Chơi hụi, họ ở Việt Nam


2006.12.12

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Đã từ xa xưa, một số đông người Việt chúng ta đều rất thích chơi “hụi”, mà người miền Bắc quen gọi là “họ”. Ngay cả trong chuyện Tấm Lòng Vàng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, cũng nhắc đến chuyện chơi “họ”, khi anh học trò muốn giúp đỡ cho thầy mình năm xưa qua cơn hoạn nạn. Chuyện chơi hụi, chơi họ phổ biến ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.

MoneyMarket200.jpg
Vào ngày 27 tháng 11 vừa qua, thủ tướng Việt Nam đã ban hành Nghị Định 144 về việc chơi hụi, họ. AFP PHOTO

Từ trước đến nay, chưa hề có một văn bản, một qui định nào của luật pháp về vấn đề này. Vào ngày 27 tháng 11 vừa qua, thủ tướng Việt Nam đã ban hành Nghị Định 144 về việc chơi hụi, họ. Đây là lần đầu tiên người dân chơi hụi, họ, chính thức được pháp luật công nhân và bảo vệ quyền lợi. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin được đề cập đến việc này.

Có nhiều loại hụi

Trước hết, để tìm hiểu việc chơi hụi, họ ra sao, Phương Anh đã liên lạc với bà Thanh, một phụ nữ hiện cư ngụ tại quận 3, TPHCM, đã chơi hụi từ hơn hai chục năm qua. Theo lời bà cho biết, việc chơi hụi đa số là của cánh phụ nữ. Có rất nhiều loại hụi: hụi tuần, hụi tháng hay hụi năm. Thông thường, một dây hụi có khoảng 10 người.

Người gầy hụi phải là người có uy tín. Sau đó, tùy theo khoản tiền qui định để bỏ hụi và tùy theo loại hụi có lời hay không có lời. Thí dụ, với hụi tháng: tổng số tiền tham gia là 1 triệu chia đều cho mỗi người là một trăm ngàn. Một người muốn lấy kỳ đầu tiên thì phải bỏ giá chừng 20,000 đồng, nhưng nếu có ai đó bỏ trên mức, chẳng hạn như 15,000 đồng thì người đó được lãnh.

Những người còn lại chỉ phải đóng góp 85 ngàn thay vì 100 ngàn. Và những người đã lãnh hụi rồi thì không còn được quyền bỏ giá nữa. Điểm nữa là các thành viên trong hụi đều biết nhau và tự lập ra qui định với nhau. Chính vì không hề có một sự ràng buộc nào nên có những trường hợp, bị dựt hụi, có nghĩa là người chủ hụi, tức người chịu trách nhiệm chồng tiền bỏ trốn, chỉ còn cách than trời! Thế nhưng, theo bà Thanh, việc chơi hụi rất có ích lợi, bà nói:

‘Theo tôi thấy rất có lợi, thay vì tiền mình để trong tuí, thì mình bỏ vào hụi, cần thì mình lấy ra, có ngay. Chơi hụi cũng sợ, nhưng mình chơi với bạn bè thân thiết, tin tưởng nhau thì mới chơi. Người chủ hụi dựt là vì người ta chơi nhiều dây quá, chơi hai ba đầu…

Theo tôi thấy rất có lợi, thay vì tiền mình để trong tuí, thì mình bỏ vào hụi, cần thì mình lấy ra, có ngay. Chơi hụi cũng sợ, nhưng mình chơi với bạn bè thân thiết, tin tưởng nhau thì mới chơi. Người chủ hụi dựt là vì người ta chơi nhiều dây quá, chơi hai ba đầu…

Trong một hụi này khi có một người dựt trong một hụị, rồi hụi khác lại có người dựt, nhiều quá người ta chồng không nổi nên ập hụi là thường. Khi làm hụi, người chủ hụi cũng phải đề ra, tên gì, nhà ở đâu, bắt đầu từ tháng 1, đến tháng 10 là hết, cứ thế mà chơi…

Chơi hụi chẳng có hại gì hết, rất là lợi, mà chơi hụi thì đâu phải là dễ, người ta tin tưởng mình mới cho mình chơi chứ! Người ta cũng phải dòm ngó nhà cửa mình ra sao mới cho mình chơi, nếu có bạn giới thiệu thì người bạn đó phải chịu trách nhiệm.”

