Câu chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (tiếp theo)

0:00 / 0:00

Thy Nga, phóng viên đài RFA

"Không! tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa …"tiếng kêu đau thương của con tim, lập lại nhiều lần như chối từ, như để cố quên.

CD9NguyenAnh200.jpg
Hình bìa CD của Nguyễn Ánh 9.

“Buồn ơi, chào mi” qua giọng hát Anh Tú …

Nguyễn Ánh 9 cố gắng vùi lấp mối tình bằng cách lao đầu làm việc. Thời gian cũng giúp cho anh tìm quên lãng. Tại một phòng trà, Nguyễn Ánh 9 gặp gỡ cô nghệ sĩ nhảy thiết hài, là người nữ đầu tiên về môn này ở nước mình. Tính tình hiền lành của cô khiến chàng nhạc sĩ lang bạt cảm mến, và muốn tìm đến bến an bình.

“Gửi mùa Hạ cho hồn Thu lá úa Trao cuộc đời cho kiếp sống đi hoang Đêm tình yêu, nhịp bước võ vàng Anh gõ cửa tim, xin ngủ trọ một đêm …”

(trích bản “Đêm Tình yêu” của Nguyễn Ánh 9)

Khi ấy, với những nhạc bản nổi tiếng của mình, Nguyễn Ánh 9 đã có thể chứng minh với gia đình là sự quyết tâm đã đem lại điều mong muốn. Anh nhờ Mẹ năn nỉ với Bố cho trở lại gia đình, cũng như xin phép lấy vợ. Ông bố cũng xuôi lòng khi thấy con mình thành danh, được nhiều người hâm mộ. Và thế là chấm dứt 5 năm đi hoang, Nguyễn Ánh 9 lập gia đình vào năm 1965.

“Lối về” qua giọng hát Cẩm Vân …

Sau này, Nguyễn Ánh 9 có lần thuật lại là sau khi cha mất, ông tìm thấy trong góc tủ của cha những bản nhạc mà ông đã viết. Thì ra, tuy buộc đứa con phải rời khỏi nhà vì không chịu học hành, nhưng người cha vẫn âm thầm theo dõi bước đi của con.

Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, Nguyễn Ánh 9 vốn không thích đi đâu xa, và nghĩ rằng mình chỉ là một nhạc công, nên ở lại. Hoàn cảnh hồi đó như thế nào? ông thuật lại

“Lúc đó đi đàn thì phải có đàn. Lúc đó xài đàn Organ mà chúng tôi đâu có tiền mua đàn Org! Đã vậy, phải đi làm ở tỉnh chứ ở thành phố thì thời gian đó, chỉ có những đoàn ca nhạc của Nhà nước mà thôi. Chúng tôi lúc đó thì con cái còn nhỏ, không thể nào mà đi theo cha mẹ đi mấy cái tỉnh, không có thời giờ đi học. Chúng tôi phải về thành phố để cho các cháu đi học.”

Đi tỉnh, như Nguyễn Ánh 9 vừa nói, là đi diễn với đoàn văn nghệ của Duy Khánh cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng. Trở lại Saigon, vợ chồng ông xin làm tại Xa cảng miền Tây.

“ Ở bến xe, vợ tôi đi bán vé, tôi thì làm kiểm soát.”

Cũng may là Xa Cảng có đội văn nghệ phục vụ công nhân, thành ra ông vẫn nuôi dưỡng được tình yêu âm nhạc. Đến năm 1978 thì nghỉ làm tại Xa cảng. Sau đó, có lúc, ông mở lớp dạy dương cầm, xoay sở mọi cách để kiếm sống.

“ Khi mà có những tiệm ăn mở ra, rồi có ca nhạc phục vụ trong nhà hàng ăn thì tôi lại có được cái cơ hội đi đàn trở lại.”

Qua thập niên 90, tức là sau 16 năm không sáng tác được gì, Nguyễn Ánh 9 viết một số nhạc bản nữa như “Tình yêu đến trong giã từ”, “Cho người tình xa”, “Cô đơn”

“Cô đơn” qua giọng hát Trần Thu Hà …

“Cô đơn” nhạc bản mà Nguyễn Ánh 9 trân quý nhất, ông viết cho riêng mình, để nói lên nỗi đam mê âm nhạc của mình. Ông tâm sự rằng Không như mọi người nghĩ, “cô đơn” đây không phải là chuyện tình cảm giữa nam và nữ, mà là nỗi cô đơn trên đường nghệ thuật. Nhạc sĩ cần có người cảm nhận được tác phẩm của mình để thể hiện như ý. Ngược lại, ca sĩ cũng cần có người đệm đàn, sao cho trình bày được trọn vẹn để đưa tác phẩm nghệ thuật ấy đến với người nghe.

