Tình ca Nguyễn Văn Đông (phần 1)
2006.12.10
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Quý vị đang nghe bài “Chiều mưa biên giới” nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Văn Đông, qua giọng hát Hà Thanh, ca sĩ trình bày nhạc Nguyễn Văn Đông hay nhất …
Chương trình kỳ này, Thy Nga mời quý thính giả đến với người nhạc sĩ ấy và những ca khúc đậm tình nước, tình người do ông viết nên. Sau ba chục năm ẩn dật, Nguyễn Văn Đông mới lên tiếng, trả lời các câu hỏi của giới nghệ sĩ từ hải ngoại về thăm.
“Vô thường” …
Những người ái mộ nhạc Nguyễn Văn Đông chẳng quên người nhạc sĩ này đâu, nhưng tôn trọng ý ông muốn “gác kiếm” rời xa mọi sự.
Vừa qua, một thính giả RFA là cựu quân nhân miền Nam đã viết đến mục “Thư tín” và yêu cầu được nghe bản “Giờ này, anh ở đâu”.
Bài hát chứa chất nỗi niềm của người binh sĩ nhớ thương về những đồng đội cùng chia gian khổ với mình khi xưa, giờ này không biết phiêu bạt nơi nào, nếu chưa yên nghỉ dưới lòng đất mẹ. Binh lính miền Nam là thành phần gánh chịu thiệt thòi nhất từ cuộc chiến đó.
Ca khúc “Giờ này, anh ở đâu” khơi lại cảm xúc, và Thy Nga tìm cách liên lạc với một người trong hoàn cảnh ấy, là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
“Tôi từ thành phố Saigon xin gởi lời chào trân trọng đến quý vị thính giả của Đài. Tôi xin cám ơn chị Thy Nga đã quan tâm đến hoàn cảnh của tôi hiện nay ở Việt Nam..
Thưa Chị, cuộc sống của tôi và gia đình tôi hiện nay được ổn định nhưng riêng về mặt sinh hoạt văn nghệ thì tôi không còn hoạt động tích cực như trước năm 1975, một phần cũng vì tuổi cao sức yếu, thiếu tiếp cận với xã hội hiện nay nên cảm xúc của mình bị khô cứng, đánh mất sự rung cảm của một thời đã qua vì vậy, tôi không còn hào hứng cho việc sáng tác như trước 1975.
Từ sau ngày đi học tập cải tạo trở về vào cuối năm 84, đầu năm 85, sức khỏe của tôi lúc đó bị suy kiệt, tinh thần và thể xác bị sụp đổ, mang nhiều thứ bịnh trong thời gian ở trại cải tạo. Và trong 10 năm cho tới 1995, tôi đi nằm điều trị ở nhiều bệnh viện trong thành phố Saigon.
Sau thời gian đó, tôi mới đi đứng được, và bỏ đi cặp nạng nhưng mà trong tình trạng sức khỏe đó thì tôi cũng chỉ có thể giúp đỡ được công việc gia đình mà thôi. Kinh tế gia đình và cuộc sống của chúng tôi là nhờ vào cửa tiệm buôn bán chạp phô do vợ tôi mở ra tại nhà.
Không tìm lại được cảm hứng để sáng tác như trước nên tôi ngừng tham gia văn nghệ, chú tâm lo việc phụ giúp cho gia đình.”
Thy Nga: Anh không sáng tác được gì nhiều nhưng chắc là cũng có vài nhạc bản ra đời sau khi đi cải tạo về?
Nguyễn Văn Đông: Tôi có viết chừng 5, 6 bài gì đó, vô thưởng vô phạt, đại khái như cái bài “Tình đầu xót xa” nhưng mà cái tên của tôi, tên Nguyễn Văn Đông, lại không được cho phép trình diễn trên đài phát thanh cũng như trên TV.
