Ý kiến của cha mẹ và thầy cô về chương trình cải cách giáo dục


2006.09.05

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kỳ vừa qua, trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần, Phương Anh đã gửi đến quí vị những ý kiến bức xúc của một số phụ huynh và các nhà giáo trong việc hướng dẫn lệch lạc cho các em ngay từ khi chưa học hết mẫu giáo, nhất là trong việc đọc và viết rành rẽ trước khi vào lớp Một.

EducationBook150.jpg
Học sinh đang tìm mua sách đã dùng rồi bày bán trên vỉa hè ở Bắc Ninh để chuẩn bị cho năm học mới. AFP PHOTO.

Hôm nay, mời quý vị tìm hiểu nội dung chương trình cải cách giáo dục và chương trình thay sách dành cho các em ở tiểu học, qua sự trình bày của một số thầy cô giáo chuyên môn, cùng một số ý kiến của phụ huynh về chương trình cải cách này.

Không đơn giản

Trước hết, để tìm hiểu về chương trình cải cách giáo dục đã có lợi ích như thế nào cho học sinh, sau khi áp dụng trong những năm qua, Phương Anh đã gặp cô Nguyễn Thị Diễm ở quận Tân Bình và được cô cho biết:

“Đến bây giờ là năm thứ năm rồi, năm nay là sang lớp năm rồi. Họ chuyển đổi toàn bộ sách giáo khoa. Đào tạo cho giáo viên đi học phương cách dậy mới. Tôi dậy ở lớp 4 và lớp 3 thì cũng không thấy chương trình nhẹ hơn một tí nào cả, chương trình của lớp 5 thì lại chuyển xuống lớp 4, người ta cứ thêm vào như vậy, tiếng Việt thì đổi sang dùng từ mới nên hơi nặng, khó với các em và xa lạ với phụ huynh.

Phụ huynh không ở trong ngành khó để mà hướng dẫn con em. Cho nên, họ không an tâm, cứ phải cho con đi học thêm. Tình trạng học ở trường không đủ, cho nên đại đa số là không hướng dẫn cho con em tại nhà. Hơn nữa, phụ huynh bây giờ còn phải lo kiếm sống suốt ngày.

Đến bây giờ là năm thứ năm rồi, năm nay là sang lớp năm rồi. Họ chuyển đổi toàn bộ sách giáo khoa. Đào tạo cho giáo viên đi học phương cách dậy mới. Tôi dậy ở lớp 4 và lớp 3 thì cũng không thấy chương trình nhẹ hơn một tí nào cả, chương trình của lớp 5 thì lại chuyển xuống lớp 4, người ta cứ thêm vào như vậy, tiếng Việt thì đổi sang dùng từ mới nên hơi nặng, khó với các em và xa lạ với phụ huynh.

Chương trình ngày xưa học cộng trừ nhân chia đơn giản, bây giờ chuyển sang nhiều dạng lắm. Chẳng hạn một phép tính nhân với một tổng, một số, họ chuyển sang cách làm dọc, làm ngang…rồi chuyển sang một tích nhân với một tỷ, nó rối lắm so với các em lớp hai. Ai ở trong ngành thì phải đi học để hướng dẫn cho các em.”

Cũng theo lời cô Diễm thì ngoài các môn phụ, hai môn chính là toán và văn gặp rất nhiều trở ngại. Về môn văn, nay không còn mang màu sắc chính trị như trước kia, nhưng phần nội dung vẫn còn dài dòng, và thông thường, các giáo viên nếu dạy đúng tiêu chuẩn thì bao giờ cũng “cháy giáo án”. Cô nói:

“Bây giờ người ta bớt những tư tưởng chính trị, sản xuất, so với bộ sách cũ, nhưng họ cũng làm dài lắm. Nếu chỉ đọc suông thôi thì đã tốn nhiều giờ lắm rồi. Bây giờ mà còn khai thác nội dung để cho các em tìm hiểu để trả lời thì hầu như không đủ cho 45 phút. Cho nên chỉ đọc trôi chảy thôi, rồi cho các em trả lời, thì chúng nó cứ bê nguyên si cái câu đó, chứ chúng nó không biết ý chính, biết đại ý là cái gì cả, cứ học“ vẹt” như vậy thôi.”

