Tội phạm chưa được trừng phạt: cướp đất
2006.01.22
Trường Văn, phóng viên đài RFA
Ngoài các từ thông thường như hải tặc, không tặc, lâm tặc, cát tặc, và mới đây nhất là đinh tặc, tại tỉnh Khánh Hoà trong năm qua đã xuất hiện một từ mới được lưu truyền trong dân chúng đó là “địa tặc”. Xin mời quý thính giả theo dõi phần trình bày của Trường Văn về vấn đề “địa tặc” sau đây.

Theo số liệu Tổng Thanh Tra nhà nước Việt Nam công bố cho biết trong năm 2005 có khoảng 60% các vụ khiếu kiện là liên quan đến nhà đất.
Nguyên nhân là do việc thu hồi đất, giải toả để xây dựng những công trình lợi ích công cộng không được đền bù xứng đáng. Ngoài ra có những địa phương khi ra lệnh giải phóng mặt bằng, chính quyền đưa ra lý do để xây dựng khu công nghiệp, nông nghiệp hay lâm nghiệp … nhưng trong thực tế lại chia chác cho cá nhân hoặc bà con thân nhân những người có chức, có quyền tại địa phương.
“Ðịa tặc”
Điển hình như tại tỉnh Tây Ninh, người dân trong vùng bị giải toả được chính quyền cho biết là đất sẽ được sử dụng để trồng rừng nhưng trên thực tế đất này được chia cho các viên chức trong tỉnh để trồng cây cao su. Trị giá đất khi được bồi thường vào khoảng mấy trăm ngàn đồng một mẫu nhưng khi trồng cây cao su, giá đất vườn lúc đó lên đến 100 triệu một mẫu.
Tại Khánh Hoà, mánh khóe của các cán bộ có chức có quyền khác hơn. Các vị này nắm các qui họach sử dụng đất đai của tỉnh nên hoặc tự mình hoặc cho con cháu đứng tên mua với gía rẻ những khu đất nằm trong qui họach, những khu đất này thường là đất rẫy, ít giá trị nhưng một khi được qui họach để hình thành khu du lịch thì giá trị của đất tăng không biết bao nhiêu mà kể.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Một người dân tại Nha Trang giải thích về từ địa tặc như sau: “Địa tặc thí dụ như mấy ông đã được cấp nhà cấp đất rồi nhưng địa chính lại chia cho nữa, hưởng quyền lợi nhiều nơi, con mấy ổng còn đi học cũng được cấp đất.”
Bà cho biết thêm là mới đầu chỉ dính líu đến Ủy ban nhân dân tỉnh, bí thư nhưng sau đó cơ quan điều tra phát hiện thêm một số người khác nữa: “Lúc đầu năm ông, bây giờ dính vô 8 ông. Cái này không phải riêng địa phương đâu mà dính líu mấy bộ trưởng ở trung ương nữa cho nên người ta nói nó dột từ trên nóc nhà dột xuống.”
Một người dân khác cũng phát biểu: “Phía chia chác nằm ở phía sông Lô khu du lịch, đất bây giờ có giá lắm. Hồi xưa mấy ổng thu hồi của dân thì đền bù không có bao nhiêu nhưng chia chác rồi bán cho nhau gấp mấy lần, cả tỉ luôn.”
Không bị trừng phạt
Hỏi thêm một người dân nữa về nạn địa tặc tại Nha Trang, thì được nghe bức xúc tường tận hơn: “Hồi đó là những rẫy sát núi, sau đó nhà nước mở đường, đền bù không thoả đáng, mấy cha cũng xúm nhau mua đất mua đai, chỗ của mấy ông không giải toả còn chỗ dân thì giải toả.” Trong bối cảnh như vậy nhưng các quan chức liên hệ vẫn không suy suyển gì cả, theo lời bày tỏ của dân địa phương: “Bầu cử mấy ổng vẫn dính lại y như cũ.”
Đối với ý kiến của dân cho rằng các địa tặc không bị trừng phạt gì cả, Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng điều này chỉ đúng một phần: “Theo như phát biểu của Thứ Trưởng Đặng Hồng Võ thì có 5 chiêu ăn đất của dân và có trừng trị chứ không phải không, nhưng vì vụ việc này nhiều quá mà chỉ trừng phạt một số ít thôi nên dân phản ánh như vậy.”
Người dân tại các tỉnh hay đang ngồi tại Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng đều mong mỏi các cấp thẩm quyền tại trung ương giải quyết rốt ráo những vụ vi phạm đất đai và nghiêm khắc trừng trị những người có tội để không còn có nạn địa tặc trong tương lai nữa.
Những bài liên quan
- Câu chuyện vụ cá độ bóng đá 1 triệu 800 ngàn đôla
- Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông báo cáo về nạn cá độ trong cơ quan này
- Thêm một tiếng nói bày tỏ trăn trở trước nhiều vấn nạn của đất nước (Phần 2)
- Thêm một tiếng nói bày tỏ trăn trở trước nhiều vấn nạn của đất nước (Phần 1)
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 19-1-2006)
- Những phản ứng trái ngược về vụ đền bù đất đai không thoả đáng
- Người dân địa phương phong tỏa một nhà máy sản xuất tấm gỗ nhân tạo tại Nghệ An
- Đoàn thanh tra Chính phủ đến Đồng Tháp điều tra vụ đền bù đất đai không thoả đáng
- Chính quyền Hậu Giang đề ra các qui định mới về giải tỏa, đền bù đất đai
- Việt Nam: nạn lãng phí gây ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động đầu tư
- VN: tình trạng lãng phí nguồn vốn từ trái phiếu, công trái và viện trợ diễn ra tại nhiều nơi
- Hà Nội: chi phí “bôi trơn” chiếm tới 29% doanh thu của các doanh nghiệp
- Tình trạng hiện nay của bà Phạm Thị Trung Thu sau khi tự thiêu
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 12-1-2006)
- Sinh hoạt của người dân Sài Gòn trong những ngày Tết sắp đến
- 30 hộ gia đình từ Ninh Bình ra Hà Nội khiếu kiện về đất đai
- Tiếng kêu cứu của 14 hộ gia đình ở Đồng Tháp vẫn chưa được giải quyết
- Nền bóng đá Việt Nam cần có một cuộc ‘đại phẫu thuật’
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 5-1-2006)
- Hơn 11 ngàn vụ tội phạm kinh tế đã được khám phá tại Việt Nam trong năm qua