“Những giai điệu Viễn Đông cho đàn Guitar” của nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ


2007.11.12

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Người nhạc sĩ Guitar Cổ điển này, Thy Nga đã có dịp phỏng vấn khi anh mới qua Hoa Kỳ vào cuối năm 2003 định cư ở Sacramento. Hàng ngàn thứ phải lo liệu để xây dựng lại cuộc sống vậy mà chỉ 7 tuần lễ sau khi chân ướt chân ráo tới xứ người, nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ đã tổ chức được 2 buổi trình tấu!

PhungtuanVu200.jpg
Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ. Hình do ông cung cấp.

Điều này cho thấy là anh thiết tha với âm nhạc dường nào … Gần 4 năm trôi đi, nay nghe tin lại sắp có buổi trình tấu Guitar Cổ điển của nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ tại Cupertino, Bắc California, Thy Nga đã điện sang hỏi chuyện, và được anh cho hay:

“Ngày mùng 7 tháng 12, tôi sẽ được phỏng vấn trên Radio FM của Mỹ tại San Jose, và ngày mùng 9, tôi sẽ có một buổi trình diễn tại thính phòng của trường đại học DeAnza tại Cupertino. Chương trình này do South Bay Guitar Society đứng ra tổ chức, được sự tài trợ của thành phố San Jose và Hội đồng Nghệ thuật của Silicon Valley.

Tôi sẽ chơi 4 hay 5 tác phẩm do tôi sáng tác, một số ca khúc Việt Nam tôi chuyển soạn, và những bài nổi tiếng của Guitar Cổ điển. Đây là lần đầu tiên, tôi đàn trong một cuộc biểu diễn do một guitar society của Mỹ tổ chức!”

Thy Nga : Từ khi sang Mỹ, anh đã có dịp trình tấu tại các nơi nào?

Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ : Tôi chủ yếu là trình diễn tại khu vực San Jose và Quận Cam. Tôi cũng có dịp được sang Houston, Texas trình diễn nhưng chỉ trong qui mô nhỏ thôi. Tổng cộng, dưới 10 buổi trình diễn, không được nhiều lắm.

Thy Nga : Xin hỏi về những khó khăn mà anh đã trải qua để thích nghi với cuộc sống trên đất định cư, nhất là làm sao để vẫn có thể duy trì được tình yêu âm nhạc của mình?

Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ : Lúc mới qua thì cuộc sống tôi quả thật là rất khó khăn. Cũng may là nhờ bạn bè giúp đỡ, chẳng hạn anh bạn hàng xóm là nhạc sĩ Trần Việt Cường đã cho tôi mượn computer để chép nhạc trên đó. Nhờ đấy mà tôi mới chép ra những bài nhạc để gửi đến nhà xuất bản Mel Bay.

Thy Nga : Tôi nghe nói là các bạn và học trò cũ được tin anh sang, kéo đến giúp anh thực hiện ngay điều mà anh mong muốn là trình tấu.

Thưa quý vị, Phùng Tuấn Vũ hoạt động trong lãnh vực âm nhạc đã ba mươi mấy năm nay. Khi còn ở trong nước, anh từng nhiều lần trình diễn trên sân khấu và truyền hình Việt Nam. Năm 1979, nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ chính thức mở lớp dạy Guitar Cổ điển. Từ đó, đào tạo được nhiều người về ngón đàn này: có người đoạt giải thưởng, và khá nhiều người thành danh như nhạc sĩ Dương Kim Dũng hiện là Trưởng Khoa Guitar tại Nhạc viện thành phố Hồ-chí-Minh.

Năm 1988 (tức là khi nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ còn ở trong nước) nhà xuất bản âm nhạc Mel Bay tại Mỹ đã đưa vào tuyển tập “Exotic guitar” 12 nhạc bản guitar độc đáo của nhiều nước trên thế giới trong đó có 2 bài do anh chuyển soạn từ dân ca Việt Nam.

Trong CD kèm theo, thì một trong hai bài ấy là “Fantasy on “Se chỉ luồn kim” được danh cầm Uros Dojcinovic người Nam Tư trình bày.

Nay thì Mel Bay ấn hành cho riêng nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ, tập nhạc mang tên “Melodies of the Far East for Guitar” (Những giai điệu Viễn Đông cho đàn Guitar) gồm 6 nhạc bản do anh sáng tác.

Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ : Bài “Nostalgia” ra đời là trước khi tôi qua Mỹ thì tôi có đi chơi Châu Đốc, Hà Tiên. Trên xe đò, tôi nghe tiếng đàn bầu chơi bài “Dạ cổ hoài lang” nghe cảm hứng quá! tôi mới nghĩ là sẽ viết một bài nhạc cho guitar độc tấu dựa trên cảm hứng này. Cái tiếng đàn bầu nó cứ ám ảnh tới khi tôi về Saigon.