Một cô giáo khác, tên Sơn, phụ trách lớp Một ở một trường bán công quận 10 thì cho hay: “Hồi trước, lớp Một thì toán chỉ học trong phạm vi 10 thôi. Toán số hay toán đố thì cũng vậy, sau này cải cách thì phạm vi từ 1 đến 100. Chữ cái thì thay đổi vị trí, ngày xưa thì chữ A đầu tiên, bây giờ là chữ E đầu tiên.

Có nhiều phụ huynh người ta không bằng lòng vì phải theo mẫu tự a, b, c…họ không đồng tình như vậy. Lớp hai thì nhiều từ ngữ đối với phụ huynh hơi khó, nếu phụ huynh nào không học hết cấp ba thì khó mà dậy con được.

Chẳng hạn như : xếp những từ chỉ hành động, chỉ sự vật, chỉ người…rồi về tính từ, danh từ, động từ…không biết phụ huynh có phân biệt được không? Phụ huynh nào chỉ học đến lớp 7, lớp 8 mà nghỉ ngang thì dậy con ở lớp hai sẽ gặp khó khăn.”

Phụ huynh lúng túng

Riêng thầy giáo Cường ở Cái Bè, Tiền Giang thì cho hay: “Cải cách tới lớp 5 rồi, có nghĩa là quay ngược lại 3 vòng rồi. Cải cách thì làm cho đứa nào thông minh thì hiểu, thì nhậy bén hơn. Lớp hai thì giải phương trình bậc nhất rồi. Trước năm 1975 thì không có mà bây giờ chương trình cải cách lớp hai, lớp ba là giải phương trình bậc nhất rồi. Ví dụ như x cộng 3 bằng 10, rồi 10 trừ x bằng 7…

Ai nằm trong ngành thì dễ hiểu lắm, hoặc phụ huynh có đi tập huấn bên Hội Phụ Huynh học sinh, giáo viên hướng dẫn thì làm được. Phụ huynh không có trình độ thì kể như không biết gì luôn! Cho nên mấy đứa nhỏ thì về nhà phải tự học hoặc đi học thêm.”

Cải cách bây giờ hơi khó, có những bài thì tui dậy được có những bài thì không, đành phải cho chúng nó đi học thêm thôi. Bây giờ thì cũng không biết làm sao, trên Bộ Giáo Dục cải cách sao thì theo như vậy. Nó nặng về đầu óc của trẻ bây giờ. Đa số học thuộc lòng hết.

Về phần phụ huynh, đa số đều cho rằng: nếu muốn kèm thêm cho con ngay từ khi ở cấp một cũng hết sức khó khăn, một phần vì nhu cầu cuộc sống, một phần vì chương trình cải cách khó hiểu, nên họ gặp nhiều lúng túng, đành phải chấp nhận kiếm tiền cho con đi học thêm ngay từ khi lên lớp Hai. Anh Lâm, một phụ huynh ở Tiền Giang, có con bắt đầu vào lớp Ba trong năm học mới này than thở:

“Cải cách bây giờ hơi khó, có những bài thì tui dậy được có những bài thì không, đành phải cho chúng nó đi học thêm thôi. Bây giờ thì cũng không biết làm sao, trên Bộ Giáo Dục cải cách sao thì theo như vậy. Nó nặng về đầu óc của trẻ bây giờ. Đa số học thuộc lòng hết.”

