Nghi vấn gian lận trong kỳ thi tú tài
2006.10.02
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Tiêu cực trong thi cử tại nhiều tỉnh, thành là một trong những vụ việc gây sôi nổi dư luận từ cả năm nay. Vừa qua kết quả cuộc thi đại học khiến Bộ Giáo dục-Đào tạo phải đặt vấn đề thanh tra các hội đồng thi tốt nghiệp trung học phổ thông dân lập vì có nghi vấn gian lận trong kỳ thi tú tài. Nhã Trân trình bày.
Cuộc thi tuyển vào đại học 2006 đã kết thúc và kết quả vừa được thông báo tháng này. Kết quả cuộc tuyển sinh làm ngạc nhiên giới giáo dục, vì phổ điểm nhiều môn quá chênh lệch so với kỳ thi tú tài năm nay.
Theo thống kê của nhiều trường phổ thông dân lập thuộc những tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tây và thành phố Hồ chí Minh hầu hết các học sinh có kết quả thi đạt đến hơn 90% trong kỳ thi tốt nghiệp trung học, chỉ đạt được trên dưới 50% trong kỳ thi tuyển vào đại học.
Không bình thường
Hiện tượng này khiến nhiều dư luận cho rằng hai kết quả thi phản ánh một sự thật đáng quan ngại, là có gian lận trong cuộc thi tú tài. Người dân cho tình trạng chạy theo thành tích là nguyên nhân đưa đến mức điểm cao vượt bực của kết quả thi tú tài, và tiêu chí thi đua là lý do kết quả thi ở nhiều địa phương không xác thực.
Đoan quyết phải có gian lận thì hai mức điểm mới khác biệt đến thế, một phụ huynh học sinh ở Sài gòn nói:
Chuyện đó là có thôi, chứ làm sao không có được. Chuyện đó cũng bình thường thôi. Thừơng thường thi tốt nghiệp rất là dễ. Thi tú tài người ta gác thi dễ lắm. Tại nhiều khi trường này ganh đua, rồi thi với trường kia, thành ra nó hay như vậy. Ảnh hưởng mấy cái phong trào thi đua đó mà.
“Chuyện đó là có thôi, chứ làm sao không có được. Chuyện đó cũng bình thường thôi. Thừơng thường thi tốt nghiệp rất là dễ. Thi tú tài người ta gác thi dễ lắm. Tại nhiều khi trường này ganh đua, rồi thi với trường kia, thành ra nó hay như vậy. Ảnh hưởng mấy cái phong trào thi đua đó mà”.
Giới phụ huynh tin rằng có tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học. Giới giáo chức thì suy nghĩ thế nào về sự kiện này? Nữ giáo viên một trường trung học Hà Nội cho hai phổ điểm quá vênh là chuyện đáng lưu ý, phải tìm hiểu cho ra nguồn cội, và đồng ý sở dĩ kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông có phổ điểm quá cao là do tiêu chí thi đua mà ra:
“Chuyện ấy có đấy. Đang là vấn đề to lắm. Nói chung ngành giáo dục Việt Nam mình bây giờ mắc bệnh thành tích; nên cứ cho học sinh đỗ hết thôi. Nó thành một cái căn bệnh có thể nói là thâm căn cố đế của ngành giáo dục rồi. Bây giờ người ta mới bắt đầu có những cải cách lớn. Báo chí cũng như, nói chung là các giáo viên, đều có những cuộc vận động rất là lớn”.
Phản ứng của các giới chức
Trong khi công luận nghĩ kết quả kỳ thi phổ thông không xác thực và có sai phạm, cơ quan giáo dục có ý kiến gì? Giám đốc Trung tâm Tin học Quách Tuấn Ngọc, bộ Giáo dục-Đào tạo, khẳng định nhiều địa phương đã tiếp tay cho các gian lận thi cử trong cuộc thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, chiếu theo hai phổ điểm bất cập.
Ông đồng thời công bố đang dựa trên chứng cứ này để xem xét vụ việc và trình lên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xử lý.
Tin cho hay Bộ Giáo dục-Đào tạo dự kiến xét lại cơ chế thành lập các trường phổ thông trung học dân lập đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Từ năm 2004 bộ đã đề ra mục tiêu đổi mới phương pháp giáo dục trong đó có việc tăng cường nền nếp, kỷ cương của ngành, và đề cao việc ngăn chặn, khắc phục các hiện tượng tiêu cực. Công luận cho rằng mãi đến nay đề xuất này dường như chưa đạt hiệu quả, vì phổ điểm bất cập của hai kỳ tình hình là dấu hiệu cho thấy tiêu cực vẫn tiếp diễn trong giáo dục.
Những bài liên quan
- Liệu cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam có kết quả tốt?
- Kỳ vọng của giới trẻ với tân Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân (phần 2)
- Diễn tiến mới liên quan đến vụ chạy trường Lê Quý Ðôn
- Kỳ vọng của giới trẻ với tân Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân (phần 1)
- Chạy trường, một thực trạng gây nhiều bức xúc trong dư luận VN
- Cô Nguyễn Thị Thái: toàn xã hội phải vào cuộc thì mới đạt kết quả chống mọi tiêu cực
- Ý kiến của cha mẹ và thầy cô về chương trình cải cách giáo dục
- Những sai sót trong chương trình thí điểm hồi năm 2001
- Ngày càng nhiều sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm