Quyền bầu cử và tự ứng cử trong xã hội dân chủ

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Bỏ phiếu bầu cử cũng như ứng cử được kể là một trong những quyền căn bản của công dân các nước thật sự dân chủ. Chiếu theo hiến pháp của các quốc gia nơi tự do, dân chủ được tôn trọng thì mọi người đều có thể tự đề cử. Vài ngày trước, một người Mỹ gốc Việt vừa thực thi quyền đó và đã gặt hái một bước vẻ vang. Nhã Trân trao đổi với ứng cử viên này và trình bày vụ việc.

democracyVote150.jpg
Tự do bầu cử là điều kiện tối thiểu của một xã hội dân chủ. AFP PHOTO

Ông Lê Ngọc Bội, thường được cộng đồng biết qua tên Tommy Lê, mới ghi nhận thêm một thành tích trong quá trình tranh đua vào Education Board of Montgomery County, tức Hội đồng Giáo dục của quận Montgomery, tiểu bang Maryland.

Sử dụng quyền công dân

Kết quả bỏ phiếu cuộc tuyển chọn ủy viên sơ khởi cho uỷ ban này vừa được công bố hôm 20 tháng 9. Theo kết quả này ông Bội được trên 20 ngàn phiếu ủng hộ, xếp thứ nhì trong số năm người tranh cử cho đến kỳ chung kết vào tháng 11 năm nay. Đây là lần thứ hai ông mạnh dạn ra ứng cử vào chức vị vừa kể.

Kỳ thứ nhất diễn ra vào năm ngoái; lúc ấy ông được hơn 8 ngàn lá phiếu, khác biệt nhiều so với lần này tuy nhiên cũng được kể là một thành công vì ứng viên đối thủ của ông là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục hồi đó, có nhiều kinh nghiệm trong ngành, mà lại là người Mỹ bản xứ.

Người Việt này là ai, và động lực nào thúc đẩy ông theo đuổi điều muốn đạt?

Ông Lê Ngọc Bội là kỹ sư cơ khí tại Nuclear Regulations Commission của Mỹ, tạm dịch là Uỷ ban Điều lệ Nguyên tử của Hoa Kỳ. Ngoài vai trò nhân viên ông còn hoạt động trong chương trình Outreach của sở làm, tức chương trình hướng ngoại, có trách nhiệm đến các trường trung học để hướng dẫn học sinh về việc chọn ngành nghề và phương thức để đạt mục tiêu.

Ông được trao nhiệm vụ này vì có kiến thức về chương trình học tập, đào tạo và từng tham gia các hoạt động về giáo dục trong cộng đồng.

Ông Bội cho hay sở dĩ ông muốn tham gia vào Hội đồng Giáo dục là vì muốn có tiếng nói về các vấn đề giáo dục ở địa phương mình, và vì các con, nay đã thành công trong xã hội: "Mục đích của tôi là đưa ra tiếng nói và ý kiến hay để các trường họ làm theo, để làm tốt hơn chương trình học của sinh viên, học sinh, để giúp hội đồng giáo dục của quận, và cũng là để trả công cho xã hội vì 2 con của tôi đã nhận được sự dậy dỗ tốt, nên người".

Ở đây ai cũng có quyền tự ra ứng cử hết. Chính vì cái sự tự do cho người dân ra ứng cử nên tôi cũng ra ứng cử.

Thắng thua không quan trọng

Ông nhấn mạnh không quan tâm đến thắng thua, thành bại, mà chỉ có ý định như thường nói, và cho rằng được tự do ứng cử là một điều vui mừng, vì từ đó ông có thể thực hiện những điều mong muốn: "Ai cũng có quyền ra ứng cử hết. Vì cái sự tự do cho người dân ra ứng cử nên tôi ra ứng cử".

Quyền được tự ứng cử được mặc nhiên công nhận là một trong các quyền của người dân tại Mỹ cũng như ở những nước dân chủ khác trên thế giới, Không những chỉ được công nhận, quyền hạn này còn được khuyến khích, cổ võ. Mọi công dân đều có thể tự đề cử nếu thấy hội đủ điều kiện và có đủ tâm, lực để theo đuổi cuộc đua tài, trí.

Từ những chức vị nhỏ tại địa phương như thành viên các hội đồng tư vấn, khoa học, giáo dục… cho đến các chức vụ cao cấp trong bộ máy chính quyền; người dân xứ dân chủ đều toàn quyền ứng cử miễn tuân thủ luật lệ.

Hiện tượng phải được một thẩm quyền nào đó cứu xét dựa theo một số tiêu chí nào đó… không xảy ra. Chuyện cân nhắc cứu xét tư cách, khả năng của ứng viên được trao thẳng cho nhân dân, tức là những cử tri.

Một số quốc gia còn có những tổ chức chính phủ giúp đỡ ứng viên, hướng dẫn việc thực hiện các cuộc vận động bầu cử. Ngoài ra, các ứng viên dù thuộc bất cứ đảng phái nào, tức nếu không nằm trong phe đang nắm quyền, vẫn được tôn trọng, bảo vệ cũng như đối xử bình đẳng.

Sau chót, số lần ứng cử không bị giới hạn, điển hình là ông Bội đã mặc nhiên tái ứng cử năm nay, đồng thời nói ông có thể tiếp tục theo đuổi việc này trong tương lai tùy ý, và có dự định ứng cử vào ngôi vị quan trọng hơn sau này, là vai trò thành viên Ban Chấp Hành đảng Dân Chủ của quận.

Không riêng tại Hoa Kỳ, là nơi đã có nhiều người Việt tỵ nạn đã ứng cử và đắc cử vào nhiều chức vụ khác nhau, ở các nước khác như Pháp, Đức, Australia... người Việt xa xứ cũng đạt nhiều thắng lợi thực thi quyền tự do ứng cử và bầu cử của mình, mà khi chưa ra khỏi nước ít ai dám nghĩ đến.