Bà Correta Scott King, ý nghĩa của tình yêu
2006.02.20
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 7 tháng hai vừa qua, tại History Ebenezer Baptish Church, thành phố Atlanta, bang Georgia, đã có hàng chục ngàn người đến tham dự tang lễ của bà Correta Scott King, vợ của mục sư Martin Luther King Jr., nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng của Hoa Kỳ. Trong thánh lễ tiễn đưa, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng tham dự, và ngay cả Tổng thống Geroge W. Bush cùng phu nhân cũng có mặt.
Chia xẻ trong tang lễ, vị Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Vững tiến với tấm lòng bao dung, bà Coretta Scott King không những duy trì được di sản của chồng bà, mà còn xây dựng một sự nghiệp cho chính bản thân mình.
Đã từng yêu mến một nhà lãnh đạo, bà trở thành một người lãnh đạo, và khi bà nói, người dân Mỹ chú tâm nghe, bởi vì tiếng nói của bà mang theo sự khôn ngoan và tốt lành của một đời sống hoàn hảo.”
Thưa quí vị và các bạn, khi còn sinh tiền, bà Correta Scott King là một phụ nữ như thế nào mà đã vinh dự được vị lãnh tụ Hoa Kỳ dành cho những lời tôn vinh như thế? Trong chương trình kỳ này, Phương Anh xin dành để nói về người phụ nữ rất đặc biệt này.
Sơ lược tiểu sử
Bà Correta Scott King sinh ngày 27 tháng 4 năm 1927 ở Heiberger, bang Alabama, trong một gia đình da đen nghèo khổ. Tuổi thơ của bà là những chuỗi ngày làm việc cực khổ cùng với gia đình trên cánh đồng trồng bông vải. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục, nên cha mẹ bà rất coi trọng việc học hành.
Con phải có một nền học vấn và cố gắng trở thành một người nào đó. Lúc đó, con sẽ không còn bị ai đối xử tệ bạc và sẽ không phải lệ thuộc vào ai, ngay cả với một người đàn ông nào!
Vì nhà nghèo, nên khi tròn 10 tuổi, cô bé Correta đã biết đi hái bông vải thuê để kiếm tiền mua sách vở. Thời bấy giờ, sự kỳ thị chủng tộc vẫn còn rất nặng nề ở Hoa Kỳ. Trong khi các học sinh da trắng được đến trường bằng xe buýt, thì cô bé Correta phải lội bộ gần 10 cây số để đến lớp mỗi ngày, bất kể thời tiết ra sao.
Được cha mẹ dậy dỗ rằng: chỉ có học vấn là con đường duy nhất dẫn đến tự do. Cô luôn nhớ lời mẹ cô khuyên nhủ: “Con phải có một nền học vấn và cố gắng trở thành một người nào đó. Lúc đó, con sẽ không còn bị ai đối xử tệ bạc và sẽ không phải lệ thuộc vào ai, ngay cả với một người đàn ông nào!”
Với lòng kiên trì, Correta Scott đã tốt nghiệp trung học trường Lincon ở Marion với thành tích xuất sắc và được nhận vào trường đại học Yellow Spring, bang Ohio, năm 1945. Ngoài việc học, Correta Scott còn là nữ sinh chơi trumpet, piano, thổi flutophone thật hay và có giọng ca thật tuyệt vời.
Chứng kiến sự phân biệt màu da và chính bản thân mình đã từng bị đối xử tệ hại, cô hăng say tham gia vào các hoạt động chống nạn kỳ thị chủng tộc. Năm 1951, cô tốt nghiệp đại học hạng ưu, trở thành cô giáo da đen đầu tiên ở bang Ohio, nhưng Hội Đồng Giáo Dục ở tỉnh Yellow Springs vẫn không cho phép hành nghề.
Và cũng trong thời gian này, với mơ ước trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, cô ghi danh học luyện giọng ở Boston, bang Massachusett . Nơi đây, cô đã gặp vị mục sư trẻ, người hướng dẫn tinh thần cho các sinh viên trường đại học Boston. Đó chính là Martin Luther King Jr. Và, kể từ đó, cuộc đời của cô rẽ sang một hướng mới.
