Quan điểm của Bắc Kinh về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa


2007.12.12

Dân Lê, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Ba tại Bắc Kinh, khi cảnh cáo Việt Nam về những vụ biểu tình phản đối Trung Quốc chính thức hóa sự cai trị của họ tại Trường Sa và Hoàng Sa, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định "Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử đã có những quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền này và Trung Quốc hiểu rõ chuyện đó".

Video cung cấp bởi cô Kim Thu.
Xem video clip này bằng cửa sổ riêng

Do đâu mà có lời nói chắc nịch như vậy, Lê Dân tìm hiểu thêm qua tra cứu một số văn kiện và báo chí quốc tế để trình bày như sau. Mời quý vị theo dõi.

Phát ngôn nhân Qin Gang, đại diện cho bộ Ngoại giao Trung Quốc, không thể "nói mà không có sách, mách không có chứng". Duy chỉ có điều là chưa muốn nói hết thôi.

Theo tư liệu của bộ Ngoại giao Trung Quốc thì văn kiện mang tên "Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa" được tạp chí Beijing Review in lại trong số ấn hành ngày 18 tháng Hai năm 1980, thì Hà Nội đã thỏa hiệp được với Bắc Kinh trong quá khứ về việc này. Chúng tôi xin trích thuật:

"Vào tháng Sáu năm 1956, hai năm sau khi chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã thành lập tại Hà Nội, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Ung văn Khiêm đã nói với ông Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, rằng theo dữ liệu của Việt Nam thì đảo Tây Sa (tức Paracels, Hòang Sa) và đảo Nansha (tức Spratleys, Trường Sa) là một phần thuộc Trung Quốc theo lịch sử".

Đến ngày 4 tháng 9 năm 1958, Bắc Kinh ra tuyên bố chính thức về hải phận của họ, bao gồm 12 hải lý từ bất kỳ mốc lãnh thổ nào của Trung Quốc, "trong đó tính gồm cả các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa....."

Mười ngày sau, Thủ tướng Việt Nam Phạm văn Đồng gởi công hàm chính thức cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, chúng tôi xin đọc lại như sau, từ bản chụp lại của văn khố Trung Quốc và một số quốc gia khác.

ThuGuiChuAnLai150.gif

Thủ tướng phủ, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,

Thưa Đồng chí Tổng lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng./.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958. Phạm văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kính gửi: Đồng chí Chu Ân Lai Tổng lý Quốc vụ viện Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh.

Công hàm của nguyên Thủ tướng Phạm văn Đồng được tạp chí Trung Quốc Beijing Review in lại vào ngày 25 tháng Tám năm 1979 ở trang 25.

Video cung cấp bởi cô Kim Thu.
Xem video clip này bằng cửa sổ riêng

Lâu về sau này, trong cuộc phỏng vấn giành cho tạp chí Far Eastern Economic Review, đăng trong số ra ngày 16 tháng Ba năm 1979, cựu phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm cho biết Trung Quốc sẵn sàng chia đôi vùng biển Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam, nhưng tại bàn thương thuyết, Hà Nội muốn phân định ranh giới biển của mình gần sát bờ đảo Hải Nam.

Ông Lý Tiên Niệm xác nhận rằng vào năm 1956 (có thể nhầm là 1958) Thủ tướng Việt Nam Phạm văn Đồng đã ủng hộ bản tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên vào khoảng cuối năm 1975 thì Việt Nam đã chiếm quyền kiểm soát một phần quần đảo Trường Sa, còn Hoàng Sa hoàn toàn do Trung Quốc nắm giữ.

Đến năm 1977, cựu Thủ tướng Phạm văn Đồng giải bày về quan điểm của ông hồi năm 1956 rằng 'đó là thời chiến và ông phải nói như vậy thôi'.

Thời chiến tranh, là lúc mà Hà Nội cần sự chi viện hùng hậu của Bắc Kinh, cả về quân dụng, tư vấn, cho đến vận động dư luận quốc tế.

Như vậy, thì do đâu mà người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba 11 tháng 12 năm 2007 lại nói "Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử đã có những quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền này và Trung Quốc hiểu rõ chuyện đó" ?

Bạn nghĩ gì về vụ tranh chấp này? Xin gửi email về Vietweb@rfa.org , hoặc vào Diễn đàn RFA

Nguyên bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm giải thích trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2 tháng 12 năm 1992 và được Thông tấn xã Việt Nam loan ngày 3 tháng 12 năm 1992.

Ông nói: "các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.

Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.

Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hòang Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.

Đặc biệt, việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả".

Những lời trần tình của nguyên bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm được Thông tấn Xã Việt Nam đăng tải ngày 3 tháng 12 năm 1992, chứng minh điều người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận xét "Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử đã có những quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền này và Trung Quốc hiểu rõ chuyện đó".

Những công hàm cấp Thủ tướng Chính phủ gởi cho nhau, những lời tuyên bố nồng ấm mà các lãnh đạo trao cho nhau khi còn thắm thiết, khi còn cần nhau, và được công báo, văn khố chính thức của quốc gia lưu giữ và báo chí quốc tế ghi nhận, thì nay có còn giá trị pháp lý hay không? Trung Quốc khẳng định là họ hiểu rõ chuyện đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.