Sơ Mỹ Hạnh và những người Con Lai


2005.08.30

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính chào quí vị thính giả, như thường lệ vào mỗi sáng thứ ba mỗi tuần, Phương Anh lại đến với quí vị trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần.

SisterTruongMyHanh200.jpg
Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh. Photo courtesy of www.georgiabulletin.org

Kỳ này, mời quí vị nghe chuyện của những người Con Lai hiện đang được Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh, hiện là Giám Đốc Trung Tâm Phục Vụ Gia Đình và Thanh Thiếu Niên, ở vùng Atlanta, tiểu bang Georgia giúp đỡ.

Đạo luật The Homecoming Act

Vào năm 1989, đạo luật The Homecoming Act, xin tạm dịch là Luật Trở Về Quê Quán được chính phủ Hoa Kỳ thông qua. Đạo luật này cho phép những người con lai và gia đình của họ được định cư tại Hoa Kỳ.

Hai chữ “gia đình” ở đây được giải nghĩa là gồm có mẹ ruột, mẹ nuôi và nếu người mẹ ruột hay mẹ nuôi này đã lập gia đình thì người chồng và các anh em cùng cha khác mẹ của người con lai cũng được ra đi. Thế là tại Việt Nam lúc bấy giờ, bắt đầu có phong trào ghép hộ với con lai.

Hàng trăm người đã đổ xô đi tìm những gia đình nghèo khổ, có các em lai để thương lượng với gia đình của các em này để tạo một hồ sơ mới nhằm tìm đường ra đi. Có những gia đình, vì quá nghèo, không có tiền để lo lót, chạy chọt giấy tờ nên đã phải cắn răng đồng ý để cho đưá con thân yêu ruột thịt của mình làm hồ sơ với người khác.

Những người con lai bị người đời khinh rẻ, bị xã hội bỏ rơi, coi như thứ rác rưởi trên đường phố, bỗng dưng thoáng chốc biến thành những cô “công chuá”, những chàng “hoàng tử”, được cung phụng và chiều chuộng, vì một điều đơn giản: họ sẽ là những viên gạch lót đường cho những người trên con đường định cư ở vùng đất mới.

Hoàn cảnh khó khăn

Nhưng ngay khi vừa đặt chân đến Mỹ, đa số những người con lai đi ghép với gia đình mới đều bị bỏ rơi và gặp phải rất nhiều khó khăn nơi xứ người. Sơ Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung Tâm Phục Vụ Gia Đình và Thanh Thiếu Niên tại Atlanta, tiểu bang Georgia, là một trong những tổ chức hiếm hoi của cộng đồng người Việt, đã và đang giúp đỡ cho những người con lai nói:

"Đa số các con lai về tiểu bang này là đi một mình, tứ cố vô thân, một số gặp phải những gia đình đi theo những gia đình Việt Nam ghép hộ, khi tới đây, họ bị các gia đình của họ đuổi ra khỏi nhà và người ta không cho các em liên lạc.

Đa số không biết nói tiếng Mỹ, mà không có nghề ngỗng gì. Gần như là 89% không biết đọc tiếng Việt… Khi ra đường thì người ta nghĩ là người Mễ, thành ra người ta không nói chuyện…và khi những người Mễ tới nói chuyện thì các em không nói được.. Những em lai đen, thì người ta nghĩ là người Phi Châu…đâm ra các em không được để ý.

Hồi đó, chính phủ có những chương trình để lo cho con lai thì các em không được đồng xu naò hết vì các hội người ta không biết ai là người lai…Năm, sáu năm sau, hậu quả xảy ra là các em lập gia đình, có con cái, có rất nhiều bế tắc, có nhiều em bị chồng đánh, chồng hất hủi, cũng không biết ở đâu mà kêu cứu…Có nhiều em đến kể cho tôi về dĩ vãng của các em, khi còn nhỏ đi học thì bị chọc ghẹo, bị cán bộ xua đuổi, bắt đi kinh tế mới…"

Tâm sự của những người con lai

Thưa quí vị và các bạn, Phương Anh đã tiếp xúc với chị Nguyễn thị Duyên, năm nay 38 tuổi, hiện có chồng và 3 con, kể về thời thơ ấu của mình:

"Hồi đó em ở trong quê, vùng cách mạng, người ta đâu có coi mình ra cái gì đâu…rồi đâu có đi học được đâu, kêu em là đế quốc không à, lớp một, lớp hai là em nghỉ rồi, khi mình ra đường, người này người kia cũng không thân thích gì mình, 11, 12 tuổi là em đi ở đợ, làm mướn, làm thuê cho người ta.. rồi em bị đánh đập, em chịu không nổi bỏ đi, rồi em gặp bà kia nuôi em, nhưng mà rốt cuộc cũng không được gì hết…."

