Phản ứng của người dân trước nạn ô nhiễm môi trường

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Nạn ô nhiễm môi trường do các nhà máy gây ra hầu như xảy ra hầu hết tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Người dân chỉ biết đệ đơn lên các cơ quan chức năng tại nơi mình ở để yêu cầu giải quyết.

PollutionXimang200.jpg
Nhiều nhà ở đây đã phải xây bít mặt tiền để tránh bụi. Các hộ khác dùng giấy bồi hoặc xốp để bịt các khe cửa. Photo courtesy Tuoi Tre Online.

Trên thực tế đơn đệ trình dày cộm và người dân mõi mòn chờ đợi ngày nầy qua tháng nọ nhưng mọi việc không thấy gì tiến triển. Nhiều khi người dân phải tự mình giải quyết như trường hợp cư dân quanh khu quần thể chùa Tây Phương ở Hà Tây căng dây cản đường xe tải vào phá núi lấy đất làm hư hại cảnh quan của Chùa.

Mời quý thính giả theo dõi bài tường trình sau đây về phản ứng của người dân về nạn ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra tại Đà Nẳng và Komtum.

Bụi khắp nơi

Nhà máy xi măng Hải Vân được xây dựng gần khu dân cư thuộc Phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Dân chúng tại đây cho biết ngày cũng như đêm bụi khói xi măng từ các lò nung Clinker tỏa bụi xuống phố xá, nhà cửa của dân chúng trong vùng. Ảnh hưởng nặng nhất là gần 300 hộ dân thuộc hơn 4 tổ dân phố thuộc khối phố Kim Liên 2, Phường Hòa Hiệp Bắc.

Nhiều nhà ở đây đã phải xây bít mặt tiền để tránh bụi. Các hộ khác dùng giấy bồi hoặc xốp để bịt các khe cửa. Nếu có khả năng thì chỉ có con đường là di dời nhà đi nơi khác. Bãi biển Kim Liên gần đó cũng bạt ngàn khói bụi xi măng khiến không ai dám tắm nữa.

Dân chúng, các công ty, trường học trong vùng ký không biết là bao nhiêu lá đơn gởi đến các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương từ huyện, lên tỉnh, đến cả trung ương, nhưng hình như đâu đâu cũng có vẻ vô cảm đối với nổi khổ của bà con.

Tự bảo vệ

Tất cả đều rơi vào im lặng như nhận xét sau đây của một người dân trong vùng ô nhiễm: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên) Người dân không còn cách nào khác hơn là chờ đợi dù đã phải chờ đợi vài ba năm rồi.

Trong khi đó tại huyện Đăk Hà tỉnh Komtum, sau một thời gian dài chịu đựng mùi hôi thối của nước thải do nhà máy chế biến mủ cao su thuộc doanh nghiệp tư nhân Đức Thắng gây ra và kêu ca cũng không thấu nên người dân đã có phản ứng để tự bảo vệ mình và gia đình.

Ngày 29 tháng 8 vừa qua, gần 100 người dân thuộc thôn 2, xã Đăk Mar đã đào đường, cắt đứt việc lưu thông của nhà máy với quốc lộ 14. Một người dân cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Cái giá phải trả của việc phát triển kinh tế là ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên tại các nước công nghiệp tân tiến, nhà nước và các doanh nghiệp đều ý thức sự nguy hại của việc ô nhiễm môi trường đối với đất nước và thế hệ mai sau nên ai cũng cố gắng ngăn chận hoặc làm giảm bớt sự ô nhiễm bằng đủ mọi cách.

Tại Việt Nam cũng có bộ Tài Nguyên và Môi trường và các phòng sở tại các quận huyện và các tỉnh nhưng hầu như kiến nghị của các cơ quan này cũng như của dân chúng chưa được những người chức quyền lắng nghe đúng mức.