Ý kiến của người dân về giao thông ở Việt Nam
2006.12.19
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Trong tuần qua, cùng lúc hai tai nạn xe cộ xảy ra ở Hà Nội đã làm cho dư luận ở trong nước hết sức xôn xao. Trường hợp thứ nhất xảy ra cho giáo sư Seymour Parpert, một nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, người đã có công thành lập Media Lab cho Viện Công Nghệ Tin Học tại Massachusetts, Hoa Kỳ, gọi tắt là MIT, hiện đang có mặt tại Việt Nam trong dự án “Một laptop cho mỗi trẻ em”.
Người thứ hai là giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, Giám Đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tiếc thay, giáo sư Nguyễn Văn Đạo đã qua đời, riêng giáo sư Seymour Papert thì nay được đưa về Mỹ, thành phố Boston, Massachusetts để điều trị tiếp sau hai lần phẫu thuật não.
Giới truyền thông trong nước đã đồng loạt lên tiếng về hai tai nạn giao thông này như để dóng lên một tiếng chuông báo động về tình trạng giao thông càng ngày càng tồi tệ ở Việt Nam, nhất là tại thủ đô Hà Nội và TPHCM. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin gửi tới quí vị những ý kiến của một số cư dân ở Hà Nội và TPHCM, cùng của một tài xế xe vận tải đường dài từ Nam ra Bắc trong nhiều năm qua, về vấn đề giao thông tại Việt Nam hiện nay.
Bàng hoàng
Trước hết, ông Hoàng, hiện đang cư ngụ ở thành phố HCM, cho biết rằng, vợ ông hiện nay cũng đang bị bại liệt một nửa người bên trái vì chấn thương sọ não do tai nạn xe cộ gây ra. Do đó, khi nghe tin hai nhà khoa học không may bị xe đụng, ông rất bàng hoàng. Ông nói:
“Nghe tin này tôi rất là thảng thốt, vì thực sự không ngờ như thế. Tôi đọc tin này trên báo, tôi ở trong một tâm trạng thương tiếc người tài, mà phải nói là giật mình, có thể ví đó là một sự hủy diệt của tai nạn giao thông đối với người tài. Tôi được biết là mỗi năm, tổng kết về sự thiệt hại về tiền bạc rất nhiều…Tôi nghĩ là thiệt hại về tiền thì không nói nhưng thiệt hại về người mới là vô cùng.”
Cũng theo ý kiến của ông, tuy các cơ quan chức năng rất quan tâm về an toàn giao thông, nhưng có lẽ vấn đề ý thức của mọi người chưa có. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm cũng không nghiêm túc cho lắm, ấy là chưa kể nạn cấp bằng giả cho một số người chưa biết luật giao thông ra sao. Ông nói tiếp:
Nghe tin này tôi rất là thảng thốt, vì thực sự không ngờ như thế. Tôi đọc tin này trên báo, tôi ở trong một tâm trạng thương tiếc người tài, mà phải nói là giật mình, có thể ví đó là một sự hủy diệt của tai nạn giao thông đối với người tài. Tôi được biết là mỗi năm, tổng kết về sự thiệt hại về tiền bạc rất nhiều…Tôi nghĩ là thiệt hại về tiền thì không nói nhưng thiệt hại về người mới là vô cùng.
“ Tôi thấy nhà nước rất quan tâm, nhưng theo tôi, có lẽ mọi người chưa thấy đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, không nghiêm túc. Bản thân tôi, khi bước ra ngoài đường, chẳng thấy tình hình nghiêm túc một chút nào hết. Vi phạm rất nhiều nhưng giữ luật giao thông thì chẳng có bao nhiêu. Bằng giả thì dễ rồi, hoặc bằng thật đi chăng nữa chỉ tốn tí tiền là có cấp cho….”
