Trịnh Hưng và các nhạc bản đượm tình quê hương


2006.07.24

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Trong những buổi sinh hoạt của người Việt các nơi, có lẽ bài “Tôi yêu” là ca khúc dễ thương, và dễ hát để mọi người cùng hát lên với nhau cho vui. Nhạc bản này, tác giả là Trịnh Hưng, nhạc sĩ kỳ cựu và nổi tiếng về những bài mang âm điệu dân ca. Trong câu chuyện trao đổi với Thy Nga, ông nói lý do vì sao hay sáng tác theo thể loại ấy, rất giản dị.

thonlang200.jpg
Cổng làng thôn quê Việt Nam. Photo courtesy of wikipedia

Câu trả lời gọn ấy cho thấy rõ tấm lòng của ông dành cho quê hương. Năm nay đã 76 tuổi nhưng giọng nói của ông vẫn sang sảng như quý vị nghe đó, từ bên kia đường dây điện thoại viễn liên từ Créteil, ngoại vi Paris bên Pháp.

Trịnh Hưng chào đời năm 1930 tại Hà Nội. 15 tuổi đã theo kháng chiến chống thực dân Pháp, làm đội phó văn công Trung đoàn Thăng Long và bắt đầu sáng tác từ năm 1950.

Trịnh Hưng là tên thật của người nhạc sĩ này, nghĩa là do cha mẹ đặt, chứ không phải như trong giấy tờ là Nguyễn Văn Hưng, cái tên do hoàn cảnh mà có, ông thuật lại: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Rời bỏ hàng ngũ Cộng sản vào năm 53 về Hà Nội, và ngay trong năm này, di cư vào Nam. Miền đất tự do chan hòa nắng ấm gây cảm hứng cho Trịnh Hưng viết lên những nhạc bản ca ngợi cuộc sống an bình, nhất là về dân tình đôn hậu. “Lối về xóm nhỏ” Elvis Phương hát với Kiều Nga …

Từ năm 1954, Trịnh Hưng mở lớp tại đường Cao Thắng, Saigon dạy đàn, sáng tác, và luyện giọng. Trong số những học trò của ông có các nhạc sĩ Đỗ Lễ, Phạm Thế Mỹ, Trúc Phương, ca sĩ thì có Ánh Tuyết (thời trước), Bạch Yến, Thanh Thúy, …

Kế đến, là các nhạc bản “Tình thắm duyên quê”, “Tiếng ca dân lành”, … đều với nhạc và lời mộc mạc, trong sáng, rào rạt niềm vui, chan chứa tin yêu nên được mọi người đón nhận một cách nhiệt tình.

“Lúa mùa duyên thắm” … do đôi nghệ sĩ Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết trình bày

“Trăng soi duyên lành” Quốc Đạt hát …

Kẹt lại sau biến cố 30-tháng Tư 1975, Trịnh Hưng dạy nhạc kiếm sống nhưng rồi … người con trai lớn của ông

Thấy con bị chết, Trịnh Hưng uất ức, viết ca khúc chống đối chế độ. Hậu quả là cái án 8 năm cải tạo. Trong tù, Trịnh Hưng ghi lại những hoàn cảnh chung quanh mình thành các bài thơ. Năm 1990, ra khỏi nhà tù Cộng sản. 9 tháng sau đó thì ông qua Pháp theo sự bảo lãnh của con gái.

“Saigòn ơi, xa em rồi” qua giọng hát Tấn Đạt …

Ở Pháp, theo ông nói thì môi trường cho nghệ sĩ Việt Nam không mở rộng cho lắm.

“Lối về xóm nhỏ” …

Năm 2000 trở lại thăm quê hương, ông có dịp gặp lại bạn cũ như các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Y Vũ, các nhà thơ Yên Thao, Hữu Loan, gia đình cố thi sĩ Quang Dũng, … ở ngoài Bắc. Trong Nam thì gặp lại các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, Châu Kỳ, Khánh Băng, Huyền Linh, v.v …

Các lần kế tiếp trở lại Việt Nam vào năm 2002 và 2005, ông ghi nhận về xã hội và cuộc sống người dân trong nước: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trở sang Pháp, Trịnh Hưng thuật lại những mẩu chuyện đó trên báo. Những giai thoại về các nghệ sĩ cùng thời với ông, tình cảnh đưa đến sự ra đời các tác phẩm nổi tiếng thì ông chia xẻ với độc giả trên các tạp chí văn nghệ.

Tháng 10 năm 2003, Trịnh Hưng ra mắt CD “Tôi yêu” trong buổi do Thư viện Diên Hồng tại Pháp tổ chức để vinh danh ông. Đây là lần đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) ông thâu âm ghi lại các nhạc bản của mình.

Tháng 11 năm sau đó thì “Hội thơ tài tử” tại Bắc California mời ông sang Hoa Kỳ. Trong 3 tháng lưu lại đất Mỹ, ông được báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tại Bắc và Nam California phỏng vấn liên miên. Và đông đảo đồng hương đến ủng hộ các buổi vinh danh người nhạc sĩ lão thành đến từ Âu châu.

Về buổi tổ chức tại Hội quán Trùng Dương ở Quận Cam, ông kể lại: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Ngoài nhạc, Trịnh Hưng còn có tài hí họa (vẽ Caricature) và làm thơ. Trong số hơn chục bài thơ của ông, bài được nhiều người biết đến, là bài “Một mình” viết trong hoàn cảnh như sau:

“Một mình uống, một mình ăn một mình một chiếu, một chăn một giường một mình nhớ một mình thương một mình thao thức đêm trường năm canh …

Một mình lắm lúc ngồi ì Hai mình có phải diệu kỳ hơn không?”

( trích bài thơ “Một mình” )

Bài thơ ngồ ngộ này được trình bày trong buổi vinh danh nhạc sĩ Trịnh Hưng tổ chức tại San Jose trong dịp ông sang Hoa Kỳ. Ca sĩ Thu Hà cho biết hôm đó, chị ngâm bài thơ “Một mình” theo lối Ca trù, rồi hát nhạc bản do Tuấn Khanh phổ.

Một mình là cuộc sống của nhạc sĩ Trịnh Hưng từ hơn bốn mươi năm nay, sau khi hôn nhân đổ vỡ. Nhạc bản “Tìm quên” bài tình ca duy nhất mà ông viết, Trường Lam hát sau đây để kết thúc chương trình về nhạc sĩ Trịnh Hưng … chào tạm biệt quý vị …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.