Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Nhân dịp Hạ Viện Liên Bang Hoa Kỳ tổ chức điều trần về tình trạng nhân quyền Việt Nam, Dân Biểu Ed Royce, một thành viên của Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Mỹ đã dành cho Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn ngắn về mối quan hệ Mỹ-Việt và những quan tâm của ông với vấn đề Việt Nam.

Ủng hộ Tự Do, Dân chủ
Nguyễn Khanh: cách đây chẳng bao lâu, ông Dân Biểu có gặp Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết của Việt Nam. Trong buổi gặp gỡ đó, ông Dân Biểu đã trình bày những gì với người lãnh đạo nhà nước Việt Nam?
Dân biểu Ed Royce: trong buổi gặp gỡ với Chủ Tịch Nước Việt Nam, hầu hết các nhà dân cử Mỹ chúng tôi đã lên tiếng trình bày quan điểm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là tình hình tự do tôn giáo, chẳng hạn như chính sách nhà nước áp dụng với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Một đề tài khác cũng được chúng tôi nói đến là hiện giờ Việt Nam vẫn chưa có tự do chính trị, người dân chưa có tự do bày tỏ quan điểm, chưa có tự do theo dõi thông tin trên mạng, những người trẻ Việt Nam khi vào các quán café internet vẫn bị theo dõi, vẫn phải đăng ký.
Ðó là những điểm chúng tôi thấy cần phải đặt ra với người lãnh đạo Việt Nam, và chúng tôi đã trình bày thẳng thắn với ông Chủ Tịch Triết.
Chúng tôi đón ông Chủ Tịch Nước Việt Nam ngay tại trụ sở Quốc Hội Liên Bang, ở tòa nhà được trang trí bởi một danh họa người Ý hồi năm 1855. Lúc đó, nhà danh họa này nghĩ rằng ông đang góp phần cho quốc gia duy nhất trên mặt địa cầu mà người dân có được tự do.
Từ đó đến giờ, tư tưởng dân chủ, tự do được phổ biến khắp nơi, đến với tất cả mọi người. Trách nhiệm của chúng tôi, của những dân cử Mỹ là phải cổ võ cho tự do và nhân quyền. Ðó cũng là lý do tại sao chúng tôi quyết định mở cuộc điều trần về nhân quyền ở Việt Nam, nơi mà ngày hôm nay, người dân chưa thật sự được hưởng các quyền căn bản. Ðó cũng là những gì chúng tôi đã trình bày với ông Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết.
Các tiêu chuẩn Nhân quyền
Nguyễn Khanh: Chính phủ Hà Nội nói rằng tiêu chuẩn nhân quyền Mỹ không hẳn đã là tiêu chuẩn nhân quyền của Việt Nam. Ông Dân Biểu nghĩ sao về điều này?
Dân biểu Ed Royce: Nhân quyền ở Hoa Kỳ là gì? Ở Mỹ, người dân có quyền tự do thờ phượng, có quyền tự do theo bất kỳ tôn giáo nào phù hợp với họ, và các cơ sở tôn giáo không phải đi qua những thủ tục như đăng ký, xin giấy phép hoạt động, nhà nước không can dự vào việc các giáo hội sẽ phong chức cho ai, đặt điều kiện nghi thức thờ phượng phải như thế nào.
Khác biệt với Việt Nam ở điểm nào? Khi sang thăm Việt Nam, tôi có cơ hội nói chuyện trực tiếp với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ và ông Lê Quang Liêm, và câu hỏi tôi đặt ra với hai vị này là nhà nước can thiệp vào hoạt động tôn giáo ra sao. Cả hai vị đều cho tôi biết thay vì cho người dân được hưởng quyền tự do tín ngưỡng nhà nước tìm cách lung lạc mọi hoạt động của tôn giáo.
Một thí dụ khác nữa là tại Hoa Kỳ, người dân được quyền chọn lựa tín ngưỡng mà họ tin, đọc những quyển sách của tôn giáo mà họ thờ phụng, nhà nước không can thiệp, không viết lại, không sửa đổi kinh sách, không quyết định ai là người sẽ lãnh đạo giáo hội, và không hề có chuyện đặt các vị lãnh đạo tôn giáo trong danh sách cấm hoạt động, để rồi bắt giữ họ bất kỳ lúc nào nhà nước muốn.