Nếu không may bị bể hụi…

Với bà Thanh, theo Nghị Định của nhà nước ban hành, qui định rõ rệt việc lập sổ hụi thì điều này đã có từ lâu, nhưng điều cần thiết nhất là việc bể hụi sẽ giải quyết ra sao. Bà không tin là Nghị Định này sẽ giúp cho những người chơi hụi nếu không may bị bể hụi. Bà nói:

‘Theo tôi, thì chắc xử không được, chỉ tìm cách xử theo lối “giang hồ” thì may ra…tại vì đâu có thưa kiện gì được. “

Đối với chị Tuyết, cư ngụ ở quận Một, cũng là một người chơi hụi trong nhiều năm qua, thì cho biết rằng, hiện nay, nếu có bị dựt hụi và nhờ đến pháp luật giúp đỡ thì cũng được can thiệp, thế nhưng:

‘Hiện giờ chơi hụi theo mức lời của ngân hàng thì người ta giải quyết, nhưng thường thì dân chơi hụi tự qui định ra, chứ không theo qui định của nhà nước. Đúng là nhà nước có bảo vệ quyền lợi cho người chơi hụi, nhưng chỉ với những ai chơi theo mức độ qui định của ngân hàng thôi. Thí dụ, ngân hàng là 1,5 % thì mình chỉ được lời 3% thôi, chứ không được lấy hơn. Nếu mình lấy hơn thì nhà nước không giải quyết.”

Khi hỏi thăm về việc chơi hụi ở Việt Nam hiện nay ra sao, chị cho biết rằng bất kỳ một khu xóm nào cũng có người gầy hụi, và ai ai cũng cho rằng, việc chơi hụi rất có lợi vì giống như một hình thức để giúp đỡ lẫn nhau. Chị nói: ‘Nhiều lắm, ở đâu cũng có, ở chỗ nào cũng có. Hụi tuần, hụi tháng, hụi nửa tháng, đầy đủ hết…Chơi hụi có lợi chứ, nếu cần một số vốn nào đó để làm ăn thì mình rút ra để làm ăn, không cần thì mình để đó, thỉnh thoảng nửa năm mình lấy một lần có một số tiền lớn. Vì chơi theo đồng tiền VN chứ không theo giá vàng, thành ra khi hốt hụi, nếu giá vàng xuống, đô la xuống thì lợi nhiều, đô la lên, giá vàng lên thì mình phải chịu.”

Ai cũng có thể lập hụi

Hiện giờ chơi hụi theo mức lời của ngân hàng thì người ta giải quyết, nhưng thường thì dân chơi hụi tự qui định ra, chứ không theo qui định của nhà nước. Đúng là nhà nước có bảo vệ quyền lợi cho người chơi hụi, nhưng chỉ với những ai chơi theo mức độ qui định của ngân hàng thôi.

Vì ai ai cũng có thể lập hụi, và vào thời điểm này, chẳng biết ai là thật, ai là giả, nên mỗi khi chơi hụi cũng khá hồi hộp. Chuyện dựt hụi hầu như xảy ra như cơm bữa, và tuy có nghị định của chính phủ mới ban hành, nhưng chị cũng không tin tưởng lắm, thế nên, theo chị, điều cần thiết nhất là:

‘Chơi hụi thì mình phải để ý xem người đó có uy tín không, chứ ai cũng gầy hụi, mình chơi đại thì nguy hiểm lắm, cũng có nhiều người tan nhà nát cửa vì bị giật hụi, bán nhà bán cửa để trả nợ…

Luật pháp nhà nước vẫn bắt người giật hụi, nhưng nhà nước đâu có xử phải trả liền, nhà nước cho trả dài hạn biết chừng nào mới gom lại được, người ta ở tù, hết thụ án về…Nhà cửa thì nhà nước tịch thu, nhưng một khi bể hụi rồi thì nhà cửa cũng chẳng còn, nên khi bể hụi thì mình là người thua lỗ nhất.”