Một thanh niên tên Lân, ở Sàigòn, đang theo học ở trường cao đẳng kỹ thuật, có đứa cháu học tiểu học không làm được bài toán, nhờ hướng dẫn chỉ bài, cũng nói: “Thằng cháu học lớp 4, đem về nhà bài toán chẳng ai giải được, bài toán đơn giản thôi, nhưng em ngồi suy nghĩ nguyên một đêm mới giải được bài toán, mà phải giở sách của nó ra, coi đi coi lại, còn suy nghĩ theo bình thường của mình thì không được, phải áp dụng theo sách của nó mới giải được.”

Về chữ viết cải cách, anh Lân cũng cho hay: “Mỗi năm mỗi khác, có thể năm nay lại ra mẫu chữ khác, ví dụ như chữ “h”, ngày xưa thay vì chấm một cái rồi kéo vòng trên thành một đầu vòng qua nét cong lướt lên, thì cải cách kéo thẳng xuống thôi, không vòng đầu, về sau lại quay trở lại…lại quay về mẫu chữ ngày xưa.

Hầu như năm nào cũng cải cách, không chữ viết thì cũng đến sách, cũng phương pháp này phương pháp nọ, đủ trò hết, cuối cùng đi vòng vòng cũng trở về y như ngày xưa.”

Chị Tuyết, một phụ huynh có con đang học lớp Ba, nhà ở quận Gò Vấp, cho hay: “Hồi xưa tôi đã học hết lớp 10 rồi mà đụng đến sách chúng nó mà nhiều khi tôi còn ú ớ, đổi từ khó hiểu lắm. Toán thì xài những từ nào đó…cải cách bây giờ thế nào đó, không đơn giản như ngày xưa.”

Quan niệm của các bậc chuyên môn

Thế còn các nhà quản lý chuyên môn ở bậc tiểu học thì quan niệm ra sao? Phương Anh đã hỏi thăm cô Xuân Hương, hiện là hiệu phó chuyên môn ở một trường tiểu học ở quận 3 và được biết:

“Trước là dậy chương trình cải cách, sau đó là qua chương trình thực nghiệm, và bây giờ là chương trình đang áp dụng gọi là chương trình thay sách. Năm nay là áp dụng chương trình thay sách của lớp 5. Năm vừa rồi là năm cuối của cải cách rồi, bỏ từng cấp lớp một, đồng thời là làm song song lớp 6, lớp 7, lớp 8 và lớp 9.

Họ dùng từ miền Bắc nên nhiều khi giáo viên ngỡ ngàng. Nhưng mà những từ đó khi người ta soạn sách người ta cũng lạ đối với miền Nam, nên có chú thích rồi. Hồi đó, chương trình của các em lớp Hai, lớp Ba quá nhẹ nên lên lớp Bốn, thầy cô dậy “xiểng liểng”, nhưng bây giờ người ta làm như thế để lên lớp Bốn sẽ không nặng với học sinh.

Thí dụ chương trình cải cách lớp Một thì về toán các em học cộng trừ trong phạm vi 10 thì chương trình thay sách là các em học trong phạm vi 100, lớp Hai thì theo chương trình cải cách là học cộng trừ thôi, bây giờ theo chương trình thay sách mới là các em học nhân chia luôn.”

Theo ý kiến của cô, thì việc phụ huynh than phiền cũng như một số giáo viên gặp trở ngại khi áp dụng chương trình “cải cách” hay “thay sách” cho học sinh là vì:

“Họ dùng từ miền Bắc nên nhiều khi giáo viên ngỡ ngàng. Nhưng mà những từ đó khi người ta soạn sách người ta cũng lạ đối với miền Nam, nên có chú thích rồi. Hồi đó, chương trình của các em lớp Hai, lớp Ba quá nhẹ nên lên lớp Bốn, thầy cô dậy “xiểng liểng”, nhưng bây giờ người ta làm như thế để lên lớp Bốn sẽ không nặng với học sinh.