Một quyền khác là quyền tự do bày tỏ quan điểm. Ở Mỹ, mọi người được quyền tự do vào mạng internet, được tự do chia sẻ tin tức, quan điểm với bạn bè, với những người đồng trang lứa với mình, và có quyền đưa ra quan điểm chính trị, kinh tế. Ðiều này không có ở Việt Nam. Quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do phát biểu không có tại Việt Nam.
Khi một chính phủ không tôn trọng các quyền căn bản của người dân, thì quốc gia đó có một hệ thống chẳng phải chỉ khác với nước Mỹ, mà khác với tất cả những nước dân chủ khác trên địa bàn toàn cầu. Tất cả mọi người đều biết trong những năm qua, hành trình đi đến dân chủ đã đạt được những thành quả vĩ đại ở mọi nơi, nhưng ở một vài chỗ, chế độ độc tài vẫn thắng thế, nhân phẩm vẫn chưa được tôn trọng đúng mức. Và tôi tin trách nhiệm của mọi người là phải cất tiếng nói bênh vực cho những người không may.
Tôi làm điều này vì tôi đã nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai. Tôi đã đến tận Việt Nam để gặp những nhà tranh đấu, gặp những người bị cầm tù. Tôi biết vẫn còn nhiều thử thách, nhưng tôi hy vọng thế hệ kế tiếp, những người trẻ Việt Nam sẽ được hưởng những quyền mà họ phải được hưởng.
Tôi cũng biết ngay chính ở nước Mỹ, thể hiện nhân quyền không phải là điều dễ làm. Lịch sử ghi lại nước Mỹ từng có nô lệ, và cuộc chiến Nam-Bắc xảy ra cũng chỉ vì lý tưởng phải cho mọi người được tự do và bình đẳng. Sau đó, đến việc phải cho phụ nữ được quyền bỏ phiếu, phải bảo vệ nữ quyền, phụ nữ phải được quyền tham gia sinh hoạt chính trị, được quyền bày tỏ chính kiến. Từng bước một, nước Mỹ và cả thế giới đã thay đổi. Ðiều chúng ta đang thấy là Việt Nam vẫn chưa thay đổi, tự do cá nhân vẫn chưa có.
Hợp tác để xây dựng
Nguyễn Khanh: Các viên chức hành pháp nói với tôi rằng để giúp Việt Nam thay đổi, chiến lược "hợp tác để xây dựng" là điều cần phải làm. Ông Dân Biểu có đồng ý với điều đó không?
Dân biểu Ed Royce: Tôi đồng ý với chiến lược đó. Nhưng tôi nghĩ hợp tác có nghĩa là phải thẳng thắn nói lên sự thật, chứ không có nghĩa là bỏ qua những gì đang xảy ra.
Không phải vì chiến lược hợp tác mà quên đi những khó khăn nhà cầm quyền Việt Nam đang gây nên cho những nhà tranh đấu trẻ, cho những vị lãnh đạo các tôn giáo, hay dành bản án 5 năm, 7 năm tù cho những người sử dụng internet để chia sẻ quan điểm chính trị.
Tôi không chấp nhận hợp tác kiểu đó, và không thể ngồi yên nhìn nhân quyền bị đàn áp như thế.
Ðiều mà chính phủ Việt Nam đang làm là thí dụ rõ rệt nhất cho thấy ở những chế độ chuyên chế, người dân không được quyền cất tiếng nói để bày tỏ quan điểm của họ.
Nguyễn Khanh: Chắc ông Dân Biểu cũng có sách lược, hay chiến lược mà ông muốn áp dụng với Việt Nam, để Chính Phủ Việt Nam tôn trọng quyền của người dân. Ông Dân Biểu có thể chia sẻ suy nghĩ riêng của mình với chúng tôi không?
Dân biểu Ed Royce: Theo tôi, điều đầu tiên là tiếp tục những cuộc thảo luận nhân quyền ở cấp quốc tế cũng như song phương mà Chính Phủ Hoa Kỳ đang làm với Việt Nam.