Anh Chính, một thanh niên đang sinh sống ở Hà Nội cũng đồng ý, và cho rằng tuy nhà nước đề ra nhiều biện pháp, nhiều dự án cải tổ giao thông được thực hiện, thế nhưng hầu hết người dân chẳng có ý thức chút nào, anh nói:
“Trước đây có những dự án giao thông Hà Nội đi vào một luồng nhưng cho đến bây giờ cũng chẳng cải thiện được cái gì, thậm chí có một số tình trạng còn tồi tệ hơn. Thứ hai nữa là ý thức của người giao thông nó còn mang tính chất bộc phát. Chẳng hạn như dự án làm cầu vượt, sau khi làm cầu vượt thì chẳng có giá trị gì về sự ùn tắc giao thông cả. Ví dụ như lúc tắc đường vẫn có tình trạng chen lấn xô đẩy chứ không đi theo hướng dẫn của người có trách nhiệm. “
Anh Hùng, một nhân viên đang làm việc cho một cơ quan nước ngoài, thì rất bức xúc, anh cho rằng càng ngày tình trạng giao thông ở Hà Nội càng tồi tệ, rất dễ bị ùn tắc chỉ vì chẳng ai có ý thức. Chẳng hạn, tại một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nếu chẳng may đèn hỏng thì chẳng ai nhường ai nữa, bên nào cũng muốn đi, thế là xe cộ cứ tắc lại, và cảnh sát giao thông đến giải quyết thì cũng quá ít.
Anh nói: “Không ai có ý thức về giao thông, hầu hết người dân Hà Nội đều như thế. Lúc mà tắc đường thì thường chỉ có hai người thì làm sao mà họ giải quyết được xuể. Mạnh ai người nấy đi, không ai nhường ai, cứ người nọ chặn vào đầu người kia, dân chủ mà, ai cũng làm chủ hết, ai cũng có quyền hết, cứ chen lên đằng trước…”
Luật giao thông
Thông thường khi tai nạn xảy ra, phía tài xế bao giờ cũng bị lên án nhiều nhất, và bên cạnh đó, cũng phải nói đến sự chạy xe rất cẩu thả của một số thanh niên bây giờ. Anh Đấu, một tài xế lái xe vận tải đường dài từ Nam ra Bắc hơn 10 năm qua, chứng kiến hàng ngày các tai nạn xe cộ ở Hà Nội, cũng như ở TPHCM, than thở:
“Các anh lái xe ở miền Bắc, đến giờ họ ăn cơm, họ hay uống rượu, uống bia, nên khi cầm “vô lăng” hay bị mất tay lái…trong bữa ăn trưa, họ thường uống chút rượu hay bia, rồi mới ăn sau, người lâng lâng rồi mới ăn cơm, hầu như người nào cũng vậy hết, còn những thanh niên chạy rất ẩu.
Tầm hiểu biết về giao thông của người đi mô tô còn nông cạn lắm, họ không tuân thủ, họ chưa ý thức…Một số người cứ nghĩ như đường nông thôn vậy, đường của họ thì họ cứ đi thôi, họ không biết rằng đến đoạn đó, ngã ba, ngã tư thì phải giảm tốc độ hay bật đèn xi nhan, họ chưa hiểu như thế. Bằng lái xe thì 70% là đi mua, thậm chí có người không biết chữ nhưng vẫn có bằng lái xe mô tô.
Những người đi xe mô tô họ đi rất ẩu, họ qua mặt mình không bóp còi, không xi nhan, cứ chen lấn đường đi qua, cứ cúp ngang đường mà đi như vậy. Mình làm chủ thì cứ phải lo nhường đường cho họ đi. “
Theo anh, sự thông hiểu về luật giao thông của những người đi xe gắn máy bây giờ rất hạn chế. Đó là chưa kể những người ở nông thôn, có xe máy, khi lên thành phố thì cứ thế mà chạy, không cần phải tuân theo bất kỳ một luật giao thông căn bản nào. Anh nói tiếp:
“Tầm hiểu biết về giao thông của người đi mô tô còn nông cạn lắm, họ không tuân thủ, họ chưa ý thức…Một số người cứ nghĩ như đường nông thôn vậy, đường của họ thì họ cứ đi thôi, họ không biết rằng đến đoạn đó, ngã ba, ngã tư thì phải giảm tốc độ hay bật đèn xi nhan, họ chưa hiểu như thế. Bằng lái xe thì 70% là đi mua, thậm chí có người không biết chữ nhưng vẫn có bằng lái xe mô tô.”
Với tình trạng giao thông ngày càng tồi tệ, nhiều biện pháp được nhà nước đặt ra, nhất là về phương tiện giáo dục truyền thông đại chúng, thế nhưng ý thức của người dân hình như vẫn chưa thay đổi. Thế nên, để cải tiến tình trạng này, anh Chính cho rằng:
“Chủ yếu là ý thức của người dân, thứ hai là cơ sở hạ tầng cần phải theo đúng lộ trình mà bên thành phố đã đưa ra, tăng cường giải toả mặt bằng để làm đường rộng ra.”
