Nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc tạo cạnh tranh và rủi ro đụng độ ở Châu Á


2005.03.03

Trần Sơn Nam

Dầu thô tăng giá trên thị trường quốc tế là mối lo chung cho nhiều nước trên thế giới, đặc biệt cho Trung Quốc, đang trên đà phát triển. Tình trạng phải tùy thuộc vào thế giới bên ngoài này về năng lượng đã buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải cạnh tranh trên trường quốc tế để có đủ nhiên liệu cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, nhưng cũng vì vậy mà nhiều khi khó tránh được sự đụng độ với những nước khác, đặc biệt là với một số nước trong vùng Châu Á.

Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về vấn đề có tính cách chiến lược này trên bàn cờ thế giới. Mời quý vị nghe Việt-Long và Trần Sơn Nam, một nhà ngọai giao kỳ cựu hiện ở Hoa Kỳ.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, trong năm vừa qua, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng lên gấp bội. Đây là một mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt hơn cả là cho những nước đang trên đà phát triển nhưng lại không đủ nguyên liệu để cung cấp đầy đủ cho nhu cầu năng lượng do đà phát triển đòi hỏi. Trung Quốc là nước đang phát triển mạnh mẽ, nên cũng là nước lo âu nhất trước mối đe dọa đó hay không?

Ðáp: Thưa, đúng như vậy. Trong hơn hai thập niên vừa qua, mức tăng trưởng của nền kinh tế mở cửa của Trung Quốc đã được giới quan sát quốc tế ghi nhận như một bước tiến vượt bực của nước này. Ai cũng nói là Trung Quốc đang trở thành một cường quốc có ảnh hưởng lớn trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương và còn cả trên chính trường quốc tế nữa.

Cùng với đà phát triển này, người ta cũng ghi nhận là Trung Quốc không những xuất khẩu đủ mọi mặt hàng, Trung Quốc còn nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu từ những nước khác vào, kể cả những nước trong vùng Đông Á như Nhật Bản và những nước trong vùng Đông Nam Á.

Mặc dầu là một nước rộng lớn có nhiều nguyên liệu, kể cả dầu, nhưng không đủ cung cấp cho nhu cầu về năng lượng mỗi ngày một tăng, do đó mà gần đây như một sự thức tỉnh, Trung Quốc nhận thấy số lượng dầu thô và dầu khí mà Trung Quốc cần nhập khẩu từ ngoài vào chỉ thua có Hoa Kỳ là nước nhập khẩu và tiêu thụ vào bậc nhất những nguyên liệu này.

Làm sao thỏa mãn được nhu cầu thiết yếu này đễ có thể giữ vững đà phát triển hiện đang có là cả một mối lo đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Khả năng cạnh tranh của Trung Quốc

Hỏi: Số cầu thì mỗi ngày một tăng, trong khi đó thì số cung lại có hạn, dĩ nhiên là phải có vấn đề cạnh tranh. Ông cho rằng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với các nước khác như thế nào?

Ðáp: Trung Quốc từ nhiều năm qua đã dự trữ được khá nhiều ngoại tệ, do đó Trung Quốc có khả năng cạnh tranh, nhưng vấn đề liên hệ với những nước sản xuất dầu thô và dầu khí cũng phức tạp, ngoài ra Trung Quốc lại là nước mới có chỗ đứng trên chính trường quốc tế nên tạo được liên hệ cũng phải mất thời gian, ấy là chưa kể những sự động chạm với những cường quốc cũng đang cần nguyên liệu, dầu thô hay dầu khí, như mình.

Về mặt nội bộ, nhà cầm quyền Trung Quốc có thể có những biện pháp để đối phó với nhu cầu năng lượng như dùng than, thúc đẩy việc dùng dầu đốt mới được khai thác trong nước hay cả những lò sản xuất năng lượng nguyên tử nhưng có cố gắng tối đa thì cũng phải nhập khẩu ít nhất là một phần ba số dầu thô và dầu khí từ bên ngoài vào.

Đây là để đáp ứng với nhu cầu hiện tại còn về tương lai dài hạn thì phải có chính sách, một là tạo liên hệ mới với những nước sản xuất dầu và hai là tìm đường khai thác những nguồn sản xuất dầu của chính mình. Về cả hai mặt, Trung Quốc không thể nào tránh được sự cạnh tranh hay đụng độ với những nước khác.

Sự va chạm với một số nước trong vùng Châu Á

Hỏi: Gần đây, người ta nói nhiều đến những va chạm giữa Trung Quốc và một số nước trong vùng Châu Á, những nưóc này là những nước nào?

Ðáp: Thưa, nếu nói đến những va chạm về quyền lợi trong vấn đề năng lượng thì phải kể đây là một sự cạnh tranh trên toàn cầu. Với mục địch tạo liên hệ với những nước sản xuất dầu thì người ta thấy trong những năm vừa qua Trung Quốc đã tìm cách bắc cầu ở khắp mọi nơi. Ở Trung Đông thì Trung Quốc đầu tư nhiều vào Iran, Saudi Arabia và đặt mua dài hạn của Iran và Saudi Arabia cả hàng trăm triệu dầu thô và dầu khí.

Trung Quốc cũng ghé chân vào Sudan và Nigeria ở Châu Phi, đồng thời cũng vươn dài tay tới những nước ở Nam Mỹ như Brazil và Venezuela. Đặt liên hệ với những nước đó thì làm sao mà không đụng chạm tới quyền lợi kinh tế hay quan tâm chiến lược của Hoa Kỳ?

