Phương Anh, phóng viên đài RFA
Thời gian gần đây, ở TPHCM, ngày càng có nhiều câu lạc bộ khiêu vũ dành cho những người cao tuổi. Hình thức khiêu vũ này được gọi là nhảy dưỡng sinh, là một môn thể dục mới mà một số những người về hưu rất ưa chuộng, nhất là những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hay bệnh về tim mạch.
Các điệu nhảy dưỡng sinh cũng y hệt như khiêu vũ, chẳng hạn như chachacha, rumba, tango, bebop… Điều đáng nói ở đây là nhờ nhảy dưỡng sinh mà các vị cao niên đã giảm thiểu rất nhiều bệnh hoạn, cơ thể khỏe mạnh hơn, yêu đời hơn và dĩ nhiên con cháu cũng rất hoan hỉ.

Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này, Phương Anh mời qúi vị cùng tìm hiểu về các câu lạc bộ nhảy dưỡng sinh này.
Từ những bước khởi đầu
Tại câu lạc bộ hưu trí quận 10, mỗi ngày đều có hai lớp nhảy dưỡng sinh sáng và tối, mỗi buổi chừng hai tiếng, học viên đa số là những người trên sáu mươi, cao tuổi nhất cũng đã gần 80 và nhỏ nhất là ngoài năm mươi.
Thầy Trần Văn Minh hay nói đúng hơn là vũ sư Xuân Minh, một người đã khởi xướng phong trào này cách đây hơn 10 năm cho biết: "Lúc đó vì ban sơ, số lượng người tham gia về nhảy dưỡng sinh không được nhiều, sau một thời gian được Trung Tâm Dinh Dưỡng thành phố kết hợp nên tôi đã hướng dẫn một số khá đông người thuộc về bệnh tiểu đường, áp huyết…"
Theo lời thầy Minh, hầu hết những vị cao tuổi này trước khi đến nhảy dưỡng sinh thì chưa bao giờ biết khiêu vũ là gì, và khi họ tìm đến môn thể dục này thì đều bệnh họan, người thì đi lụm cụm, người thì đau chân, tê thấp, nhức mỏi cùng mình, thế nên: "Đầu tiên là làm cho họ khỏe khoắn, sau đó đưa họ vào nghệ thuật, chẳng hạn như paso, rumba, chachacha, bebop, slow, vales, tango…thậm chí các điệu nhạc kích động như twist cũng có."
Đầu tiên là làm cho họ khỏe khoắn, sau đó đưa họ vào nghệ thuật, chẳng hạn như paso, rumba, chachacha, bebop, slow, vales, tango…thậm chí các điệu nhạc kích động như twist cũng có...
Tiếng lành đồn xa
Sau một thời gian hoạt động, với bước đầu chỉ vỏn vẹn 5, 7 người, nhưng thấy kết quả hiệu nghiệm, thế là tiếng lành đồn xa, học viên càng ngày càng đông thêm… Hiện nay, chỉ riêng Câu lạc bộ Hưu Trí quận 10 đã có tới 4 tụ điểm để nhảy dưỡng sinh.
Trung bình, mỗi buổi khiêu vũ dưỡng sinh như thế có từ 30 đến 50 người tham dự, riêng vào buổi sáng sớm, con số tham gia có thể lên đến chừng 70 người. Mặc dù dưới hình thức khiêu vũ để cho khỏe người, nhưng cũng có những người đã lợi dụng việc nhảy dưỡng sinh vào ý đồ xấu.
Để đối phó việc này, thầy Minh cho hay: "Những người có ý đồ đó thì mình đã có phương cách nói với họ và đồng thời không nhận họ ngay từ đầu, vì những người tham dự với tư cách lợi dụng thì thường đi vào với các cô trẻ đẹp, còn những vị tham dự vì sức khỏe thì họ không màng đến những người nhảy với họ vì họ màng đến cái thân thể, cái sức khỏe của họ hơn".
Với chi phí chỉ 120.000 đồng một tháng cho những ai tham gia mỗi ngày, và 70000 cho những ai học cách nhật, và mỗi ngày hai tiếng, với thời gian theo học không hạn định nên rất dễ dàng cho những người về hưu tham dự.
Theo lời thầy Minh, các học viên đến ghi danh thì một số là các cặp vợ chồng, cũng có một số cá nhân đi lẻ tẻ vì ngại gia đình chưa thông suốt, nên không cho gia đình biết, thế nhưng sau một thời gian luyện tập, kết quả khả quan, thế là rất được gia đình ủng hộ.
