Bùi Diễm, RFA
Tình hình chính trường quốc tế đang có nhiều biến chuyển hàng ngày, tuy nhiên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice vẫn giữ nguyên lịch trình chuyến công du đã được dự trù, và sẽ đến thăm một số nước Đông A, trong đó có Việt Nam, vào cuối tháng này. Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ về tầm mức quan trọng có thể có được của cuộc viếng thăm này.

Hiện tình quan hệ Mỹ-Việt
RFA: Tuần trước, Bộ Ngoại Giao Mỹ có loan báo là bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice, sẽ ghé thăm Việt Nam vào cuối tháng 7 tới đây, ông vui lòng cho biết bối cảnh của cuộc viếng thăm này.
Ô. Bùi Diễm: Thưa, nếu không có chuyện gì bất ngờ xẩy ra vào phút chót, thì đúng như vậy, bà Rice sẽ ghé thăm Việt Nam trên chặng đường cuối cùng của một chuyến công du viếng thăm một số nước Đông Á. Tôi có nói đến trường hợp phút chót vì phải dự phòng những chuyện bất ngờ. Lúc này trên chính trường quốc tế biến chuyển xẩy ra hàng ngày.
Ngay trong cuối tuần vừa qua, có cuộc họp thượng đỉnh quan trọng G8 ở Nga với sự tham dự của hầu hết những nhân vật lãnh đạo các nước lớn, rồi những buổi họp và quyết nghị tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề Bắc Hàn và đặc biệt hơn cả là tình trạng khủng hoảng ở Trung Đông với nguy cơ chiến tranh có thể lan rộng tại vùng này.
Trong bối cảnh phức tạp này của tình hình quốc tế, viễn tượng chuyến viếng thăm Việt Nam của bà Rice tuy nhiên cũng có tầm quan trọng riêng biệt nếu được đặt vào khung cảnh đang tiến triển của mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
RFA: Gần đây, người ta đã được thấy Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ, ông Denis Hastert và sau đó Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld viếng thăm Việt Nam, nay lại đến lượt bà Rice, phải chăng đây là ý muốn của cả hai bên, Mỹ và Việt, nhằm hâm nóng mối quan hệ song phương giữa hai nước?
Ô. Bùi Diễm: Trước hết, phải nói ngay là không phải bà Rice chỉ đến thăm có Việt Nam trong chuyến công du sắp tới. Theo lịch trình đã được dự trù từ trước, bà sẽ đến thăm Nhật Bản vào đầu tuần tới, sau đó là Trung Quốc và Nam Hàn, ở mỗi nơi 2 ngày. Rồi sau đó bà sẽ tới Malaysia để dự buổi họp thứ 13 của Diễn Đàn Vùng (Asean Regional Forum) của Hiệp Hội các nước Đông Nam A, và chặng chót của chuyến công du là Việt Nam trong những ngày cuối tuần 28 và 29 tháng 7.
Trọng tâm của cả chuyến công du là vai trò của Mỹ trong toàn vùng Thái Bình Dương nhưng đây là lần đầu tiên bà đến Việt Nam với tư cách là Ngoại Trưởng và cũng là lần đầu tiên bà có dịp tiếp xúc với giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam (người ta nhớ rằng hồi năm ngoái khi Thủ Tướng Việt Nam, ông Phan Văn Khải, đến Hoa Thịnh Đốn thì những ngày đó bà không có mặt ở thủ đô Mỹ).
Bà Rice là người thân tín vào bậc nhất của ông Bush và vì vậy những điều bà thâu thập được qua các cuộc tiếp xúc với nhà cầm quyền Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Mục đích chuyến viếng thăm?
RFA: Theo ông Lê Văn Bàng, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam trong lời tuyên bố với báo Tuổi Trẻ, thì Việt Nam hoan nghênh trong tinh thần thân hữu chuyến viếng thăm của bà Rice, nhưng nội dung những vấn đề sẽ được mang ra thảo luận sẽ gồm những lãnh vực nào?