Luôn sát cánh với chồng
Sau khi thành hôn vào ngày 18 tháng 6 năm 1953, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục việc học. Năm 1954, Correta tốt nghiệp bằng âm nhạc còn Martin Luther King thì đậu tiến sĩ. Cũng trong năm này, Martin Luther King Jr. chuyển về nhà thờ Detex Avenue ở Alabama. Bênh vực cho người phụ nữ da đen, Rosa Parks, từ chối không nhường chỗ trên xe buýt, bị phạt tiền và bỏ tù, Martin Luther King tổ chức cuộc tuần hành phản đối.
Và cuộc biểu tình không bạo động lần đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ ấy đã dẫn đến phong trào đòi hỏi sự đối xử công bằng cho người da đen, đòi nhân quyền và nhanh chóng lan rộng trong cả nước.
Và ngay từ giây phút ban đầu, Correta Scott King luôn luôn ủng hộ và có mặt bên chồng trong những cuộc tuần hành. Khi sanh đứa con thứ ba, bà Correta Scott King đã trở thành một trong những thành viên quan trọng cho việc tổ chức các cuộc đi bộ để đòi lẽ phải.
Đồng thời, luôn luôn sát cánh với chồng trong các lần diễn thuyết và dùng giọng ca tuyệt vời của mình để cổ võ cho phong trào này cũng như kêu gọi mọi người ủng hộ. Vào ngày 4 tháng 4 năm 1968, Martin Luther King bị ám sát. Lúc bấy giờ, đứa con nhỏ nhất mới lên 5.
Nhiều năm trước đây, tôi đã có dịp vinh dự gặp bà Corrta Scott King và sau đó trở thành bạn. Tình bạn ấy như một kho tàng quí báu với tôi. Chắc chắn, tôi sẽ không bao giờ quên được bà. Tôi viết ca khúc này để riêng tặng cho bà và có tựa đề “The courage in your eyes” – xin tạm dịch “ Sự can đảm trong đôi mắt”.
Tiếp tục sự nghiệp của chồng
Sau khi chồng bị ám sát chết, bà lập tức thay thế chồng trở thành người lãnh đạo phong trào và tiếp tục con đường của Martin Luther King. Với triết lý “tuyệt đối không dùng vũ lực”, và để tinh thần của Martin Luther King luôn hiện hữu là bênh vực cho người nghèo khổ, đòi hỏi công bằng, bà lập ra The Martin Luther King Jr. Center for Nonviolent Social Change- xin tạm dịch: Trung Tâm Martin Luther King Tranh Đấu Bất Bạo Động Cho Sự Thay Đổi Xã Hội, ở Atlanta, bang Georgia, quê hương của chồng.
Bà quyết tâm đòi hỏi chính quyền phải xoá bỏ sự kỳ thị về chủng tộc, đối xử công bằng với tất cả mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc. Dưới sự lãnh đạo của bà, phong trào đấu tranh cho nhân quyền đã thành công, nhiều luật lệ đã thay đổi.
Cho đến bây giờ, có những người vẫn không quên hình ảnh người goá phụ với 3 con nhỏ, trước ngày cử hành đám tang chồng, vẫn đi đầu, hướng dẫn hàng ngàn người đi bộ để đòi quyền công bình cho các nhân công ở Memphis, bang Tennessee, như chồng bà đã lên kế hoạch từ trước nhưng không thể trực tiếp thực hiện.
Với tình yêu mãi mãi dành cho Martin Luther King, vừa nuôi nấng và dậy dỗ 4 con còn nhỏ dại, vừa kế thừa sự nghiệp của chồng, bà đã trở thành tấm gương sáng cho hàng triệu gia đình.
