Kiểm soát và xử phạt học sinh vi phạm luật giao thông và đi xe gắn máy trái qui định


2005.10.11

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra trong những tháng cuối năm, từ ngày 4 đến tháng 10, cảnh sát giao thông đường bộ thành phố Hồ Chí Minh mở đợt cao điểm xử phạm vi phạm giao thông nhằm chính yếu vào đối tượng học sinh.

TrafficAccident200.jpg
Một tai nạn giao thông trên đường phố. AFP PHOTO

Phản ứng của phụ huynh học sinh và người có trách nhiệm về giao thông thành phố về vấn đề này như thế nào, xin mời quý thính giả theo dõi phần tường trình sau đây của Trường Văn.

Hiện tượng học sinh sử dụng xe gắn máy trái qui định như sử dụng môtô trên 50 phân khối không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ 16 tuổi sử dụng xe gắn.. là điều phổ biến và chưa kiểm soát được. Phần lớn tai nạn giao thông xảy ra liên hệ đến thanh thiếu niên.

Do đó mới đây công an thành phố Hồ Chí Minh phát động cao điểm xử phạt các vụ vi phạm qui định về việc xử dụng xe gắn máy đối với thanh thiếu niên học sinh. Biện pháp chế tài áp dụng là tạm giữ xe từ 15 đến 20 ngày.

Một phụ huynh học sinh cho chúng tôi biết là bà tán đồng các biện pháp kiểm tra của công an giao thông. Bà nói: "Bây giờ lớp 10 học sinh đã đi xe phân khối lớn rồi. Xe phân khối lớn đi khiếp lắm, 150 phân khối nó chạy kinh mang luôn thành tai nạn chết người nhiều quá đi."

Một phụ huynh học sinh khác phát biểu: "Theo tôi nghĩ phải đưa vào học đường về luật lệ giao thông thì may ra tuổi thanh thiếu niên ý thức được mới có thể giảm bớt tai nạn. Đường xá đã không tốt, nhiều ổ gà, ổ voi trong khi đó mấy thanh thiếu niên lại đua xe, đánh võng cho hai bên hàng phố xem. Đi xe biểu diễn nằm sấp, nằm ngữa trên xe. Điều này có vẻ như hết thuốc chữa."

Đối với biện pháp phạt giam xe ông cho rằng còn nhẹ, cần phải tịch thu xe. Ông nói: "Tịch thu xe, nếu gia đình có tiền có của mua xe khác và con cái vi phạm thì tịch thu tiếp. Công an cần có biện pháp mạnh, tuy nhiên số lượng công an ít, không đủ dàn trãi ở các tuyến đường, giao lộ."

Ông cũng cho rằng bây giờ đi ra đường không có gì an toàn cả. Đối với biện pháp cấm thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được đi xe gắn máy thì ông cho rằng "Cũng vô dụng vì công an không thường xuyên kiểm tra các trường học. Phải có sự phối hợp toàn bộ của xã hội ngoài ra phải có ỳ thức của người dân.

Thực ra dân trí của Việt Nam còn kém nên rất nhiều tệ hại xảy ra. Nếu nhà nước có chỉnh đốn lại thì cũng mất thời gian dài mà phải làm liên tục và đồng bộ chứ làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi thì cũng như không."

Ông kết luận: "Bây giờ mọi chuyện đều tệ hại còn hơn trước 1975."

Kiểm soát, trừng phạt thanh thiếu niên vi phạm luật lệ giao thông và an toàn trên đường phố chưa đủ, nhiều phụ huynh học sinh đề nghị nhà nước cần nghiên cứu mở rộng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt chẳng hạn. Ngoài ra nhà trường và phụ huynh cần có biện pháp giáo dục dài hạn và kiên trì mới mong thay đổi thái độ, lối sống của con em.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.