Học không chỉ để đi thi mà để khám phá cái mới lạ


2007.01.15

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Vào khi nền giáo dục tại Việt Nam được hô hào đổi mới, cải tiến với nhiều đề nghị được nêu lên, chúng tôi tìm hiểu thêm qua thu nhận ý kiến của một số chuyên viên giáo dục quan tâm.

ExamStudent200.jpg
Một buổi thi ở Hà Nội.

Trong số đó có tiến sĩ Lê văn Hiển hiện đang giảng dạy tại trường đại học Houston Clear Lake và thường xuyên về Việt Nam để công tác theo hợp đồng giữa trường Đại Học Houston và bộ Giáo Dục Việt Nam. Là người thiết tha với nền giáo dục trong nước, tiến sĩ Lê văn Hiển đã có cuộc trao đổi với Mặc Lâm xoay quanh về vấn đề này. Mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, xin ông cho biết công việc hiện nay của ông.

Tiến sĩ Lê văn Hiển: Tôi là giáo sư đại học ở trường Đại Học Houston trong thời gian 2o năm. Trong thời gian vừa qua trường đã gửi tôi về Việt Nam để làm những chương trình cộng tác giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tôi đã về đấy dạy nhiều môn trong thời gian vừa qua.

Tôi đã làm rất nhiều bài nghiên cứu về giáo dục Việt Nam và tôi hiểu khá rõ về nền giáo dục Việt Nam đang ở đâu và nếu Việt Nam muốn đi lên thì cần phải cải tạo như thế nào.

Dựa vào những quan sát của tôi tôi nhận thấy rằng học sinh Việt Nam rất thông minh, nếu họ có môi trường học tập tốt thì họ sẽ rất thành công và sự thành công này sẽ đưa đất nước đi lên, còn nếu môi trường không tạo điều kiện tốt cho họ thì có lẽ nền giáo dục Việt Nam khó mà phát triển ở trình độ cao.

Mặc Lâm: Theo kinh nghiệm của Tiến Sĩ thì xin cho biết sức cản lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là gì?

Cái sâu đậm nhất của Việt Nam cái suy nghĩ của người mình vẫn theo lối nghĩ của Khổng Mạnh có nghĩa là học để đi thi và thi cử là mục tiêu cuối cùng của cái học chứ không phải học để khám phá cái mới, học để tìm chân lý.

Tiến sĩ Lê văn Hiển: Nếu nhìn vào nền giáo dục hiện nay tôi có thể nói điều thiếu đầu tiên của Việt Nam tiếng Mỹ gọi là culture, có nghĩa là cơ chế hay văn hóa giáo dục.

Cái sâu đậm nhất của Việt Nam cái suy nghĩ của người mình vẫn theo lối nghĩ của Khổng Mạnh có nghĩa là học để đi thi và thi cử là mục tiêu cuối cùng của cái học chứ không phải học để khám phá cái mới, học để tìm chân lý.

Cái lối suy nghĩ này, học để lấy bằng, sẽ không đưa đến cái thành đạt lâu dài. Cái học phải đưa đến hai cái, một là chuyên môn, hai là con người. Tôi nghĩ cái lối học hiện tại cứ tiếp tục nhắm vào việc thi cử thì, tôi nghĩ, nếu những tư duy này không thay đổi thì sẽ không thay đổi được những chuyện gì lớn.

Mặc Lâm: Thưa Tiến Sĩ, đó là cách nghĩ của người dân sau bao nhiêu năm sống dưới thời phong kiến, nhưng thật ra trách nhiệm dạy là của nhà trường phải không ạ?

Tiến sĩ Lê văn Hiển: Hệ thống giáo dục Việt Nam dựa vào cái mô hình tương đối không thành công trên thế giới, đó là mô hình của Pháp, có nghĩa là mỗi một năm học trò cùng tuổi học cùng một môn, tuy là cùng tuổi nhưng có người phát triển cao có người phát triển thấp có người giàu người nghèo sự đòi hỏi khác nhau.

Một mô hình mà mọi người cùng học một chương trình như vậy thì nó không linh động, vì vậy có một số người hấp thụ thật nhiều và một số người khác hông hấp thụ được vì vậy môi trường giáo dục không thể Flexible, có nghĩa là linh động.

Cái thứ ba là lối quản lý giáo dục tại Việt Nam là lối quản lý của Liên Sô, nghĩa là nhà nước chỉ đạo hết. Khi mà nhà nước chỉ đạo hết thì rất khó cho sự phát triển suy nghĩ độc lập do đó nó sẽ đè nén cái phát triển về tự do suy nghĩ.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Tiến Sĩ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.