Đàn bầu là đàn có một giây, nên tất cả những âm thanh của đàn này là sử dụng bồi âm, tức là harmonics. Tôi cũng sử dụng kỹ thuật Harmonics trên cây đàn guitar ở 8 ô nhịp đầu để bắt chước tiếng đàn bầu.

Sau đó, là phần giai điệu tiếp theo, sử dụng Trémolo thì nó vảng vất âm hưởng bài “Dạ cổ hoài lang” là bài Vọng cổ có thể nói là nổi tiếng nhất của miền Nam Việt Nam.

Thy Nga : Qua Mỹ đã một thời gian, anh nhận xét thế nào về lãnh vực âm nhạc nơi đây, so với Việt Nam?

Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ : Ở bên Mỹ thì về tài liệu, tôi thấy rất đầy đủ. Quả thật, đây là cái môi trường quá tốt để cho mình học hỏi. Tôi qua đây thì không những về kỹ thuật guitar mà những cái liên quan đến âm nhạc, tôi đã học hỏi rất nhiều.

Hoa Kỳ là đất nước có quá nhiều điều kiện giúp cho phát triển. Nhưng mà mình có may mắn hay không, mình có cái duyên hay không là chuyện khác! Cũng như cái chuyện ra đời của cuốn sách và CD “Melodies of the far East for Guitar” thì tôi gửi cái CD “Như cánh vạc bay” mà tôi đã thu và phát hành tại Việt Nam cho chủ nhân của nhà xuất bản Mel Bay.

Nghe qua thì ông chịu ngay, và nói là sẵn sàng in hoặc thu tất cả những tác phẩm do tôi sáng tác nhưng phải mang màu sắc Đông phương.

Tôi thấy qua bên Mỹ, việc mình ra CD khó hơn nhiều, vì mình không có tên tuổi để người ta mua. Trong khi ở Việt Nam, thí dụ như trường hợp của tôi tương đối là nổi tiếng thì ra CD, mới có người mua. Ở đây thì mình phải tạo dựng tên tuổi. Với lại, phải tìm ra một nhà xuất bản, một công ty thâu đĩa để họ chịu phát hành cái đĩa hoặc cuốn sách của mình. Ồ, điều này, tôi thấy rất là khó. Tôi cũng phải cám ơn sự trợ giúp và ủng hộ tinh thần của ông chủ nhà xuất bản Mel Bay.

May mắn, với lại mình cũng phải nhịn nhục nữa để theo đuổi cái lý tưởng của mình. Chứ bị sự cuốn hút của cuộc sống thì rồi … người ta bỏ. Tôi được cái là cũng có nghị lực cho nên vượt qua được.

Thy Nga : Cho đến nay, anh đã sáng tác được bao nhiêu nhạc bản?

Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ : Tôi sáng tác rất nhiều, cả trăm bài, nhưng để ưng ý thì tôi chỉ chọn lọc được khoảng trên 20 bài.

“The sound of an infant” …

Thy Nga : Trong dĩa nhạc này, có bài “Good dream” (giấc mơ lành) và “Bad dream” (ác mộng). Xin anh cho biết hoàn cảnh viết hai bài này như thế nào.

Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ : Tôi nằm mơ một giấc mơ đẹp. Tỉnh dậy thì có vài tiếng nhạc phảng phất bên tai. Tôi ngồi dậy ngay, và ghi lại vài trường canh. Cái nét nhạc này cũng ám ảnh thì tôi phát triển nó ra.

“Good dream” …

Thy Nga : Và “Bad dream” liên tiếp nhau, là do thế nào hả anh?

“Bad dream” …

Nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ : Thì tôi có một cơn ác mộng, tôi té từ trên một độ cao xuống. Khi tỉnh dậy, cũng có cái nét nhạc gì đó bên tai. Tôi cũng ghi ra những mảnh đó. Mỹ là đất của mơ ước, cũng có những khó khăn nhưng tôi thấy điều lành nhiều hơn điều dữ.

Thy Nga : Ngoài nhạc cổ điển, Phùng Tuấn Vũ còn chơi các thể điệu tân nhạc, và nói rằng chính dân ca Việt Nam là nguồn cảm hứng để anh chuyển soạn cho đàn Guitar, như bài “Se chỉ luồn kim” biến tấu như sau …

Trong âm thanh bản “Se chỉ luồn kim”, Thy Nga xin dừng chương trình về nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ. Chào tạm biệt quý thính giả và các bạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.