Còn với anh Đấu, thì không tin chấm dứt được tình trạng tồi tệ này vì: “Rất khó chấm dứt vì nhà nước mình phải kiên quyết chỉ phát bằng lái xe cho những ai hiểu biết, còn bây giờ ai cũng phát…”
Riêng với anh Hùng, thì đề nghị phải phạt thật nặng những ai vi phạm, và điều cần thiết là phải trong sạch trong đội ngũ cảnh sát giao thông. Anh nói:
“Cái thay đổi phải là tổng thể, phải toàn bộ, con người thực hiện là một chuyện nhưng chế tài, có nghĩa là hình thức kỷ luật người đi sai giao thông không có…Có những luật đề ra, nhưng hình thức để xử lý, để chế tài thì không có.
Đi ra đường cứ như lôi cuốn vào dòng chảy giao thông, nghĩa là cứ người sau nhìn người trước mà đi, đèn xanh đèn đỏ có hay không cũng vậy. Có cảnh sát giao thông thì khác, không có thì khác.
Cứ xử lý thật nặng đi thì nó sẽ đâu vào đó. Cứ vi phạm là thu xe, không có chuyện xin xỏ, cả xe đạp là xe rẻ tiền nhất, người giầu đếm mấy đi chăng nữa, mất đến cái thứ hai, thứ ba là đâu vào đấy..chứ cái kiểu này không chỉ ở Hà Nội mà trên toàn Việt Nam còn chết rất nhiều.”
Vấn nạn lớn
Quí vị và các bạn vừa nghe ý kiến của một số cư dân ở Hà Nội và TPHCM về vấn đề giao thông ở Việt Nam hiện nay. Đã nhiều năm qua, tình trạng giao thông ở Việt Nam là một vấn nạn lớn. Có nhiều dự án, phương án cải tổ được thực hiện nhưng hình như cũng chẳng thấm vào đâu. Và những người dân nào có ý thức thì cũng đành ngậm ngùi chào thua, như lời ông Hoàng cho hay:
“Đi ra đường cứ như lôi cuốn vào dòng chảy giao thông, nghĩa là cứ người sau nhìn người trước mà đi, đèn xanh đèn đỏ có hay không cũng vậy. Có cảnh sát giao thông thì khác, không có thì khác.
Bản thân tôi đang đi thấy đèn đỏ dừng lại, ở đằng sau đi lên xém nữa tông vào tôi, thế mà còn bị chửi: “Cái ông già này sao đang đi còn đứng lại, sao không chạy luôn đi, dở hơi…có cảnh sát đâu mà đứng lại?” Tôi hết ý kiến luôn!”
Và đến bao giờ thì mới thực sự có giao thông an toàn? Câu hỏi này có lẽ chẳng có câu trả lời, phải không thưa quí vị và các bạn? Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị cùng các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Tình trạng song tịch, một vấn đề cần quan tâm
- Chơi hụi, họ ở Việt Nam
- Công ty dịch vụ xe ôm “Omo to taxi”
- Tình trạng thầy cô giáo bắt phạt học sinh ở Việt Nam hiện nay
- Ý kiến của người dân sau khi Việt Nam gia nhập WTO
- Hôn nhân “sống thử” của sinh viên Việt Nam ngày nay
- Nhóm bạn trẻ H.A.T. và các hoạt động từ thiện
- Những hạn chế về vấn đề học tiếng Anh ở Việt Nam
- Hợp đồng tiêu thụ nông sản không phải luôn luôn được nông dân và doanh nghiệp tôn trọng
- Trung tâm La Strada - nơi giúp đỡ nạn nhân bị buôn người ở Ba Lan
- Thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phức tạp và tốn kém
- Báo chí Việt Nam và chuyện bên lề cuộc thi Hoa hậu Thế giới
- Thực trạng trẻ em lang thang trên đường phố VN
- Bí mật đời tư phải được hiểu như thế nào trên phương diện luật pháp
- Việt Nam không chấp nhận hệ thống đa công đoàn
- Thiếu đồng bộ giữa trung ương và địa phương trong việc thực thi chính sách
- Sài Gòn dự định thu lệ phí xe gắn máy và xe hơi
- Những ưu tư của phụ huynh và nhà giáo trong việc dạy học sinh trước khi vào lớp Một
- Vai trò của Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng trước vụ xăng dỏm
- Xăng kém chất lượng tại Sàigòn, có tổ chức hay không?