Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Trong công điện ngày 10/11 gởi các tỉnh thành, thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo phải bảo đảm nguồn thực phẩm thay thế sản phẩm gia cầm. Không như mùa dịch 2004, năm nay người tiêu dùng Việt Nam chia tay sớm với gà vịt ngan và cả các loại trứng. Vậy thì các bà nội trợ ở trong nước lựa chọn loại thực phẩm nào để thay thế.

Theo ước tính từ các nguồn chính thức, sản phẩm từ gia cầm bao gồm thịt gà vịt ngan ngỗng chim cút và các loại trứng của chúng chiếm tỷ lệ 30% trong nguồn cung thực phẩm nói chung.
Giữa tháng 11 khi dịch bắt đầu tái phát, bộ y tế khuyến cáo người dân tạm ngừng không tiêu thụ thịt gia cầm và sản phẩm từ gia cầm, nếu như lời khuyên này được nghe theo một cách triệt để thì thị trường Việt Nam sẽ phải có sản phẩm thay thế ở một mức độ nhất định nào đó.
Không còn thản nhiên như trước
Lúc này không chỉ cư dân các thành phố lớn ý thức hiểm hoạ tại ương từ vi rút cúm H5N1, mà nhiều người dân tỉnh lẻ cũng không còn thản nhiên như trước. Một bà nội trợ ở Thủ Thừa Long An nói với chúng tôi về sự e ngại của gia đình trong mùa dịch:
“Gà vịt mười phần chỉ còn ăn một thôi, ế dữ lắm không ai ăn. Chỉ bán lén ở các chợ nhỏ, chợ thị xã thị trấn cấm bán rồi, xe đâu có lên hàng. Tôi sợ lắm nhà có con nít sợ bệnh lắm. Mùa này thì nhiều cá, chúng tôi ăn cá ăn thịt heo, hiện nay mắc hơn thịt gà nhiều.”
Gà vịt mười phần chỉ còn ăn một thôi, ế dữ lắm không ai ăn. Chỉ bán lén ở các chợ nhỏ, chợ thị xã thị trấn cấm bán rồi, xe đâu có lên hàng. Tôi sợ lắm nhà có con nít sợ bệnh lắm. Mùa này thì nhiều cá, chúng tôi ăn cá ăn thịt heo, hiện nay mắc hơn thịt gà nhiều.
Nếu như người dân ở các tỉnh dễ dàng có nguồn thực phẩm thay thế như tôm cá, thịt heo, thì ở TP.HCM bà nội trợ có thể làm quen thêm với các mặt hàng mới như là lươn, ếch và thịt thỏ. Những loại thịt này trước đây được coi là đặc sản dành cho nhà hàng quán nhậu, chứ chưa du nhập được vào bữa ăn hàng ngày của các gia đình bình thường.
Một bà nội trợ ở TP.HCM cho biết thịt lươn và thịt ếch nay khá phổ biến tại các chợ, và giá cả cũng khác nhau tuỳ theo là vật nuôi hay bẫy bắt từ đồng ruộng: "Ếch và Lươn người ta nuôi được, bây giờ có bán ở chợ nhưng phân biệt hai loại, ếch lươn thiên nhiên 70 ngàn một cân thì ếch lươn nuôi bán khoảng bốn mươi, năm mươi ngàn thôi."
Chuyển sang thịt thỏ
Thực tế dịch cúm gà kéo dài năm 2004 và tái dịch trong mùa lạnh 2005, đưa tới sự thay đổi thói quen ẩm thực của phần lớn người Việt Nam , theo như nhận xét của ông Hà Thanh Hải chuyên viên chăn nuôi ở Tiền Giang:
“ Người Việt Nam có thói quen ưa thích ăn loại thịt phải hơi cứng một chút. Nhưng bây giờ người ta thay đổi cách nhìn nhận vì biết được giá trị dinh dưỡng của thịt thỏ cũng tương đương các loại thịt động vật khác.
Do đó trong bữa ăn gia đình người ta quen dần với thịt thỏ. Trước đây nói chung người dân ít quan tâm đến các loại thịt bò thịt dê thịt cừu thịt thỏ mà chỉ quan tâm tới thịt heo và gia cầm. Bây giờ thì ngừơi dân bắt đầu chú y hơn tới thịt các loại động vật ăn cỏ.”
Chuyên viên vừa nói cũng cho biết, người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều nơi chuyển từ nuôi gà vịt sang nuôi thỏ, nuôi ếch. Tuy rằng lợi nhuận nuôi thỏ chưa so sánh được với chăn nuôi gia cầm vào những năm chưa có dịch cúm.
"Vào lúc chưa có dịch cúm, lợi nhuận chăn nuôi con thỏ không thể bằng chăn nuôi gia cầm. Hồi không có dịch, do đặc điểm sinh thái ở vùng chúng tôi, ngừơi dân nuôi gia cầm theo mùa, nuôi vịt chạy đồng, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, nên được lợi từ điều này. Nuôi gia súc ổn định sẽ phải tốn kém hơn."
Người Việt Nam có thói quen ưa thích ăn loại thịt phải hơi cứng một chút. Nhưng bây giờ người ta thay đổi cách nhìn nhận vì biết được giá trị dinh dưỡng của thịt thỏ cũng tương đương các loại thịt động vật khác.
Ưu tiên hàng đầu
Ưu tiên số một ở Việt Nam trong lúc này là đối phó dịch cúm gia cầm không cho lây lan, ngăn chặn hiểm hoạ một đại dịch cho cộng đồng, dù rằng đây không phải là việc dễ làm. Tình trạng đa số thị dân ngừng tiêu thụ sản phẩm gia cầm, chắc chắn sẽ làm giá cả các loại thực phẩm thay thế gia tăng.
Giá rau quả, thịt heo, thịt bò, thuỷ hải sản đã nhích lên từ 10 tới 20% tuỳ theo mặt hàng trong vòng ba tuần lễ vừa qua. Đây quả là những tín hiệu không vui trong những tháng cuối năm, nhất là thời gian cận tết giá cả sẽ lại càng tăng thêm nữa.