Hơn thế nữa, sau 15 năm bà kiên trì vận động, và với 6 triệu thỉnh nguyện thư gửi cho quốc hội Hoa Kỳ, vào năm 1983, Tổng thống Ronal Reagan đã ký duyệt sắc lệnh vô cùng quan trọng: để tưởng nhớ đến Martin Luther King Jr., hàng năm, vào ngày thứ hai của tuần lễ thứ ba, trong tháng giêng, sẽ là ngày lễ nghỉ quốc gia.
Năm 1997, bà xin mở lại vụ án xét xử James Early Ray, người đã ám sát chồng bà. Bà tin rằng, Ray không phải là người thực sự chủ tâm giết Martin Luther King, mà phải có một tổ chức nào đó của chính quyền đứng đằng sau sự việc này.
Bà xuất hiện lần cuối trước công chúng vào ngày 14 tháng giêng vừa qua tại Atlanta, trong buổi gây quỹ cho The King Center. Và ngày 30 tháng giêng năm 2006, bà qua đời tại một bệnh viện ở Mexico sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư tử cung, cùng với hậu quả của tai biến mạch máu não và bệnh tim.
Tang lễ trọng thể
Tới lúc này, những người đàn bà Việt Nam nên dành thời giờ để học hỏi thêm vì nếu chúng ta chỉ đi tìm những cái vật chất thì khi về già, chúng ta sẽ thấy chúng ta chưa làm được gì hết, và vật chất sẽ qua đi.
Thưa quí vị, sau khi thi hài của bà được đưa về Historic Ebenezer Baptist Church vào ngày 7 tháng 2, để công chúng đến thăm viếng và cử hành tang lễ, Tổng thống G.W. Bush đã ra lệnh treo cờ rũ trên toàn quốc để tỏ lòng tôn kính bà. Trong ngày hôm ấy, từ sáng sớm, hàng ngàn người từ khắp nơi kéo đến để được có cơ hội tiễn đưa bà lần cuối.
Lễ tang của bà diễn ra vô cùng trọng thể. Lần đầu tiên, kể từ sau ngày lễ tuyên thệ của Tổng thống G.W. Bush, có mặt cả 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ: G.W. Bush cùng phu nhân, Clinton cùng vợ, thượng nghị sĩ Hilary Clinton, Jimmy Carter và George Bush. Bên cạnh đó, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác như thượng nghị sĩ Ted Kennedy, đệ nhất phu nhân của South Africa, hơn 100 dân biểu nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ….
Trong niềm thương nhớ vô vàn, người ca sĩ nổi tiếng Michael Bolton đã hát lên bài nhạc ông đã viết riêng tặng cho bà với nội dung ca ngợi những việc làm cao cả của bà khi còn sinh tiền
“Nhiều năm trước đây, tôi đã có dịp vinh dự gặp bà Corrta Scott King và sau đó trở thành bạn. Tình bạn ấy như một kho tàng quí báu với tôi. Chắc chắn, tôi sẽ không bao giờ quên được bà. Tôi viết ca khúc này để riêng tặng cho bà và có tựa đề “The courage in your eyes” – xin tạm dịch “ Sự can đảm trong đôi mắt”.
Cổ vũ việc học
Thưa quí vị và các bạn, bà Correta Scott King đã ra đi để lại bao niềm tiếc thương cho hàng triệu người dân Hoa Kỳ. Còn đối với chúng ta, những người Việt đã học được bài học gì? Bà Vũ thị Hiền, giám đốc điều hành Trung tâm Trợ Giúp Người Nghèo ở Washington D.C, người thường xuyên có cơ hội làm việc chung với cộng đồng người Mỹ da đen, đã phát biểu:
“Sự ra đi của bà là một mất mát lớn đối với cộng đồng của người da đen ở Hoa Kỳ. Là một phụ nữ, tôi học được nơi bà rấ nhiều điều, tôi hy vọng chúng ta sẽ nhớ bà mãi, về tấm gương tiêu biểu cho lòng thương người, và nhất là tình yêu đối với chồng, với các con, với gia đình, với tổ quốc.”
