Hiền Vy, đặc phái viên đài RFA
Hằng năm vào khoảng cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu dương lịch, nhiều sinh viên Việt Nam tại Mỹ ra trường với cấp bằng đại học để chuẩn bị vào đời. Nhằm mục đích khuyến khích giới trẻ cố gắng học hành và giúp họ biết truyền thống tốt đẹp của Văn Hóa Việt Nam, từ nhiều năm qua Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tại Houston đã tổ chức Lễ Vinh Quy Bái Tổ để vinh danh các Tân Khoa.

Năm nay, vào chiều Chủ Nhật, ngày 24 Tháng 6 Lễ Vinh Qui Bái Tổ đã được long trọng tổ chức tại nhà hàng Ocean Palace, thuộc vùng Tây Nam của thành phố.
Trong dịp này, Ông Nguyễn Trần Quí, chủ tịch Trung Tâm Văn Hoá Việt Nam cho biết: "Trong 34 tân khoa ghi danh tham dự hôm nay có 20 tân khoa tốt nghiệp cử nhân, 14 tân khoa tốt nghiệp cao học hay tiến sĩ.
Tất cả những người điều khiển trên sân khấu đều là những tân khoa của những năm trước, đã tình nguyện trở lại để đón rước đàn em, thì truyền thống vinh qui bái tổ của dân tộc chúng ta vẫn có sức quyến rũ đối với giới trẻ, dù sinh sống tại hải ngoại.”
Tiến sĩ Veronique Minh Viễn Trần, giảng viên của Đại Học Rice, là diễn giả danh dự của buổi lễ, đã nói: "Gia đình các bạn, bạn bè và cộng đồng người Việt rất hãnh diện về thành quả các bạn đạt được, Một số các bạn cũng như chính tôi được sinh ra tại Việt Nam và tới Mỹ khi chúng ta còn rất nhỏ, một số các bạn khác thuộc thế hệ thứ 2, sinh ra và lớn lên tại đất nước này …
Tuy nhiên chúng ta có một điểm chung, đó là, cha mẹ chúng ta đã rời quê cha đất tổ, mong tìm kiếm một đất nước tự do với hy vọng tương lai con cái sẽ được học hành và có cuộc sống khá hơn …
Đôi lúc tôi tự nghĩ, không biết cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu cha mẹ tôi đã không trốn thoát quê hương để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn cho chị em tôi. Chắc chắn tôi sẽ chẳng có cơ hội và những ân huệ như ngày nay…
Văn bằng mà các bạn mới đạt được không phải chỉ là kết quả của sự chăm chỉ và quyết tâm của riêng mình mà còn phản ảnh sự hy sinh của cha mẹ, ông bà và tổ tiên nữa. Chúng ta mỗi người đều có trách nhiệm dùng năng lưc của sự hiểu biết để làm thăng tiến cuộc sống của mình, của đồng bào và xã hội nữa.
Thành công thực sự cũng không đo bằng tiền bạc, của cải, vật chất nhưng bằng những việc mà bạn cống hiến cho đời …”
Cô Đỗ Hoàng Linh Đan, đại diện các Tân Khoa phát biểu: "Truyền thống Vinh Qui Bái Tổ đã có cả ngàn năm nay, từ đời nhà Lý, vào thế kỷ thứ 11. Tổ tiên chúng ta tin rằng, người đi học đỗ đạt là nhờ phúc đức của tổ tiên để lại, nên khi thi đỗ, được đem vinh dự về quê quán.
Khi về tới quê nhà thì đến nhà thờ Tổ để bái lạy tạ ơn tổ tiên, sau đó bái lạy tạ ơn thầy dạy và về nhà bái lạy tạ ơn cha mẹ. Ngày nay chúng con xa quê hương Việt Nam, không về được quê nhà, nhưng chúng con cố nhớ truyền thống Vinh Qui Bái Tổ, lập bàn thờ tổ tiên tượng trưng tại đây để mời ông bà, cha mẹ, họ hàng quan khách đến tham dự buổi lễ cho chúng con được vinh dự thi đỗ tốt nghiệp về làm lễ trình với tổ tiên, ông bà cha mẹ hiện diện tại đây …”
Khi được hỏi ý kiến về cuộc viếng thăm HoaKỳ của chủ tịch nước Việt Nam trong tuần qua, tiến sĩ dược khoa Christine Phạm 26 tuổi, đã rời Việt Nam lúc lên 6, nói: "…ông ấy đã không được ưu đãi giống như là những vị khách quí khác tới thăm Mỹ, không được trải thảm đỏ, không được ở trong Nhà Trắng, mà phải đi vào bằng cửa sau, …
Người Việt Nam mình biểu tình nhiều lắm, Houston mình có 80 người bay lên dự biểu tình … Nước Mỹ tiếp ông ấy như vậy là đúng, vì không chấp nhận chế độ Cộng Sản, không support chủ thuyết cộng sản … nên không ưu đãi, không đối xử danh dự với người cộng sản như ưu đãi những người không cộng sản …”
Được hỏi có khi nào nghĩ đến chuyện trở về Việt Nam làm việc, Tiến sĩ dược khoa Hồng Lê Bảo Châu, đến HoaKỳ lúc 6 tuổi, cho biết :
“ Nếu việc làm không dính dáng gì đến cộng sản và có ích lợi cho quê hương, cho dân chúng thì cháu sẽ nghĩ đến. Từ nhỏ, cháu phải tự tranh đấu cho sự độc lập của chính cháu, cái gì cháu muốn thì cháu tự đi tranh thủ lấy …, nên Human Right đối với cháu rất quan trọng…”
Ông Nguyễn Minh Triết, thân phụ của tân khoa Nguyễn Minh Triết Mỹ Liên nói về ngày Lễ Vinh Qui Bái Tổ: "Đây là một truyền thống rất tốt đẹp, ban tổ chức đã gây lại được cái nề nếp phong tục của người Việt Nam có từ cả ngàn năm để cho con cháu, cho các em thấy đó là điều hãnh diện cho cha mẹ cũng như cho các em và cả cho ban tổ chức. Nên duy trì để khuyến khích các em trong việc học hành "
Trả lời câu hỏi ông có ý kiến gì không nếu con em muốn trở về phục vụ đất nước, ông Triết nói: "Nếu các cháu thấy công việc làm thích hợp, các cháu muốn phục vụ đất nước và quê nhà thì đó là sự quyết định của các cháu. Phụ huynh chúng ta, dầu muốn hay dầu không, vì một lý do nào đó, cũng không thể ép buộc con cháu mình làm những điều mình không muốn …"
Trong khi phụ huynh vui mừng về sự thành đạt của con cháu và hy vọng sau này các em cũng góp phần vào xây dựng đất nước Việt Nam, thì các tân khoa đang tự tin, hướng về tương lai và sẵn sàng tham gia vào đời sống mới, xây dựng cuộc đời mình cũng như góp phần làm đẹp xã hội. Một số các em cũng có những suy tư về Việt Nam và hy vọng đất nước có những điều kiện tự do, dân chủ để có thể trở về phục vụ quê cha đất tổ.
HiềnVy, tường trình từ Houston
