Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Nếu lúc này doanh nghiệp Việt Nam còn cà phê Robusta để bán thì có thể đạt mức giá 1.860 đô la một tấn, tăng hơn gấp rưỡi so với năm ngoái. Việt Nam chi phối 40% tổng lượng cà phê robusta của thế giới, nhưng khi giá cao thì hết hàng.

Nam Nguyên phỏng vấn ông Đoàn Triệu Nhạn, phó chủ tịch đối ngoại Hiệp Hội Cà Phê Cacao Việt Nam về vấn đề này, cũng như sự kiện Việt Nam sắp áp dụng kiểm phẩm bắt buộc trước khi xuất khẩu. Từ Hà Nội ông Đoàn Triệu Nhạn đưa ra nhận định:
Ông Đoàn Triệu Nhạn: Đang lúc giáp hạt cũng như lúa có lúc giáp hạt. Vì giá cả lên cao nên doanh nghiệp "dốc bồ" ra để bán. Bây giờ giá rất cao mà đâu còn hàng để bán, bao giờ cũng thế cả! Đây là một vấn đề của chiến lược quản lý ngành hàng. Thông tin thế giới từng cho biết là Brazil bỏ tiền ra để dự trữ nguồn hàng đợi giá cao mới bán. Thế nhưng ở Việt Nam không có chính sách đó.
Đây là toàn bộ giải pháp về vấn đề thương mại, vấn đề chiến lược thị trường rất lớn. Bản thân chúng tôi không nắm bắt được, nhưng tôi biết rằng cần phải có sự đồng bộ trong quản lý ngành hàng cà phê Việt Nam để đưa uy tín lên cao hơn, chứ đừng để như hiện nay.
Nam Nguyên: Việc áp dụng bắt buộc kiểm tra chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn Quốc gia 2005, sẽ có thể làm giảm lượng cà phê xuất khẩu trong tương lai?
Ông Đoàn Triệu Nhạn: Áp dụng tiêu chuẩn là xu thế quốc tế chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nếu không áp dụng tiêu chuẩn thì rất dễ mua dễ bán, nhưng chúng tôi mang tiếng bán cà phê xấu. Hơn nữa cứ làm như vậy thì sinh ra cái tệ rất xấu là không quản lý chất lượng sản phẩm.
Hiện nay khi hội nhập quốc tế thì nước nào cũng phải lo vấn đề chất lượng sản phẩm. Thế rồi những vấn đề tồn tại như có dư lượng thuốc trừ sâu thí dụ như có OTA (Ochratoxin A) chúng tôi bị mang tiếng và người ta sẽ trả về.
Cho nên vấn đề kiểm tra chất lượng là rất cần không chỉ cho cà phê mà cả gạo và trà nữa. Đây là chủ trương chung của Nhà nước, đảm bảo uy tín mặt hàng nâng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam.
Chẳng thà xuất khẩu ít đi mà giá cao hơn còn hơn xuất khẩu nhiều mà giá thấp. Vấn đề bây giờ là hiệu quả không phải giảm hay tăng. Không phải vì kiểm phẩm bắt buộc mà khách hàng sẽ không mua nữa. Tôi cho là khách hàng có nhu cầu thì sẽ vẫn mua.
Nam Nguyên: Có phải là áp dụng kiểm phẩm bắt buộc trước khi xuất khẩu, sẽ ảnh hưởng tích cực tới cách thu hoạch của nông dân cà phê, họ sẽ thôi không hái quả non chẳng hạn?
Ông Đoàn Triệu Nhạn: Vâng đúng vậy, không phải chỉ có riêng nông dân mà toàn ngành cà phê lâu nay hơi buông lỏng. Hiện nay Bộ NN&PTNT có một đề tài khoa học, nghiên cứu là làm sao nâng cao được chất lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu. Làm thế nào để có các giải pháp để thực hiện mục tiêu đó.
Tôi muốn nhấn mạnh là ICO Tổ Chức Cà Phê Quốc Tế đã gởi văn bản cho chúng tôi là cà phê thải loại ở thị trường LIFFE có đến 80% là cà phê Việt Nam, tôi nghe rất xấu hổ. Chúng tôi bị mang tiếng là Việt Nam toàn sản xuất cà phê xấu, thực ra không phải vậy, cà phê Việt Nam rất tốt, nhưng mà do cách mua lâu nay hình thành một tật xấu là mua không phân loại, không đánh giá theo khuyết tật hạt, mà cứ thương lượng thoả thuận với nhau.
Tại sao cà phê Việt Nam lúc nào cũng thấp hơn cà phê Indonesia vài chục đô la một tấn, chỉ vì cà phê Việt Nam không được bán theo phân loại, theo tiêu chuẩn. Chúng tôi không muốn như vậy, trong khi ICO có nghị quyết 407/6420 của Hội Đồng là lấu tiêu chuẩn TCVN 4193-2001 của Việt Nam làm chuẩn để đánh giá cà phê vối Robusta, trong khi đó nước ban hành tiêu chuẩn là Việt Nam thì lại không áp dụng, tôi bị họ phê bình chuyện này.
Nam Nguyên: Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến nhà xuất khẩu, nhưng thực tế có ảnh hưởng tới nông dân trồng cà phê không? thu mua hàng xô là tuỳ thương lái.Theo ông thương lái có thay đổi cách mua ở vườn không?
Ông Đoàn Triệu Nhạn: Tất nhiên phải thay đổi, chúng tôi đang cố gắng để thay đổi từ gốc tới ngọn. Chúng tôi không muốn cà phê Việt Nam cứ phải chịu mang tiếng xấu, muốn như thế không phải chỉ có một anh kiểm phẩm ngồi ở hải quan là xong mọi việc.
Mà là phải từ đầu đến cuối, chúng tôi đã hội nghị với nông dân bàn việc nâng cao chất lượng cà phê, như thu hoạch thì hái quả chín không hái quả xanh. Thế nhưng Việt Nam chưa có giả pháp đồng bộ, phải nghiên cứu các giải pháp đồng bộ từ khâu trồng trọt giống má thu hái, công nghệ chế biến như thế nào, để cho ra sản phẩm tốt. Nếu xong hết như thế thì cuối cùng kiểm phẩm thông quan thì rõ ràng không có vấn đề gì nữa.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Đoàn Triệu Nhạn.