Một thanh niên khác, tên Đinh Văn Tuấn, cũng cho biết về trường hợp của mình:

"Hồi nhỏ sống với bà ngoại nuôi, không có cha mẹ, bà ngoại nuôi từ nhỏ đến lớn. … Hồi nhỏ đi cắt luá, đi giữ trâu muớn, rồi khổ quá, em đi làm lò đường, em bị đứt một nửa bàn chân phải của em. Em nghe bà ngoại em kể là mẹ em bỏ em ở ngoài đường, gần bệnh viện, lúc đó em mới có ba tháng..bà ngoại lụm ở Sa Đéc, Đồng Tháp…

Lúc em có chương trình đi, ông ngoại thì mất, bà ngoại thì yếu, ở dưới quê nghèo, không có tiền, làm giấy tờ, em nộp 3, 4 năm, mà không nghe kêu gì hết.. Có người ta đi mua con lai, bà ngoại mới đưa cho em cho người ta đi, người ta cho được hai cây, em mới đưa cho bà ngoại, mấy cậu hết trơn luôn…

Còn nhỏ khổ lắm, em không đi học được, vô trường tụi nó kêu là con lai, Mỹ lai, tụi nó chọc ghẹo…không học được. Em đi Mỹ, đi ghép với người ta chứ không có ai. Qua đây thì mạnh ai nấy đi…Qua đây ở thì tiếng Anh không biết, đi làm luôn, đâu có học hành gì đâu…"

Một trường hợp khác, vô cùng thương tâm, chị Võ thị Ngọc Dung, khi được 8 tháng tuổi, mẹ chị bọc chị vào tấm khăn cùng với tờ giấy khai sinh, rồi đem đặt chị trước một tịnh xá nhỏ. Người con gái của chủ nhân ngôi tịnh xá ấy đã có lòng từ tâm, đem em vào nuôi và cùng với người chồng của mình săn sóc em từ đó.

Những tưởng cuộc đời chị sẽ được nuôi nấng nên người, nhưng ngờ đâu, chính người cha nuôi của em đã hành động vô cùng dã man:

"Năm em 13 tuổi, lúc đó mẹ em đi bán, thường là một tuần hoặc là hai ba ngày mẹ em mới về… Những lúc mẹ em ra khỏi nhà là em bị ổng hãm hiếp em, cứ hai ba tuần một lần như thế, em không có cách nào chống cự hết, vì mỗi khi chống cự thì ổng đánh đập em, em không có cơm ăn luôn, ổng đánh em tới mức hàng xóm phải đưa em vô bệnh viện Chợ Rẫy để nằm luôn…

Em bị nhiều trận đòn nằm nhà thương không à, cho nên em không dám kháng cự lại, em chỉ biết chấp nhận vậy thôi… Cứ thường là hai tuần hay 3 tuần là em bị như vậy một lần.. Lúc đó em sợ lắm, nhưng mà không có ai bênh vực cho em được hết. Hàng xóm có xúi em đi thưa ổng, nhưng mà em không thưa ổng được vì công an không ưa em.

Hầu như không ai thích em hết. Em đi ra tới công an phường, tụi nó cứ nói em, không tin tưởng em, bạn bè em cũng vậy, đâu có ai chơi. Em nói mẹ em cũng không tin. Mẹ em còn nói là ổng nuôi em từ 8, 9 tháng.. chẳng lẽ ổng lại làm như vậy. Đến năm em 16 tuổi, em chịu đựng hết nổi, em bỏ nhà ra đi…Ban ngày em đi ra chỗ dinh Độc Lập, chỗ nhà thờ Đức Bà, em chơi với những đứa lai ở đó…"

Đổi đời

Khi được hỏi làm cách nào mà những người con lai mồ côi, lang thang trên đường phố như chị đăng ký đi Mỹ, chị kể lại:

"Tụi em đón xe của các ông Mỹ tới đó để phỏng vấn. Có bữa, em đón xe của ông Mỹ đó, thì ông thông dịch viên xô em ra, ông Mỹ đó mới kêu em tới, em mới nói cho ông thông dịch viên, rồi ông Mỹ cho em tờ giấy để hẹn ngày cho em vô phỏng vấn thôi, chứ không làm đơn từ ở đâu hết…

Tụi em đâu có tiền, nếu nộp đơn là phải từ công an phường lên, đâu có tiền mà lo…Khi ông Mỹ đó, hỏi em là muốn gặp em thì phải làm sao, em nói là ổng cứ bỏ tên em và dán giấy trên các cây cao ở Dinh Độc Lập, thì em ra đó em nhìn, em thấy có tên em thì em vô phỏng vấn."

Thưa quí vị và các bạn, vì muốn lo cho các em con lai mồ côi, bơ vơ, có một chỗ nương náu tạm thời và để tiến hành thủ tục di trú cho thuận tiện, chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý xây dựng khu vực Đầm Sen, tại quận 11, Sài gòn, dành cho các em con lai đi diện độc thân vào trú ngụ. Nơi đây, chị Dung đã từng trải qua những ngày tháng trong đó và cho biết:

"Sau khi em phỏng vấn xong, đậu rồi thì vô Đầm Sen, cũng cực lắm, Công an rồi tùm lum hết trơn, tiền ăn ở thì có Mỹ lo hết trơn, cho ăn cũng đầy đủ lắm… tại vì có phái đoàn Mỹ tới hoài.

