ. Nhưng hiện nay giới doanh thương ở Châu Âu lại sợ rằng nhân công của họ sẽ không còn có việc làm vì thiếu nguyên liệu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, chính vì việc hạn chế hàng nhập của Trung Quốc.

Tính ra có đến 80 triệu kiện hàng từ xứ này, phần lớn là hàng may mặc, còn nằm ụ tại một số cảng ở Châu Âu chưa được tung ra thị trường. Đứng về mặt nguyên tắc thì Trung Quốc có thể nói rằng nếu đã có tự do mậu dịch thì tại sao lại buộc họ phải hạn chế hàng xuất khẩu, nhưng trên thực tế nếu triệt để áp dụng nguyên tắc này thì chiến tranh về mặt mậu dịch sẽ là kết quả tất nhiên.

Và hậu quả trước mắt là doanh thương châu Âu cần hàng của Trung Quốc để giải quyết vấn đề lao động và nguyên liệu.

Hỏi: Phái đoàn của Liên Hiệp Châu Âu đi dự buổi họp ở Bắc Kinh lần này xem ra rất hùng hậu và do Thủ Tướng Anh Quốc cầm đầu. Vấn đề hàng may mặc được giải quyết ra sao? Và ngoài vấn đề mậu dịch như ông vừa đề cập tới thì còn vấn đề gì khác nữa không?

Đáp:Theo tin hôm thứ ba thì Trung Quốc đã thoả thuận với Uỷ viên thương mại châu Âu Peter Mandelson là một nửa số hàng thặng dư năm nay sẽ bị trừ ra trong quota dành cho Trung Quốc vào năm sau, một nửa còn lại thì được cộng vào quota năm nay.

Tuy các nước thành viên của EU được coi là có phản ứng thuận lợi trước thoả thuận này, nhưng vẫn còn phải chờ tuần sau họ mới chính thức xác nhận sau khi có thời gian cân nhắc, và có thể ký kết chính thức. Như vậy ta có thể tạm coi như vịêc hàng dệt may đã tạm giải quyết.

Hỏi: Bên cạnh chuyện hàng may mặc thì còn những đề tài nào đáng chú ý?

Đáp: Thực ra ngoài vấn đề này còn một số vấn đề khác mà Anh quốc và châu Âu coi là quan trọng hơn, về lâu dài. Đó là triển vọng đầu tư vào Trung Quốc của những nước Châu Âu, triển vọng hàng của Châu Âu nhập khẩu vào Trung Quốc và nói rộng ra vấn đề trao đổi ý kiến giữa hai bên về tình hình kinh tế chung trên thế giới.

Ngoài ra cũng còn một vấn đề tế nhị, tuy không ai chính thức nhắc tới, nhưng từ cả năm nay vẫn nằm đó, tức là vấn đề muốn mua vũ khí tối tân của những nước châu Âu, và những nước này cũng muốn bán nhưng gặp phải sự chống đối khá mạnh của Mỹ

Hỏi: Thưa, theo tin tức quốc tế thì Thủ Tướng Anh Tony Blair rất hài lòng về chuyến viếng thăm Trung Quốc. Phải chăng có một số vấn đề quan trọng nào đó đã được giải quyết?

Đáp: Ông Blair viếng thăm Trung Quốc lần này với tư cách là đương kim Chủ Tịch Liên Hiệp Châu Âu, theo thể thức luân phiên của tổ chức này thì ông sẽ còn là Chủ Tịch cho đến cuối năm, và đồng thời cũng là Thủ Tướng Anh Quốc.

Vì vậy sau buổi họp ngày thứ hai vừa qua giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, ông đã có những buổi họp về quan hệ song phương giữa Anh Quốc và Trung Quốc ngay vào ngày thứ ba. Nếu tính thời gian ông gặp mặt và thảo luận với Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong cả hai trường hợp thì thời gian 8 giờ cũng khá dài nên ông mới đưa ra lời tuyên bố:

“Tôi nhận thấy là so với lần trước tôi viếng thăm Trung Quốc, lần này Thủ Tướng Ôn Gia Bảo tỏ ra hết sức cởi mở, thành thực và cả ngay đến vấn đề tế nhị về dân chủ, ông cũng không tránh né. Đây là một cơ hội để nói chuyện không những về vấn đề mậu dịch và đầu tư mà còn là một cơ hội để đi sâu vào những vấn đề thời sự quốc tế giúp cho sự hiểu biết giữa hai nước”.

Thực ra thì theo lời của một phát ngôn viên người Anh thì cuộc thảo luận giữa hai bên gồm hết cả những vấn đề mậu dịch, đầu tư, nhân quyền và cả Đài Loan và Hồng Kông nữa.

Hỏi: Phía Trung Quốc nhận định ra sao về thượng đỉnh vừa qua?