Ô. Bùi Diễm: Về mặt nội dung thì chuyến viếng thăm của bà Rice phải được coi trước hết là để sửa soạn cho chuyến viếng thăm của Tổng Thống George W. Bush vào tháng 11 sắp tới khi ông đến dự Hội Nghị APEC do Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Nhưng ngoài tính cách lót đường và sửa soạn của chuyến viếng thăm, giới quan sát quốc tế nghĩ rằng Việt Nam không nên quên bà Rice là người thân tín vào bậc nhất của ông Bush và cảm tưởng cũng như những kinh nghiệm mà bà sẽ thâu thập được sau khi đã tiếp xúc với nhà cầm quyền Việt Nam thể nào cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa hai nước.
RFA: Mỹ và Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán về WTO (Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới) cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam chỉ còn đợi Quốc Hội Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Về lãnh vực kinh tế thì như thế có thể được coi là tạm ổn. Nhưng còn những lãnh vực khác thì sao?
Ô. Bùi Diễm: Trước hết, về vấn đề PNTR, hiện nay giới quan sát quốc tế vẫn còn thận trọng. Tại Thượng Viện, người ta đã thấy có cuộc điều trần tại Ủy Ban Tài Chính, nhưng cho đến nay người ta chưa thấy Hạ Viện định ngày để mở cuộc điều trần trong khi đó thì đến cuối tuần ngày 4 tháng 8 thì cả Quốc Hội lại đi nghỉ và đến đầu tháng 9 mới họp lại.
Vào những ngày đó thì chỉ còn có ít ngày để giải quyết những vấn đề không mang tính cách quan trọng vì các Nghị Sĩ và Dân Biểu phải trở về đơn vị để sửa soạn cho cuộc bầu cử đầu tháng 11, do đó mà vấn đề Quốc Hội thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn phải gặp may mới giải quyết được trước ngày ông Bush đi dự Hội Nghị APEC.
Mối quan hệ chiến lược
RFA: Dầu có phải bị chậm lại chăng nữa thì trong lãnh vực kinh tế thương mại vấn đề WTO không còn là một trở ngại trong mối quan hệ giữa hai nước nữa, phải chăng trong bầu không khí thuận lợi đó, hai bên có thể bắt đầu đề cập đến những vấn đề chiến lược?
Ô. Bùi Diễm: Theo tôi thiển nghĩ thì lúc này cả hai bên đều thận trọng trong lãnh vực này. Một mặt, đối với Mỹ mối quan hệ phức tạp và đa phương với Trung Quốc có tầm quan trọng vượt lên trên tất cả những toan tính khác.
Bạn nghĩ gì về ý nghĩa chuyến viếng thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org
Không những về mặt kinh tế và thương mại, Mỹ còn cần đến sự tiếp tay của Trung Quốc để giải quyết những vấn đề khó khăn ở Iran và Bắc Hàn, do đó mà tình trạng ổn định cần phải được duy trì, và mặc dầu bị nhiều áp lực của những khuynh hướng diều hâu trong nội bộ, Mỹ không muốn Trung Quốc có cảm tưởng là Mỹ chủ trương bao vây Trung Quốc bằng cách gây ảnh hưởng ở Việt Nam.
Một mặt khác, Việt Nam có lẽ cũng không muốn làm mếch lòng nước bạn đàn anh bằng cách sáp gần Mỹ một cách lộ liễu. Bà Rice lúc này đang bị tràn ngập bởi những vấn đề lớn trên chính trường quốc tế, như dập tắt được nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông, thuyết phục được Iran và Bắc Hàn từ bỏ tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm Việt Nam sắp tới, được sự tín nhiệm hoàn toàn của ông Bush, người ta nghĩ là bà Rice sẽ đủ khôn ngoan để vừa sửa soạn cho chuyến viếng thăm của ông Bush, giữ vững được vai trò chiến lược của Mỹ trong toàn vùng Thái Bình Dương, và vừa thăm dò khả năng của Việt Nam qua thế đứng của Việt Nam trong khối các quốc gia Đông Nam Á.