Nhưng sống thì toàn là lai không thôi, có nhiều đứa lai cũng đàng hoàng lắm, nhiều đứa thì chích choác, tùm lum hết, quậy quọ, xô bồ dữ lắm…Đâu có ai tới coi, chỉ có mấy người nấu ăn cho mình, vậy thôi. Chung qui ở trong đó, mình muốn làm gì thì làm, công an không nói tới, chỉ có gác cửa thôi… "

Cũng như bao người con lai khác, khi được chấp thuận định cư ở Hoa Kỳ, từ cô gái bơ vơ, nghèo khổ, bị khinh rẻ, chị Dung đã trở thành một thiếu nữ lắm chàng thanh niên ở Sàigòn theo đuổi. Trong số ấy, chị đã chọn được một người để gửi gấm thân phận của mình, và rồi cùng chồng định cư ở xứ người, chị mơ ước sẽ tìm được một mái ấm thực sự.

Bị bỏ rơi

Thế nhưng sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ cùng với hai con nhỏ, người chồng của chị liên lạc với người bạn gái của mình và bỏ rơi chị khi đứa con thứ ba chưa đầy năm. Một nách 3 con nhỏ, không biết tiếng Việt và cũng chẳng biết tiếng Anh, không có ai để giúp đỡ, chị vô cùng tuyệt vọng. Trong lúc ấy, thì Sơ Mỹ Hạnh xuất hiện. Với tấm lòng nhân ái bao dung, vị nữ tu này đã tận tình giúp đỡ cho chị. Chị tâm sự:

"Sơ Mỹ Hạnh giúp cho em nhiều lắm, hầu như là lo lắng cho em đầy đủ hết, còn hơn là lúc em ở Việt Nam nữa. Sơ cho con em quần áo, giầy dép, tiền ăn… những lúc hết tiền, Sơ giúp cho em vay tiền đi chợ, nhập học thì Sơ cho sách vở, tiền mua giầy cho mấy đứa nhỏ…

Cuộc đời của em đâu còn gì nữa… Bây giờ chỉ còn ba đứa nhỏ của em thôi…Cuộc đời của em, em không còn nghĩ tới nữa…Em chỉ ước mơ kiếm một việc làm tốt để nuôi mấy đứa con của em, em rất muốn tìm được mẹ ruột của em. Lúc mẹ em bỏ em, có một tờ khai sinh cột trong người của em. Mẹ em tên là Dương Thị Hường, tên thật của em là Dương Thị Xí, còn người cha trên cái mục tên cha là Lương Kiệt Đức, sinh ở bệnh viện Quảng Tín, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Em không còn ai trên đời này hết, chỉ có mẹ em thôi, nhưng em không biết làm sao để tìm…(khóc)…Em chỉ cầu mong biết đâu mẹ em còn sống… em hy vọng mẹ em nghe được những lời này của em, không biết mẹ em có nghĩ tới là hồi đó có bỏ đi một đứa con hay không..(khóc)

Có nhiều lúc em cũng hận mẹ em lắm.. thay vì lúc em còn ở trong bụng, mẹ em có thể giết chết em.. (khóc) sinh em ra để làm gì.. sinh ra em để rồi bỏ em, để cho biết bao nhiêu người không coi em ra cái gì hết, nhiều lúc em bị ăn hiếp tới mức độ khủng khiếp luôn, em không dám kháng cự lại, chỉ vì cái gương mặt của em thôi…(khóc)…Em rất muốn tìm mẹ em để em chỉ cần biết lý do tại sao mẹ em bỏ em thôi, nuôi em đã được 8 tháng rồi… đành đoạn bỏ em …"

Trở thành công dân Hoa Kỳ

Quí vị và các bạn vừa nghe những lời tâm sự của một số những người con lai hiện đang được Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh tận tình giúp đỡ. Ngoài những khó khăn về đời sống, những người con lai không may mắn này còn đang phải đối diện với một trở ngại vô cùng lớn lao: trở thành công dân Hoa Kỳ- vì muốn nhập tịch, họ vẫn phải qua sự trắc nghiệm về khả năng viết và đọc tiếng Anh.

Đây chính là điều không tưởng, vì làm sao họ có thể vượt qua được khi không biết đọc và viết lấy một chữ tiếng Việt?

Chính vì lý do đó, trong vài năm gần đây, Sơ Mỹ Hạnh đã và đang nỗ lực vận động với các vị dân biểu ở tiểu bang Georgia, cùng với một số người khác như ông Nam Lộc, giám đốc USCC ở miền Nam California, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức Boat People SOS, tiến hành vận động Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật cho phép những người con lai này được miễn thi nhập tịch.

Ước mong một ngày không xa, luật này được thi hành và những người con lai kém may mắn này sẽ không còn phải lo ngại về tình trạng thường trú của mình và cuộc đời của họ sẽ vui hơn, may mắn hơn, phải không thưa quí vị ? Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.