Cũng theo lời chị, điều quan trọng nhất khi chơi hụi là chỉ còn cách tin tưởng vào người chủ hụi, vì bất kỳ dây hụi nào cũng vậy, người gầy hụi sẽ là người chịu trách nhiệm chồng tiền cho mình. Chị nói tiếp:

‘Người chủ hụi phải có một số vốn, để những người chơi người ta chưa kịp chung, thì tiền phải bỏ ra. Hoặc là một trong số những người chơi dựt, thì mình phải trả lại cho những người đã chơi. Quan trọng nhất là cái uy tín nữa, những người chơi phải biết gia đình người đó đàng hoàng…Nếu đã một lần dựt hụi thì không ai dám chơi nữa.”

Phương Anh cũng liên lạc với một chủ hụi tên Nguyệt, đang sinh sống ở Kim Long, Huế. Ở miền này thì được gọi là chơi hội. Theo lời chị cho biết, chị gầy hụi vì thấy có nhiều người trong xóm làng đi vay rất khó khăn, những khi cần chi tiêu cho gia đình một khoản tiền lớn, chẳng hạn, trong gia đình có người đau yếu, cần đi bệnh viện, thuốc men, thì đa số phải đi vay với tiền lãi rất cao.

Chị nói: ‘Cứ 10 người một hội, hội tháng thì cứ 10 ngày bốc một lần.. hội năm thì mỗi tháng một lần.”

Hình thức tương trợ lẫn nhau

Chơi hụi thì mình phải để ý xem người đó có uy tín không, chứ ai cũng gầy hụi, mình chơi đại thì nguy hiểm lắm, cũng có nhiều người tan nhà nát cửa vì bị giật hụi, bán nhà bán cửa để trả nợ…

Được biết, những người chủ hụi cũng có phần lời khi những ai được hốt hụi, về điểm này chị cho biết: “Có nhưng không đáng kế, tại vì họ đi vay khó, họ chơi hội nơi tui thì bốc trước rồi trả cho mình từ từ. Mình có vốn thì phải trả cho họ, rồi những người thiếu thì trả cho mình từ từ…”

Khi được hỏi về Nghị Định 144 của nhà nước ban hành có làm cho chị an tâm hơn khi lập hụi hay không, chị cho hay: “Em cũng có nghe ở trên Đài nói, có chuyện chi mà tới nhà phá đồ đạc, thì viết đơn lên toà thì họ sẽ giải quyết, và không cho lãi cao, tùy theo “bốc” bao nhiêu thì bốc thôi.”

Chuyện chơi hụi, họ ở Việt Nam đã là một phong trào được phổ biến từ rất lâu. Điều quan trọng là việc chơi hụi đã giúp cho khá đông người, nhất là bà con lao động, có thêm chút ít vốn làm ăn, hay vượt qua những lúc khó khăn. Ở nông thôn, người nông dân có thể góp hụi bằng luá gạo, người thành phố thì chơi hụi bằng tiền. Đây là một hình thức tương trợ lẫn nhau rất tốt như lời của chị Tuyết:

“Tâm lý người Việt Nam mình chơi hụi để có đồng lời, lâu lâu cần một số vốn, bỏ hụi, hốt hụi được một số vốn để làm ăn…Còn những người chơi hụi nhỏ thì giống như để “ống heo” vậy. “

Tiếc thay, có một số người đã lợi dụng việc chơi hụi, họ, với mục đích xấu, khiến cho nhiều người không may phải tán gia bại sản… Khá nhiều người chỉ vì trọng chữ “tín” nên khi bị dựt hụi không có một bằng chứng nào để nhờ pháp luật can thiệp.

Mong rằng với sự quan tâm của các cơ quan chính quyền nhà nước, với nghị định 144, những người chơi hụi sẽ được bảo vệ quyền lợi hơn. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Thông tin trên mạng:

- Nghị định 144/2006/NĐ-CP: Chơi họ, hụi là hợp pháp

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.