Đáp: Về phần Trung Quốc thì Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cũng đưa ra lời tuyên bố: "Đây là một chuyến viếng thăm quan trọng. Chúng tôi đã có dịp trao đổi quan điểm về những vấn đề thuộc quan hệ song phương nhưng cũng cả về những vấn đề lớn thuộc lãnh vực quốc tế và vùng. Đây là những cuộc thảo luận có chiều sâu, rất thực tế, thẳng thắn và đem lại nhiều kết quả"

Hỏi: Hai bên chắc cũng bàn thảo vể những vấn đề như cuộc tập trận chung giữa Nga với Trung Quốc mới đây, và những lời tuyên bố nói là có những sự hợp tác chiến lược về quân sự giữa hai nước ấy, nhưng có lẽ những điều đó không được công bố chính thức, phải không ông?

Đáp: Thực ra trong bốn bức tuờng thì hai nhà lãnh đạo chắc cũng có bàn đến những vấn đề mà người phát ngôn viên gọi chung chung là các vấn đề thời sự và quan hệ trên chính truờng quốc tế trong lúc này.

Hỏi: Nhưng bên trong những lời tuyên bố hoa Mỹ như vậy thì, ngoài vấn đề hàng may mặc của Trung Quốc sang Châu Âu đã coi như tạm giải quyết, hai phía có đạt kết quả nào khác không?

Đáp: Trước hết phải nói là giải pháp về hàng dệt may khá quan trọng vì sẽ giải tỏa được một tình trạng tồn đọng kéo dài từ nhiếu tháng nay, ngoài ra người ta cũng không quên là Trung Quốc cũng có vấn đề về hàng may mặc với Mỹ. Giới lập pháp Mỹ đã lên tiếng nhiếu về vấn đề này, yêu cầu chính phủ Mỹ phải có biện pháp đối phó. Do đó mà một giảp pháp được Liên Hiệp Châu Âu chấp thuận thì cũng có thể mở đường cho một sự thỏa thuận với Mỹ.

Còn về vấn đề đầu tư thì giới quan sát quốc tế cũng ghi nhận là cùng đi với Thủ Tướng Blair là một phái đoàn hùng hậu của hơn 40 Tổng Giám Đốc những công ty lớn của Châu Âu. Riêng công ty Airbus đã ký được với công ty hàng không Trung Quốc China Southern Arlines bán cho công ty này 10 chiếc A.330 trị gia tổng cộng là 1 tỷ 500 triệu dollar và về mặt đầu tư thì nhiều người hy vọng rằng số tiền đầu tư của những công ty Anh Quốc sẽ vượt lên trên con số hơn 12 tỷ là tổng số đã đạt được tính đến cuối năm ngoái.

Một tỷ dụ trong lãnh vực đầu tư này là việc một ngân hàng của Anh Quốc là Standard Chartered Bank đã bỏ ra 123 triệu dollar để mua gần 20 phần hùn vào một ngân hàng của Trung Quốc có tên là Bohai Bank.

Hỏi: Ông có đề cập tới việc Trung Quốc muốn mua vũ khí tối tân của Châu Âu, vấn đề này có được nhắc đến tại những buổi họp những ngày vừa qua không?

Đáp: Đây là một vấn đề khá tế nhị có thể làm tổn thương đến quan hệ giữa Mỹ và các nước Châu Âu, cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc, nên nếu vấn đề có được đề cập tới thì tôi nghĩ cũng chỉ ở bên lề thôi.

Thời gian mấy năm gần đây, Trung Quốc đã có một chương trình canh tân về mặt quốc phòng, do đó muốn đặt mua một số vũ khí tối tân của những nước Châu Âu. Đứng về phương diện thương mại thì đây là một mối lợi cho những nước như Pháp và Đức, nhưng có trở ngại chính làm chậm vấn đề.

Nguyên nhân là sau vụ Thiên An Môn năm 1989, Liên Hiệp Châu Âu đã có quyết định là không bán vũ khí cho Trung Quốc, nay quyết định này phải được bãi bỏ thì việc mua bán mới thực hiện được. Tổng Thống Pháp ông Chirac và Thủ Tướng Đức ông Schoeder, trong những chuyến viếng thăm Trung Quốc trước đây đã đưa ra lời tuyên bố là sẽ bãi bỏ quyết định, nhưng hai ông lại gặp phải sự chống đối của Mỹ.

Vả lại Liên Hiệp Châu Âu gồm có 25 nước, trong số đó một phần đông đứng về phía Mỹ, nên đơn phương Pháp và Đức tuy có lời hứa nhưng vẫn chưa dám coi thường sự chống đối của những nước khác.

Nói tóm lại thì về mặt mậu dịch và đầu tư thì buổi họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu có mang lại một số kết quả khả quan, đặc biệt là đã giải tỏa được tình trạng bế tắc giữa hai bên về vấn đề hàng may mặc của Trung Quốc tràn sang Châu Âu, nhưng về mặt chiến lược thì thế tay ba Mỹ, Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ còn là chuyện phải giải quyết về lâu dài.

Hỏi: Xin cảm ơn ông.