Giải pháp nào cho Việt Nam trong việc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc?

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Trong khi chính phủ Hà Nội tiếp tục im lặng và chưa có một hành động cụ thể nào trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn chủ quyền Việt Nam trền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì phát ngôn nhân của Trung Quốc lại tiếp tục lên tiếng lần thứ hai yêu cầu Việt Nam ngăn cấm các cuộc biểu tình do sinh viên Việt Nam tổ chức, càng làm cho dư luận thêm căm phẫn trước thái độ ngạo mạn này.

SpratlyTruongSa200.jpg
Quần đảo Trường Sa, ảnh chụp từ trên máy bay. AFP PHOTO

Mặc Lâm phỏng vấn ông Trần Bình Nam , nhà bình luận chính trị có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc để tìm hiểu thêm những nhận xét của ông.

Ý nghĩa công hàm của TT Phạm Văn Đồng?

Mặc Lâm: Kính chào ông Trần Bình Nam. Xin cám ơn ông đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Trước tiên xin ông cho biết việc ngang nhiên xâm lấn chủ quyền của Việt Nam lần này của Trung Quốc có khác với những lần trước như thế nào ạ?

Ông Trần Bình Nam: Tôi thấy vấn đề Trường Sa đúng là một vấn đề rất là quan trọng đối với Việt Nam vào giờ phút này. Căn bản của vấn đề, như cộng đồng trong nước cũng như hải ngoại đều biết rõ, thì đây là một vấn đề liên quan đến thái độ bất nhất của chính phủ Việt Nam qua những thời kỳ khác nhau.

Trở lại vấn đề cũ một chút, thời kỳ từ 1954 cho đến 1960 là thời kỳ Việt Nam thân thiện với Trung Quốc. Bởi vì thân thiện với Trung Quốc cho nên rất dễ dãi với nhau… vấn đề đất đai này nọ. Chính vì trong khung cảnh đó mới có công hàm ngày 14.9.1958 của ông thủ tướng Phạm Văn Đồng ký một cách như vô tình, coi như nhường Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.

Qua thập niên 60 cho đến 70 thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng không được tốt đẹp, vì vậy cho nên Việt Nam lại muốn đòi lại những gì mà mình như đã vô tình hiến trước kia. Sau khi Nga Xô sụp đổ thì Việt Nam lại trở lại thân thiện với Trung Quốc.

Khi đó vấn đề đất đai trở thành một vấn đề khó nói vì nói trước thì ngược với sau, nói sau thì ngược lại với trước. Đó là cái vấn đề đã làm cho chính quyền CSVN rất kẹt trong vấn đề tranh chấp đất đai với Trung Quốc.

Mặc Lâm: Ông vừa cho rằng vấn đề trở nên khó giải quyết vì tính bất nhất của nhà cầm quyền trong nhiều năm qua, và yếu tố nhượng đất năm 1958 đã trở thành khó xử cho Hà Nội. Như vậy theo ông thì giải pháp nào có thể đem ra áp dụng hiện nay nhằm giải quyết những vướng mắc cơ bản này ạ?

Ông Trần Bình Nam: Vấn đề bây giờ là phải tính một giải pháp lâu dài. Căn bản chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa đó thì tôi thấy lúc này là lúc cần phải đánh vào căn bản đó ngoài những đề nghị chung chung là những vấn đề như là phải đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc, có thể kiện ở Tòa Án Quốc Tế La Haye.

Nhưng mà tôi thấy có một vấn đề mà mình có thể đặt ra, đó là vấn đề vị trí của ông cựu đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì mình nhớ là khi ông Phạm Văn Đồng nhân danh thủ tướng ký công hàm 14.9.1958 thì lúc đó ông Giáp là một vị tướng đang nổi danh trên thế giới và ông là 1 trong 5 người cầm đầu Bộ Chính Trị là ông Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Trường Trinh, Phạm Văn Đồng và ông ta.

Vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp?

TruongSaSpratly200.jpg
Một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa. AFP PHOTO.

Mặc Lâm: Xin được phép ngắt lời ông là theo như ông nói thì ông Võ Nguyên Giáp có vai trò nhất định trong việc ký kết công hàm vào năm 1958. Vậy thì ông ấy sẽ làm được gì để làm sáng tỏ hay vạch ra những chèn ép mà Trung Quốc cố tình áp đặt lên Hà Nội trong thời gian đó, thưa ông?

