Gia Minh, phóng viên đài RFA
Tình trạng người dân trong nhiều trường hợp cho rằng họ bị xử oan, nhưng các cấp địa phương không giải quyết thỏa đáng khiến họ phải lên đến tận trung ương để kêu cứu. Vào cuối tháng 8 vừa qua, chính phủ Việt Nam trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghị định qui định một số biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự công cộng.

Theo báo chí trong nước thì nghị định này là văn bản qui định riêng cho tình trạng khiếu kiện đông người. Như vậy, có thể những người đi khiếu kiện sẽ rơi vào tội danh gây rối trật tự công cộng và an ninh và bị xử lý theo luật liên quan.
Ban công tác Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam đưa ra thống kê cho thấy ngay tại thủ đô Hà Nội hiện nay có khoảng 60 người từ 25 tỉnh thành thường xuyên đến trụ sở cơ quan Nhà nước và nơi ở của các lãnh đạo cấp cao để khiếu kiện.
Họ về Hà Nội vì trường hợp của cá nhân gia đình không được địa phương giải quyết. Chính ông chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Tráng A Pao, thừa nhận tình trạng đó. Theo ông này thì có trường hợp oan sai chứ không phải không có lý do mà đến tận Hà Nội để kêu.
Tuy vậy, khi những người thấy bị oan ức phải thân hành từ quê nhà về tận thủ đô mong sao gặp được các quan chức đứng đầu trong bộ máy nhà nước để giải quyết oan khiên cho họ, thì chẳng mấy ai được các vị đó tiếp.
Một phụ nữ hiện đang khiếu kiện tại Hà Nội cho biết: "Biết chúng tôi đi khiếu kiện họ đuổi chúng tôi, và không cho chúng tôi gặp."
Nhiều trường hợp phải sống lây lất, vật vạ tại các vườn hoa, công viên như trong trường hợp của người phụ nữ sau: "Tôi phải sống ở chỗ tiếp dân cả 8 năm trời nay rồi. Vào ngày lễ thì họ đuổi chúng tôi đi."
Theo phân loại của các cơ quan chức năng thì đa số các trường hợp khiếu kiện vượt cấp đến trung ương liên quan đến vấn đề đất đai nhà ở. Địa phương thu đất mà giải quyết đền bù không thoả đáng, hay cả những trường hợp bị tước đoạt không có lý do chính đáng.
Nói về tình hình khiếu kiện liên quan đến đất đai thì qua đợt kiểm tra một năm thực hiện Luật đất đai 2003 do Bộ Tài Nguyên- Môi trường tổ chức, 13 đoàn đi đến đâu cũng gặp vô số đơn thư khiếu nại. Có nơi các đoàn kiểm tra cho biết độ dày chồng đơn mà họ nhận được hơn cả thước, có nơi phải lấy bao tải để đựng.
Về lĩnh vực tư pháp thì gồm khiếu nại về những bản án, quyết định không công bằng của các toà địa phương. Một người dân có con bị kết án oan cho biết về trường hợp gia đình bà: "Cháu bị vu khống bắt đi tù bốn năm, cứ khất hoài, không thả."
Theo phân loại của Ban Dân nguyện Quốc hội thì hầu hết 60 trường hợp khiếu kiện dài ngày ở thủ đô Hà Nội đều thuộc tầng lớp nhân dân lao động.
Ông Tráng A Pao ngoài thừa nhận là có những trường hợp oan sai, lại cho rằng có người đi kiện vì cay cú, có người với biểu hiện tâm thần, và có những người bị xúi giục mà theo ông người xúi giục là những phần tử phản động. Cơ sở cho nhận định này là những người đi khiếu kiện không rõ luật pháp.
Hồi cuối tháng Tám vừa qua, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe ý kiến của chính phủ về việc ra nghị định liên quan đến tình trạng khiếu kiện tập trung, ủy ban thường vụ quốc hội đã nhất trí cao với việc ban hành nghị định đó.
Văn bản này có đoạn ghi rõ là nghiêm cấm việc thực hiện hoặc lôi kéo, kích động người khác thực hiện các hành vi như lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín nguỡng tôn giáo, tự do hội họp…tập trung đông người, gây rối trật tự công cọng.
Một công an phụ trách về tình hình trật tự của quận Ba Đình, nơi có số người thường xuyên đến các cơ quan nhà nước để khiếu kiện thì cho biết: "Tại sao lại không bắt vì họ gây rối trật tự mà."
Tuy vậy một thành viên trong thường vụ quốc hội là bà Trần thị Tâm Đan, chủ nhiệm ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng có thắc mắc là khái niệm trật tự công cọng được nhắc đến có nghĩa quá rộng.
Trong dự thảo nghị định có đoạn nói nghiêm cấm những hành vi tập trung gây hại đến thuần phong mỹ tục và nếp sống văn minh, thì theo bà cả hai khái niệm nếp sống văn minh và thuần phong mỹ tục cũng đều quá rộng. Bà kết luận dù hoan nghênh nghị định nhưng nội dung chưa rõ.
Và theo những qui định dự thảo của nghị định thì đến đây khi nghị định chính thức được ban hành thì những người khiếu kiện, đặc biệt là đi theo số đông như lâu nay, sẽ bị qui cho tội danh gây rối trật tự, công cộng và an ninh hay vi phạm nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục và sẽ bị xử phạt theo luật.
Và cũng không loại trừ những trường hợp bị cho có biểu hiện bệnh tâm thần phải đưa và bệnh viện chuyên khoa điều trị, như trường hợp truyền đạo Thân Văn Trường của một giáo phái Tin Lành hiện đang được điều trị tại Bệnh Viện Tâm thần ở Đồng Nai dù rằng gia đình ông cho biết ông vẫn tỉnh táo, bình thường.