Hồi đó còn có chương trình thực nghiệm,chỉ áp dụng ở một số trường chuẩn. Chương trình lớp hai tiếng Việt bằng chương trình lớp Bốn cải cách, giáo viên dậy “chới với” luôn. Bây giờ thì áp dụng chương trình thay sách làm cho giáo viên dậy nhẹ nhàng hơn. Toán dậy nhẹ nhàng hơn của chương trình cải cách. Người ta cũng cân nhắc kỹ lắm.”

Bên cạnh đó, cô hiệu phó Xuân Hương cũng công nhận rằng, việc áp dụng chương trình cải cách và chương trình thay sách này khiến cho việc giáo dục bị khập khiễng, phụ huynh ta thán, kêu ca, nhưng vì “chỉ đạo ở trên ban xuống” nên cứ phải bắt buộc cho học sinh lên lớp hết, mặc dù có em rất yếu, mất căn bản. Cô nói: “Họ không biết cách để dậy con, họ không biết dậy như thế nào, con họ có đứa lên lớp 5 thì theo chương trình thay sách, nó lại khác hoàn toàn, nên người ta ngỡ ngàng.. Năm 2003, thì áp dụng chương trình thay sách cho lớp Một. Các em lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn, lớp Năm thì vẫn áp dụng chương trình cải cách.

Đến 2004, 2005, thì áp dụng thay sách cho lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn…nên có sự khập khễnh. Và những người quản lý như chúng tôi không đồng ý là những em học lớp kế cận “chương trình thay sách” buộc chúng tôi phải cho các em lên lớp, vì khi nó ở lại lớp thì nó không học được, bắt buộc phải cho lên hết vì nó ở lại lớp thì không học được.

Đến nỗi nhiều phụ huynh nói rằng: con tôi dốt mà sao năm nào cũng cho lên lớp. Cho đến bây giờ, phòng giáo dục vẫn chỉ đạo trường không có học sinh diện lưu ban, trường có nhiệm vụ là nếu học sinh lưu ban thì trong hè phải tổ chức cho các em thi lần một, thi lần hai, thi lần ba…tìm đủ mọi cách cho nó lên lớp, không được lưu ban.”

Tốt hay xấu

Cô Nguyễn Thị Diễm, tổ trưởng chuyên môn cấp lớp 4, người đã ở trong nghề giáo 32 năm qua thì cho rằng: “Lúc nào đưa ra những chương trình cải cách mới thì người ta cũng hô hào là hay là tốt, nhưng đi vào thực tế rồi, người ta mới thấy có rất nhiều cái sai sót, không phù hợp. Chẳng hạn như chữ viết, chữ có bụng, chữ không có bụng, cũng cải cách, hô hào là hay là tốt, một thời gian thực tế các em viết chữ xấu, và viết lẫn lộn chữ nọ sang chữ kia, rồi lại phải cải cách trở lại…nguyên cái đó bàn đi bàn lại mất bao nhiêu thời giờ.

Phụ huynh không ở trong ngành người ta không biết, người ta cũng không hướng dẫn được con nữa. Cứ thay đổi xoành xoạch, rất cực cho giáo viên mà phụ huynh thì không biết đường nào mà lần.”

Vừa rồi là những ý kiến của một số nhà giáo và phụ huynh về nội dung giảng dậy cho các em ở bậc tiểu học. Cho đến bây giờ, những người làm nghề gieo trồng hạt giống kiến thức cho các em ở lứa tuổi măng non vẫn còn đang hồi hộp, như lời cô hiệu phó chuyên môn Xuân Hương nói:

“Giáo dục cứ thay đổi nhiều, thay đổi hoài nên người ta thấy chóng mặt. Chúng tôi cũng khổ lắm. Mới áp dụng chương trình cải cách đây vài năm bây giờ lại chuyển sang chương trình thay sách, không biết áp dụng thời gian bao lâu. Năm nay đang có một phương châm chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích nên hy vọng sẽ có sự thay đổi.”

Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.