“Về mái nhà xưa” qua giọng hát Thái Thanh …
Trở ngược giòng thời gian, vào năm 1946 khi 14 tuổi, Nguyễn Văn Đông vào trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nơi mà cậu có cơ hội học nhạc từ các giáo sư Pháp. Có lẽ do đó mà nét nhạc Nguyễn Văn Đông mang sắc thái là lạ, hay hay. Bắt đầu viết nhạc từ năm 16 tuổi, ông là tác giả nhiều tình ca và nhiều bản nhạc lính.
Có những người viết nhạc lính nhưng Nguyễn Văn Đông đặc biệt ở chỗ ông là sĩ quan tác chiến, các nhạc bản như “Phiên gác đêm Xuân”, “Chiều mưa biên giới”, ông viết khi nghỉ chân. …
“Phiên gác đêm Xuân” Thế Sơn hát. Nhạc bản này, Nguyễn Văn Đông viết tại phiên gác ở tiền đồn chiến khu Đồng Tháp Mười vào đêm Giao thừa năm 1956.
Cùng năm ấy, cũng trong vùng Đồng Tháp, “Chiều mưa biên giới” ra đời, và nổi tiếng qua sự trình bày của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, hát hai thứ tiếng Việt và Pháp trong hợp đồng thâu thanh với hãng dĩa của Pháp, là sự việc mà đến khi đó chưa hề có.
Tuy ra chiến trường nhưng Nguyễn Văn Đông lại rất tình cảm như ông thổ lộ trong một buổi chuyện trò với nghệ sĩ Trường Kỳ, rằng cầm súng là do nghịch cảnh chứ một con chim, ông cũng không nỡ bắn.
“Sắc hoa màu nhớ” ghi lại một mối tình học trò, Thanh Tuyền hát …
Ngoài tài sáng tác nhạc, Nguyễn Văn Đông còn hát và sử dụng được nhiều nhạc cụ như kèn, trống, mandoline và guitare Hawaiienne. Năm 57, Nguyễn Văn Đông đi tu nghiệp khóa “Chỉ huy và Tham mưu” tại Hawaii. Trên bãi biển thơ mộng, tiếng đàn Hawaiienne của chàng Trung úy tài hoa 25 tuổi đã làm say mê Gina, một thiếu nữ bản xứ lai Pháp.
Cuộc tình ấy, anh ta đành khép lại khi mãn khóa tu nghiệp, trở về nước. Thời đó, tức là cách nay nửa thế kỷ, kết hôn với người ngoại quốc là điều khó khăn lắm, anh chỉ còn biết tiếc nhớ …
Một buổi chiều Xuân năm sau đó, khi nỗi nhớ chất ngất, chàng nhạc sĩ viết nên bài “Nhớ một chiều Xuân” mời quý vị nghe qua giọng hát Lệ Thanh, ca sĩ đầu tiên trình bày bài này. Đây là âm thanh trong dĩa hát Việt Nam thâu vào khoảng thập niên 60.
“Nhớ một chiều Xuân” …
Câu hát “Người yêu dấu bên bờ thành Vienne” làm nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao lại có thành Vienne ở đó? Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã hỏi và được tác giả Nguyễn Văn Đông giải thích là hình ảnh của Gina trong tâm tưởng ông đã gắn liền với nhạc bản “A beautiful Vienna” mà ông đàn nhiều lần cho nàng nghe vì nàng thích bài này …
Đến đây, Thy Nga xin tạm dừng, mời quý vị nghe tiếp phần sau vào kỳ tới.
Theo dòng câu chuyện:
- Tình ca Nguyễn Văn Đông (phần 2)
Những bài liên quan
- Roni, “ca sĩ học trò” gốc Việt nơi phương trời Bắc Âu
- Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong và công cuộc giới thiệu nhạc dân tộc Việt Nam với thế giới
- Đón mừng lễ Tạ Ơn
- Hà Trần với Album “Đối thoại 06”
- Tản mạn về “Nhạc sến, nhạc sang” (phần 2)
- Tản mạn về “Nhạc sến, nhạc sang” (phần 1)
- Chuyện trò với ca sĩ Anh Dũng
- Nhạc sĩ Văn Cao: “Trương Chi” thời cuối thế kỷ 20?
- Nhạc sĩ Văn Cao và những tuyệt tác