Ông Trần Bình Nam: Mấy ông kia thì đều qua đời cả rồi, bây giờ chỉ còn một mình ông Võ Nguyên Giáp còn sống. Ông Võ Nguyên Giáp có thể là người hiểu rõ khung cảnh của công hàm năm 1958. Hơn nữa ông là một vị tướng nổi danh trên thế giới cho nên lời nói của ông tôi nghĩ sẽ có ảnh hưởng trên thế giới.

Theo tôi, tôi nghĩ rằng nhân dân trong nước cũng như hải ngoại cần nên đề nghị với ông, với vị trí của ông lúc đó, ông cần lên tiếng về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Và nếu căn cứ theo những lời phát biểu hiện nay của chính phủ Hà Nội thì rõ ràng là chính phủ Việt Nam chưa bao giờ nhường Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.. thì ông nên lên tiếng như vậy và sự lên tiếng của ông tôi nghĩ sẽ được dư luận quốc tế chú ý và nó sẽ có trọng lượng. Ít nhất là nó đặt một căn bản cho việc giành lại đất đai của con cháu chúng ta sau này.

Mặc Lâm: Thưa ông, có một sự thật mà chúng ta không thể không nhìn nhận là vai trò của LHQ quá mờ nhạt trong việc phân xử những tranh chấp, đặc biệt là những tranh chấp về lãnh thổ của các nước trên thế giới. Tây Tạng, Mông Cổ và Tân Cương là những ví dụ mà ta có thể thấy trước mắt. Vậy thì ta có nên theo đuổi mục tiêu nhờ LHQ làm trọng tài hay không ạ?

Ông Trần Bình Nam: Tôi nghĩ nhận định đó rất là đúng, vì dựa vào tiền lệ thì những quyết định của LHQ thường không có sức mạnh bao nhiêu. Nhưng khi tôi đặt vấn đề đưa ra LHQ là để, ví dụ như bây giờ Việt Nam đưa vấn đề ra LHQ và sửa soạn một hồ sơ thật đầy đủ để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam, thì tất cả những tài liệu đó sẽ là một căn bản sau này trên mặt quốc tế để cho những thế hệ mai sau tranh đấu để đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa. Chứ tôi cũng không nghĩ rằng vấn đề mình đưa ra hôm nay và cho dù Hội Đồng Bảo An LHQ mà thông qua với tỷ số 9/15 phiếu ủng hộ Việt Nam thì cũng không phải vì vậy mà mình có thể giành lại Trường Sa và Hoàng Sa bây giờ.

Hơn nữa, bây giờ chúng ta phải để ý đến một điểm này: Trung Quốc hiện giờ đang áp dụng một chính sách mà người ta gọi là “gun-boat policy”. Nghĩa là trên bàn thương thuyết thì họ rất nhỏ nhẹ, nhưng trên hiện trường, trên đất đai, thì họ áp dụng phương pháp rất là tàn bạo. Nghĩa là nếu mà đến giành lại với họ là họ bắn, họ giết. Đó là cái khó khăn cho chúng ta.

Mặc Lâm: Theo một nhận định mới đây của giáo sư Carl Thayler, một chuyên gia về Đông Nam Á đang làm việc cho Bộ Quốc Phòng Úc, nói rằng những cuộc biểu tình của sinh viên trong nước đã được Hà Nội âm thầm cho phép một cách nhỏ giọt để gián tiếp phản đối Trung Quốc. Ông nghĩ sao về những nhận định này?

Ông Trần Bình Nam: Tôi đồng ý với nhận định của giáo sư Carl Thayler ở Úc. Chúng ta biết rằng chính quyền CSVN có lực lượng công an và lực lượng bảo vệ an ninh rất là mạnh, cho nên nếu họ quyết định ngăn cản biểu tình thì họ có thể ngăn cản được chớ không phải là không. Nhưng họ cũng dùng hình thức là cấm và ngoài mặt thì nói là chính phủ không đồng ý, nhưng mà đương nhiên là họ có nhẹ tay để cho những cuộc biểu tình xảy ra. Tôi nghĩ cái này nó nhắm hai mục đích:

Trước hết là một thông điệp cho Trung Quốc biết rằng nhân dân Việt Nam rất bất mãn về hành động của Trung quốc. Và thứ hai nữa là họ cũng chứng tỏ với quốc tế rằng họ cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ đất đai chứ không phải là không.

Nhưng họ muốn, trong giai đoạn này vì quan hệ tế nhị với Trung Quốc thì họ muốn giải quyết vấn đề tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa trên bàn hội nghị hay qua những cuộc thương thuyết chớ họ không muốn đưa đến sự căng thẳng.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Trần Bình Nam về những chia sẻ mà ông đã dành cho chúng tôi ngày hôm nay.