Doanh nhân trong nước nhận xét gì về tình trạng đình công lãn công hiện nay?


2006.03.02

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Làn sóng đình công ở Việt Nam lan rộng đến mức độ đáng ngại, khiến cho chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương hôm 1 tháng 3 phải lên tiếng xin lỗi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Doanh nhân trong nước nhận xét gì về tình trạng đình công lãn công hiện nay, Nam Nguyên phỏng vấn ông Đỗ Gia Bính một chủ doanh nghiệp quảng cáo ở Hà Nội về vấn đề này.

StrikeFDI200.jpg
Làn sóng đình công ở Việt Nam lan rộng đến mức độ đáng ngại. Photo courtesy of Vietnam Net.

Nam Nguyên: Trước các cuộc đình công lãn công đang diễn ra, với tư cách một doanh nhân ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Đỗ Gia Bính: Từ đầu năm tới nay các cuộc đình công tại các xí nghiệp liên doanh và 100% vốn nước ngoài phát triển ồ ạt từ nơi này sang nơi khác, nó là một làn sóng không thể ngăn lại được.

Theo tôi chính phủ Việt Nam cũng muốn là công nhân đình công hợp pháp, thế nhưng công nhân nhiều khi chẳng tuyên bố chẳng đăng ký và cứ đình công.

Nguyên nhân của nó là vì giới chủ nước ngoài vào Việt nam đầu tư, giá nhân công của Việt Nam vốn đã rẻ rồi mà họ còn trả rẻ đến mức người lao động không sống nổi. Họ là những người từ miền trung từ các tỉnh vào, đi làm thu nhập 500 tới 600 ngàn một tháng, tiền thuê nhà rồi tiền ăn uống các thứ, họ chẳng còn bao nhiêu để gởi về nhà. Mức thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống của họ được, cho nên họ phải đình công.

Chúng tôi được biết rằng chính phủ cũng như công đoàn cố gắng bàn bạc với anh chị em công nhân, tìm cách thương lượng để anh chị em đừng làm phương hại tới sản xuất đừng gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Nhưng chắc cũng phải có thời gian vài ba tháng nữa mới có thể bàn bạc tới từng doanh nghiệp một, lúc ấy vấn đề này mới tháo gỡ hết được.

Nguyên nhân của nó là vì giới chủ nước ngoài vào Việt nam đầu tư, giá nhân công của Việt Nam vốn đã rẻ rồi mà họ còn trả rẻ đến mức người lao động không sống nổi.

Nam Nguyên: Thưa ông, công nhân không tin tưởng tổ chức công đoàn là vì lý do gì, vì cơ chế hay vì công đoàn ở Việt Nam lâu nay chỉ mang tính hình thức không đại diện cho công nhân, cũng như không bảo vệ quyền lợi công nhân?

Đỗ Gia Bính: Công đoàn ở Việt Nam thì bao giờ cũng bảo vệ quyền lợi công nhân, nhưng chỉ có thể bảo vệ quyền lợi công nhân nếu phù hợp pháp luật. Tình hình hiện nay, công nhân đang lãnh lương 600 ngàn thì muốn lên lương thành 1 triệu. Nhưng pháp luật qui định công nhân phải ký hợp đồng lao động với các điều khoản thoả thuận chi tiết rồi.

Nếu bây giờ công đoàn đứng lên bảo vệ quyền lợi người công nhân chống lại giới chủ nhân, tổ chức các cuộc đình công mạnh mẽ hơn nữa, thì như thế sẽ làm hại đến nền kinh tế, và cũng không đúng pháp luật. Vì thế công đoàn đã không thể làm được những gì như mong muốn của từng người lao động.

Theo tôi khi họ ký hợp đồng thì phải hiểu biết điều đó, và họ gia nhập công đoàn để được bảo vệ. Còn ở đây, công nhân thấy mình thiệt thòi và tự phát đình công, phần công đoàn thì rất khó bảo vệ công nhân vì bảo vệ phải đúng theo pháp luật.

Nam Nguyên: Phải chăng luật lệ lao động của Việt Nam chưa thích hợp và không phù hợp với mức phát triển của nền kinh tế. Có cần sửa đổi luật lệ lao động hay không?

Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Đỗ Gia Bính: Đúng vậy, trên góc độ hội nhập, ở Việt Nam rất nhiều vấn đề ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh và chưa đáp ứng yêu cầu cả về hội nhập lẫn của người lao động ở trong nước. Do đó chương trình xây dựng pháp luật của quốc hội Việt Nam hết sức dầy dặc, làm việc liên miên mà vẫn chưa làm được hết. Vì…rất lâu rồi Việt Nam không có luật, bây giờ đi vào từng chi tiết không thể hoàn thành sớm được.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông Đỗ Gia Bính về các ý kiến mà ông trình bày.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.