Hỏi: Ông có nói tới việc tìm thêm nguồn sản xuất mới, hay nói một cách khác, những giếng dầu mới, phải chăng ông nói tới sự đụng chạm với các nước Châu Á?

Ðáp: Thưa, đúng như vậy. Trước hết là sự đụng độ với Nhật Bản về cả hai mặt chính trị và chiến lược. Như mọi người đã biết về mặt kinh tế thì lúc này là trường hợp đôi bên lưỡng lợi. Nhật Bản đầu tư nhiều vào Trung Quốc và cũng bán nhiều mặt hàng cho Trung Quốc như thép và dụng cụ máy móc, nhưng đó là điều có lợi cho cả hai bên, nhưng về mặt chính trị và chiến lược thì người ta cũng thấy là Nhật Bản đã phản đối việc Trung Quốc cho một tầu ngầm nguyên tử xâm phạm hải phận của Nhật Bản (và Trung Quốc đã lên tiếng xin lỗi) cũng như Nhật Bản đã phản đối những chiếc tầu tìm dầu của Trung Quốc tiến vào vùng những quần đảo Senkaku, phía Bắc Đài Loan mà Nhật Bản cho là của mình.

Về phía Trung Quốc thì người ta cũng ghi nhận là Bắc Kinh không mấy hài lòng về một bản phúc trình về một chương trình phòng thủ của Nhật Bản theo đó Trung Quốc là một mối đe dọa về mặt an ninh và đặc biệt hơn cả là bản tuyên bố chung mới đây của Hoa Kỳ và Nhật Bản theo đó vấn đề eo biển Đài Loan là mối quan tâm chung của Hoa Kỳ cũng như của Nhật Bản.

... Và những nước trong vùng Ðông Nam Á

Hỏi: Còn những nước trong vùng Đông Nam Á có vấn đề gì với Trung Quốc không?

Ðáp: Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã cố gắng nhiều để sáp gần với những nước trong Hiệp Hội ASEAN để trấn an những nước này.Trung Quốc đã ký một bản Thoả Ước hợp tác thân thiện với tổ chức này năm 2003 và cũng ký vào một bản gọi là Quy Ước Ứng Xử năm 2002, cam kết sẽ tìm những giải pháp hòa bình cho những vụ tranh chấp trong vùng, nhưng như người ta đã thấy những mầm móng tranh chấp vẫn còn đó và ngay cả những lời hứa không được dùng võ lực cũng không được tôn trọng.

Trước hết phải nói đến sự phản đối của Việt Nam khi được biết là Trung Quốc đã thỏa thuận với Philippines để khởi sự một chương trình tìm dầu ngay tại vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, và đã cho một đoàn tầu với dàn khoan đi sâu vào hải phận Việt Nam để tìm dầu.

Rồi tiếp đến lại là sự phản đối của Trung Quốc vì Việt Nam đã tổ chức đường bay và những chuyến bay cho khách du lịch tới quần đảo Trường Sa, và đã cho PetroVietnam mở cuộc đấu thầu tìm dầu tại vùng hải phận Bắc Bộ để cho những hãng dầu quốc tế dự thầu. Và sau chót là vụ mới đây, tầu của Hải Quân Trung Quốc đã bắn và giết hại ngư dân Việt Nam một cách ttrắng trợn tại miền ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.

Quần đảo Trường Sa

Hỏi: Thưa ông, theo quan điểm của một số nhà chiến lược thì sự tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa, ngoài vấn đề quyền lợi do khả năng cung cấp dầu thô và dầu khí của quần đảo này, lại còn nhu cầu của Trung Quốc và những nước khác, kể cả Nhật Bản và Hoa Kỳ, bảo vệ đường thông thương bằng đường thủy qua vùng biển Đông để việc tiếp vận nguyên liệu từ Ấn Độ Dương qua biển Đông lên Trung Quốc và đông bắc Á được bảo đảm. Đây phải chăng là một vấn đề chiến lược hệ trọng?

Ðáp: Thưa, 80% nguyên liệu mà Trung Quốc và Nhật Bản mua từ miền Trung Đông đều phải qua eo biển Malacca để vào biển Nam Hải. Đây là con đường thông thương không có không được đối với hai nước này. Người ta có thể tưởng tượng trong một cuộc xung đột giữa Hoa Lục và Đài Loan, Hoa Kỳ phong tỏa đường biển tiếp tế và bịt kín eo biển Malacca thì thấy ngay giá trị chiến lược của vùng eo biển này.

Hỏi: Và có phải vì vậy mà Trung Quốc nhất quyết chiếm hữu Truờng Sa để rồi từ đó sẽ tìm cách bảo đảm được thủy lộ Malacca không bị bế tắc?

Ðáp: Trện thực tế thì đúng như thế. Trung Quốc bề ngòai nói là hợp tác hữu nghị vân vân, nhưng thực ra rất cần đến dầu khí. Ở Truờng Sa thì lại còn nhu cầu giao thông chiến lựơc qua eo biển Malacca và phía nam biển Đông, chưa kể đến những giếng dầu có thể có quanh Trường Sa.

Nói tóm lại, nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc, tuy bề ngoài chỉ là một vấn đề kinh tế trong thời đại mọi việc đều bị toàn cầu hóa, nhưng trên thực tế là cả một vấn đề chiến lược lớn, liên hệ đến sự ổn định và hòa bình của cả vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.