Riêng với Sơ Mỹ Hạnh, giám đốc Trung Tâm Phục Vụ Thanh Thiếu Niên và Gia Đình ở Atlanta, bang Georgia, người đã từng có cơ hội gặp bà Correta Scott King, thì nói:
“Bà rất ít khi ra trước công chúng, thỉnh thoảng mới thấy bà xuất hiện…Ngày bà qua đời, các học sinh ở các trường trong quận Dekalb, nơi tôi đang sống, các em được nghỉ học hết. Bà rất ảnh hưởng tới vấn đề nhân quyền và rất chú ý đến việc xây dựng hoà bình.
Trong những lần được interview, bà luôn nói thẳng. Có một lần, một giáo sư của trường đại học, hỏi bà rằng tại sao ông Martin Luther King đã chết gần 40 năm, mà bà không lập gia đình lại, bà nói: tình yêu để lập gia đình là một chuyện, ngoài chuyện bà yêu ông Martin, bà cảm thấy giữa bà và ông Martin, còn có một lý tưởng sống và đi cùng một con đuờng quá giống nhau…
Nên nếu lập gia đình với một người đàn ông không cùng lý tưởng, mà chỉ yêu thôi, thì không đủ, vì thế bà không muốn lập gia đình lại, và chỉ muốn tiếp tục theo đuổi lý tưởng mà chồng bà đã làm…
Tôi còn nhớ mãi bà nói một câu làm tôi vô cùng xúc động. Bà nói rằng: hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới rất lộn xộn, về xã hội, về gia đình, tâm lý, rồi chiến tranh khắp nơi…
Xã hội hôm nay cần nhất là một nhà lãnh đạo có nền luân lý vững chắc. Thế giới ngày nay thiếu những người lãnh đạo có thể đem hy vọng cho mọi người…Bà nói như một nhà tiên tri vậy và cuộc sống của bà đã ảnh hưởng rất nhiều đến các con của bà.”
Thưa quí vị và các bạn, để kết thúc chương trình kỳ này, Phương Anh xin nhường lời cho Sơ Mỹ Hạnh với lời khuyên các chị em phụ nữ chúng ta: “Tới lúc này, những người đàn bà Việt Nam nên dành thời giờ để học hỏi thêm vì nếu chúng ta chỉ đi tìm những cái vật chất thì khi về già, chúng ta sẽ thấy chúng ta chưa làm được gì hết, và vật chất sẽ qua đi.”
Những bài liên quan
- Thực trạng các thẩm mỹ viện tư nhân hoạt động vượt các quy định cho phép
- Ngày Lễ Tình Yêu ở Việt Nam
- Vợ chồng cãi nhau: Hậu quả và ảnh hưởng
- Sinh hoạt của phụ nữ Việt Nam trong các ngày Tết
- Vấn đề xin con nuôi ở Việt Nam
- Cô Mukhtar Mai, người phụ nữ chiến thắng trong cuộc tranh đấu chống lại hủ tục
- Bà Rosa Parks, người thay đổi giòng lịch sử Hoa Kỳ
- Hàng chục ngàn người Mỹ thăm viếng tiễn biệt bà Rosa Parks
- Sự lựa chọn của phụ nữ ngày nay
- Sinh bao nhiêu con trong một gia đình là đủ?
- Nguyên nhân và kết quả của việc đi học thêm
- Cha mẹ và chuyện học thêm, thi cử của con em
- Vai trò người phụ nữ trong việc đóng góp và quản lý ngân sách gia đình (II)
- Vai trò của người phụ nữ trong việc đóng góp và quản lý ngân sách gia đình
- ASEAN sẽ thành lập cơ chế bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em
- Hội luận về tình hình tự do tôn giáo trong nước
- Thư góp ý của bạn đọc về cuộc thảo luận giữa một số trí thức trẻ trong nước
- Hội luận về tình hình tự do ngôn luận và dân chủ ở trong nước (III)
- "Sau chuyến công du Hoa Kỳ trở về, Thủ tướng nên làm gì giúp ích cho sự phát triển của Việt Nam?" (II)
- "Sau chuyến công du Hoa Kỳ trở về, Thủ tướng nên làm gì giúp ích cho sự phát triển của Việt Nam?"