Chỉ sáng tác khi có cảm xúc vì thế, nhạc bản của ông không nhiều. Tuy nhiên, trong số khoảng 30 bài, rất nhiều nhạc bản được người nghe, từ thế hệ trước tới ngày nay, yêu thích.

“Tình khúc chiều mưa” …

Nguyễn Ánh 9 cũng tham gia một số chương trình hòa tấu, các đêm nhạc, và được mời viết nhạc nền cho các phim “Mảnh tình nghiệt ngã”, “Mênh mông tình buồn”. Về cuộc sống gia đình, ông tâm sự:

“Tôi biết rằng trong cái niềm đam mê âm nhạc của tôi, nhiều khi mình cũng bỏ bê quên vợ con đi. Tôi ví tôi như là cái con thuyền, rời bỏ bến sông đi ra chơi cùng biển rộng. Đến khi bị sóng gió vùi dập, mới trở về lại bến xưa thì bến vẫn mong chờ, vợ tôi vẫn thương yêu tôi, và tất cả những cái lỗi của tôi, đều bỏ qua hết.

Khi mà tôi hiểu ra được những điều đó thì vợ tôi nhận những lời xin lỗi đó. Và 42 năm sau - chúng tôi lấy nhau được 42 năm rồi - chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau những vui buồn. Tôi nghĩ rằng khi chúng tôi được hạnh phúc như thế đó, có nghĩa rằng chúng tôi tin yêu lẫn nhau, và biết nhường nhịn nhau.”

Tới năm 2001, sau hàng bốn chục năm, đêm đêm đi đánh đàn, Nguyễn Ánh 9 có ý định giải nghệ, ông nghỉ để thời giờ đi thăm bạn bè trong nước và ở bên Mỹ. Kỷ niệm từ các chuyến đi ấy, ông nói

“Rất nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất là gặp được một số anh em nghệ sĩ cũ, rồi một số anh em nghệ sĩ mới, lớp trẻ bây giờ, và đồng thời, tôi được gặp mặt những người đã yêu thích dòng nhạc Nguyễn Ánh 9. Tôi rất cảm động.

Lòng yêu mến của bạn bè, của khán giả. Có nhiều người nói “Tôi nghe nhạc của anh nhiều lắm mà bây giờ, mới biết mặt anh!” Thật ra thì người nhạc sĩ sáng tác, ít khi được người ta biết mặt, chỉ biết tên thôi.”

Nhưng rồi … nhớ cảnh trình diễn quá, ông phải trở lại đàn. Dạo này thì người ta thấy ông mở phòng trà. Ông kể là mặc dù lỗ, phải đắp tiền từ việc đánh đàn ở các nơi khác nhưng được cái là vui, có chỗ diễn cho riêng mình.

“Sinh hoạt hiện nay của tôi là vẫn đi đàn mỗi đêm tại khách sạn Sofitel từ 6 giờ đến 8 giờ. Xong rồi qua chỗ Phòng trà “Tiếng dương cầm” của tôi. Là để có cái chỗ mà chơi nhạc, loại nhạc tiền chiến. Có cái điểm để gặp gỡ bạn bè. Một cái phòng trà nho nhỏ thôi! Tôi gọi đó là Phòng trà “Tiếng dương cầm” vì tôi là một nhạc sĩ đàn dương cầm mà.

Ngoài tôi ra, thì có ban nhạc gồm những người bạn nhạc công hồi xưa cùng làm chung với tôi, thì bây giờ họ đi làm lại với tôi. Ca sĩ thì không phải các ca sĩ “sao” đâu! Phòng trà nhỏ mà. Chỉ có những ca sĩ bình thường, và tôi sử dụng những ca sĩ trẻ, vừa đi học vừa đi làm. Họ cũng muốn có cái thu nhập để mà tiếp tục đi học.”

“Tiếng hát lạc loài” …

“Tiếng hát lạc loài” thâu từ một buổi trình diễn trong dịp ra hải ngoại, do chính tác giả Nguyễn Ánh 9 đàn và hát. “Tiếng hát lạc loài” kết thúc chương trình về người nhạc sĩ này … Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả …