Thao diễn quân sự hỗn hợp Nga-Hoa

Trần Sơn Nam

Mới cách đây hơn 6 tuần, vào đầu tháng 7, tại một buổi họp thượng đỉnh với các nước nhỏ miền Trung Á, qua một bản thông cáo chung được ký kết với những nước này, Liên Bang Nga và Trung Quốc đã gián tiếp có lời nhắn nhủ Mỹ là họ có nhu cầu hợp tác với nhau để bảo vệ quyền lợi chung của họ ở trong vùng trước sự xâm nhập ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là về sự có mặt của một số căn cứ quân sự của Mỹ ở ngay trong vùng của họ.

HuJintaoChinaRusia200.jpg
Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến viếng thăm chính thức Nga hôm 30-6-2005. AFP PHOTO ALEXANDER NEMENOV

Nay thì hai nước Trung Nga đã tổ chức thao diễn quân sự chung tại vùng Bắc Á. Phải chăng đây là những bước đầu của một thế liên minh chiến lược mới đang được thành hình? Việt-Long của Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về diễn biến này .

Mối quan hệ Nga và Trung Quốc

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, thời gian gần đây, giới quan sát quốc tế có ghi nhận là giữa Nga và Trung Quốc đã có sự sáp lại gần nhau về nhiều mặt. Hôm qua hai nước đã khởi sự tập trận chung tại miền Bắc Á.

Trong bối cảnh của một tình hình chung trong vùng Châu Á luôn luôn thay đổi với những biến chuyển mới, sự hợp tác về mặt quân sự mới này giữa Nga và Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt nào không?

Đáp: Thưa, nếu nói về tình hình chung trong vùng Châu Á thì lúc này người ta được chứng kiến nhiều diễn biến quan trọng. Trước hết là Hội Nghị 6 nước về vấn đề "điểm nóng" tại bán đảo Triều Tiên họp liền trong 13 ngày tại Bắc Kinh nhưng rồi lại phải tạm hoãn lại đến cuối tháng vì chưa đạt được kết quả.

Sau đến là quyết định đặc biệt quan trọng của Thủ Tướng Nhật Bản Koizumi giải tán Hạ Viện để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới vào đầu tháng 9 sắp tới. Tiếp theo là những buổi lễ tại thủ đô của nhiều nước Châu Á để kỷ niệm 60 năm thế chiến thứ hai chấm dứt ở Thái Bình Dương.

Riêng về mặt quân sự và trong trường hợp tại eo biển Đài Loan thì đảo quốc này sắp nhận được của Mỹ hai chiến hạm có hỏa tiễn chống hoả tiễn để tăng cường phòng thủ, rồi lại tin từ Bắc Kinh theo đó Quân Ủy Hội Trung Ương của Trung Quốc đưa ra những chỉ thị mới để xác quyết uy quyền tối cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc trên tập thể quân đội như để bảo vệ tinh thần kỷ luật tuyệt đối của tập thể này.

Trong một bối cảnh như vậy, tất nhiên tin về những thao diễn quân sự chung giữa Trung Quốc và Nga, dù muốn dù không, cũng được nhiều người quan tâm và cho rằng có ý nghĩa chiến lược.

“Sứ mạng hòa bình 2005”

Hỏi: Cách đây hơn một tháng, trong khi dư luận thế giới đang bận theo dõi những biến chuyển tại Hội Nghị thượng đỉnh G8 ở Anh Quốc và vụ bom nổ tại thủ đô Luân đôn, thì hầu như ít ai để ý là tại thủ đô Nga đã diễn ra một hội nghị thượng đỉnh tay đôi giữa Nga và Trung Quốc, đánh dấu sự hợp tác giữa hai nước. Phải chăng những cuộc thao diễn quân sự đã được quyết định từ ngày đó?

Đáp: Thực ra thì từ nhiều năm nay giữa những chức quyền về mặt quân sự của cả hai bên đã nhiều lần tiếp xúc vì trong chương trình hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc đã mua nhiều của Nga, kể cả tầu ngầm lẫn máy bay chiến đấu, nhưng nếu nói đến thao diễn quân sự chung thì lần này là lần đầu và có tính cách quy mô.

Hơn 10 ngàn quân của hai bên sẽ tham gia vào cuộc thao diễn hải, lục không quân này. Mang tên là “Sứ mạng hòa bình 2005” và được quan niệm như một cuộc hành quân giúp một nước thứ ba tại đó do hoạt động của quân khủng bố nhà cầm quyền không còn giữ được trật tự nữa, cuộc thao diễn sẽ bắt đầu từ một địa điểm gần hải cảng Vladivostok của Nga rồi được tiếp diễn trên lãnh thổ Trung Quốc tại ven biển miềnSơn Đông.

Ở giai đoạn chót của cuộc thao diễn, những những loại phi cơ phóng pháo hạng nặng của Nga có thể mang khí giới nguyên tử sẽ phóng phi đạn vào những mục tiêu trên mặt biển.

Ý nghĩa cuộc thao diễn

Hỏi: Đã gọi là "sứ mạng hòa bình" thì tại sao cần đến những máy bay ném bom chiến lược? Thưa ông có phải đây là một sự trình diễn với một ý nghĩa nào đó?