Tôi cũng muốn thấy chương trình của Ðài Châu Á Tự Do được phổ biến ở Việt Nam, để người dân biết rõ những gì đang xảy ra trên toàn thế giới, và quan trọng hơn nữa là biết được những gì đang xảy ra ở Việt Nam mà họ không được những cơ quan truyền thông nhà nước cho biết. Tôi coi thông tin là một yếu tố rất quan trọng, giúp người dân thay đổi tư duy, mở rộng kiến thức.
Tôi có thể đơn cử một vài thí dụ như ở Ba Lan, ở Cộng Hòa Tiệp, ở Hung, tôi đã có dịp nói chuyện với người dân các nước này và họ cho tôi biết rằng sau khi Ðài Châu Âu Tự Do hoạt động, họ đặt câu hỏi là tại sao cần phải có tự do, và họ đòi hỏi được tự do. Một số người trong nhóm này sau đó đã trở thành những tiếng nói tiêu biểu, đại diện cho công đoàn, và hiện giờ, họ là những nhà lãnh đạo chính phủ, thương mại.
Người dân Ðông Âu ngày nay sống hạnh phúc hơn thời quốc gia họ đang bị cai trị bởi chế độ cộng sản. Xã hội phải tiến hóa, và nếu muốn tiến hóa, người dân phải được nghe quan điểm của người khác.
Nguyễn Khanh: Hà Nội thường nói rằng Quốc Hội Mỹ, trong đó có những vị dân cử, xin lỗi như ông Ed Royce chẳng hạn, là những người chỉ gây trở ngại cho quan hệ song phương, chỉ muốn gây rối, không có cái nhìn đúng về Việt Nam và muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam. Ông Dân Biểu có ý kiến gì về lời chỉ trích này của Hà Nội không?
Dân biểu Ed Royce: Như tôi đã trình bày ngay lúc đầu, đã từng có lúc nước Mỹ là nước duy nhất trên thế giới người dân có tự do. Sau cuộc nội chiến, nước Mỹ đã trở thành biểu tượng của tự do toàn cầu, là ước mơ dân chủ của người dân toàn thế giới.
Chúng tôi không hề muốn người dân các nước khác thực hiện dân chủ kiểu Mỹ, chúng tôi mong họ tìm thấy được con đường dân chủ hay nhất cho họ, để mọi người đều có được tự do như người Mỹ chúng tôi đang có tự do. Người dân Mỹ quan tâm đến lý tưởng tự do, coi đó là điều hữu lý, quan tâm đến nhân phẩm, quan tâm đến điều mà mọi người đều tin rằng thế hệ con cháu phải được hưởng nhiều hơn những gì họ đang có.
Chúng tôi vững tin rằng chúng tôi có trách nhiệm phải lên tiếng, khi chúng tôi thấy vẫn còn những người đang sống không có tự do, chúng tôi cũng nhìn thấy những người đang trong tuyệt vọng vì can đảm cất lên tiếng đòi hỏi phải được tự do hơn những gì họ đang được chính quyền ban phát. Chúng tôi chỉ đòi hỏi một điều thật giản đơn, là cho mọi người được quyền bày tỏ quan điểm, bày tỏ niềm mơ ước, được quyền thu thập ý kiến, tư tưởng, để đời sống của mọi người được thăng hoa.
Tôi không tin những điều chúng tôi đang làm là những hành động gây rối. Ngược lại, chúng tôi đang đặt nền móng cho hy vọng, để các thế hệ tương lai được hưởng những điều thật căn bản, như quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do quyết định đời sống của họ và đời sống của con cháu họ. Những điều đó gắn liền với đời sống của từng con người.
Là con người có nghĩa là phải được sống tự do, chứ không phải là bị kiểm soát. Cá nhân tôi cũng là một con người, và mỗi khi có cơ hội, tôi được quyền bày tỏ quan điểm của mình, sẵn sàng lên tiếng đòi hỏi phải có thay đổi để mọi người đều được bình đẳng. Và tôi thực hiện điều này qua buổi điều trần nói về tình trạng nhân quyền Việt Nam.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Dân Biểu.