Đáp: Về phía Trung Quốc thì người ta đưa ra quan điểm là cuộc thao diễn có mục đích tăng cường khả năng của quân đội hai bên để chống "khủng bố quốc tế", chống những hành động quá khích và những chủ trương chia rẽ.

Không ai nói rõ thế nào là chủ trương chia rẽ, nhưng ngôn từ này có thể ám chỉ cả Mỹ lẫn Đài Loan. Riêng về phía Nga thì người ta không muốn đi quá xa như vậy và cho rằng khi đồng ý về cuộc thao diễn Nga không có ý định như vậy.

Hỏi: Trong những năm qua Nga đã bán vũ khí đủ loại cho Trung Quốc, Có thể nào một trong những mục đích của Nga là phô trương những vũ khí hiện đại của mình để khyến khích Trung Quốc mua những vũ khí đó?

Giới quan sát quốc tế thực ra thiên về giả thuyết này. Ai cũng rõ là trong chương trình tối tân hóa quân đội, Trung Quốc muốn mua những vũ khí của những nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng gặp phải một quyết định chung của những nước này không bán vũ khí cho Trung Quốc từ ngày có vụ Thiên An Môn.

Đáp: Giới quan sát quốc tế thực ra thiên về giả thuyết này. Ai cũng rõ là trong chương trình tối tân hóa quân đội, Trung Quốc muốn mua những vũ khí của những nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng gặp phải một quyết định chung của những nước này không bán vũ khí cho Trung Quốc từ ngày có vụ Thiên An Môn.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã vận động nhiều với Pháp và Đức và đã được hai nước này hứa là sẽ bỏ biện pháp ngăn cấm, nhưng rồi do sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, hiện nay tất cả đều còn trong vòng chờ đợi. Chính vì tình trạng này mà Nga đã nhẩy vào với ý muốn thầm kín là Trung Quốc vì không mua được vũ khí của Âu Châu sẽ bó buộc phải mua của Nga.

Tầm mức chiến lược quan trọng

Hỏi: Thưa, nếu nói như vậy thì cuộc thao diễn quân sự sắp tới đây chưa chắc đã có một tầm mức chiến lược quan trọng lớn như một số người dự đoán?

Đáp: Trên chính trường quốc tế những liên minh chiến lược giữa các nước lớn nhỏ cũng nhiều khi thay đổi theo thời gian và những biến chuyển trên thế giới. Người ta còn nhớ là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ông Nixon đã đi một nước cờ táo bạo làm thân với Bắc Kinh ngay từ khi còn Chủ Tịch Mao Trạch Đông, với mục đích tách Trung Cộng ra khỏi thế liên minh với nước Cộng Sản khác là Liên Bang Xô Viết.

Ngay cả trong trường hợp nước nhỏ bé như Việt Nam, người ta cũng đã từng thấy trong quá khứ nhà cầm quyền của nước này đã có những lầm lẫn liên minh với Liên Bang Xô Viết để rồi phải chịu đựng “bài học” của Trung Quốc, nước bạn đàn anh cùng trong một khối các nước xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, trong toàn vùng Châu Á do tình hình thay đổi nhanh chóng, thế liên minh giữa nước này hay nước khác thực ra như đang trong vòng thử thách.

Thế quân bình giữa hai cường quốc lớn là Trung Quốc và Mỹ thì vẫn còn giữ được trong vòng tương đối ổn định (mặc dầu còn nhiều khó khăn và nghi kỵ) vì chủ trương đường dài của cả hai bên đều còn trong giai đoạn ngưng đọng chưa dứt khoát, nhưng còn những thế liên minh khác như giữa Mỹ và Nhật Bản, giữa Mỹ và Nam Hàn đang trải qua nhiều thử thách.

Đồng thời người ta cũng thấy Ấn Độ xác quyết sự hợp tác chiến lược với cả Trung Quốc lẫn Mỹ nhưng cũng không biết rồi đây do quyền lợi thương mại hay chiến lược Ấn Độ sẽ ngả về phía nào? Điều đó còn tùy thuộc vào mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.

Nếu Mỹ bênh vực Pakistan và đụng chạm đến quyền lợi của Ấn Độ thì việc Ấn Độ ngả về phía Trung Quốc cũng không phải là chuyện lạ. Trong bối cảnh phức tạp của một tình thế luôn luôn biến chuyển, Trung Quốc không thiệt hại gì nếu những cuộc thao diễn đề cập trên đây tạo được cảm tưởng là Trung Quốc có quan hệ mật thiết với Nga .

Về phía Nga cũng vậy, nếu các nước khác hiểu rằng Nga có bạn là Trung Quốc thì cũng là điều có lợi cho Nga khi đối phó với những áp lực từ phía Hoa Kỳ hay Liên Hiệp châu Âu, nếu có.

Nói tóm lại, trong hoàn cảnh hiện tại của tình hình thế giới thì không có liên minh chiến lược nào được coi là vĩnh viễn. Và sự sáp gần giữa Nga và Trung Quốc, nếu có thực, cũng phải được nhìn qua viễn kiến đó.