Cuộc chơi dành cho mọi thành phần
Về thành phần học viên, thầy Minh cho hay: "Thành phần là những người hưu trí- trí thức, tuy nhiên cũng có những thành phần bình dân… Bác sĩ, kỹ sư, giám đốc có, ban chủ nhiệm của các CLB cũng có, cũng có những người có con ở nứơc ngòai, thành phần đó thì nhiều… Còn thành phần buôn bán ở chợ, muốn cho khỏe mạnh, họ nghỉ ở ngòai chợ một hai tiếng đồng hồ họ vào học, học xong về lại buôn bán."
Điểm đặc biệt của các lớp khiêu vũ dưỡng sinh này là khi đã tham dự thì ai cũng như ai, không phân biệt riêng tư, khác hẳn với hình thức khiêu vũ tại vũ trường. Thầy Minh nói tiếp:
“Khi vào CLB này ai cũng là bạn hết, chứ không phải là “vợ tôi”, “ bồ tôi”, cái đó chỉ đi vào dancing, vũ trường thì câu nệ, chứ còn ở đây lúc nào đèn cũng sáng trưng, sáng chói…”
Tiếng nói người trong cuộc
Thưa qúi vị thính giả, Phương Anh cũng liên lạc được với bà Minh, năm nay 74 tuổi, từng là giám đốc một cơ quan có tầm cỡ ở TPHCM, nay đã về hưu, bà cho hay:
“Tôi học được 5, 6 tháng rồi…nó cũng thay đổi nhiều. Tôi cũng nghe bạn bè nói là học như vậy thì nó sẽ khỏe lên. Trước đây, cái chân của tôi cũng yếu, nó không được khỏe, thế mà từ khi học đến giờ cái chân khỏe hẳn lên, người cũng nhanh nhẹn ra. Lớp của tôi độ chừng 27, 28 người, tôi là người lớn tuổi nhất, nhỏ nhất khỏang năm mươi mấy tuổi, đa phần trên sáu mươi là nhiều nhất.”
Khi hỏi thăm chồng cùng các con bà có ủng hộ không, bà trả lời: "Ai cũng thích cả, trứơc thì tôi chỉ nghe nói thôi, tôi cũng không tham gia, sau bạn bè nói thì tôi đi thử và thấy chân khỏe thì ham. Bây giờ chân của tôi rất mạnh khỏe, tôi đi xe Honda được nữa. Bây giờ những người lớn tuổi nên đi tập vì nó rất tốt cho người già, vả lại ở đây đa phần là người già, người trẻ thì họ đâu có tập với người già làm gì."
Riêng với ông Trần Kim Định, năm nay 72 tuổi, thì trước đây, cả hai vợ chồng ông đều rất bịnh họan, bản thân ông thường đau yếu luôn, vợ ông thì bị bệnh tim, thường phải đi cấp cứu, có khi một tháng phải vào nhà thương đến hai lần. Được bạn bè cho biết và rủ rê tham gia, cả hai ông bà đều đến ghi danh tham dự. Ông kể lại:
“Tôi tham gia vào lớp dưỡng sinh này được 3 năm rồi. Trứơc đây, tôi thường hay có bệnh mãn tính, cơ thể yếu, thường hay bị suy nhược dẫn đến tình trạng sức khỏe không bình thường, hay phải đi bệnh viện. Sau khi tôi đã tập đi bộ, thể dục, tôi thấy có một số bạn bè đi khiêu vũ dưỡng sinh nói là tốt, nên tôi cũng tham gia, và tôi thấy môn này là một môn rất phù hợp và tôi rất thích. Sau khi tham gia được một thời gian, tôi thấy sức khỏe của tôi rất tốt, những bệnh mãn tính của tôi đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay sau 3 năm tôi đi khiêu vũ dữơng sinh, thì sức khỏe của tôi ngày càng khỏe mạnh và hầu như không phải dùng thuốc nữa.”
Mục đích của CLB này để thể dục dưỡng sinh nghệ thuật cho người cao tuổi. Ở tuổi của tôi, không phải là nhu cầu đi học khiêu vũ nhưng là nhu cầu về sức khỏe nên tôi thích, thay vì tôi đi tập thể dục một cách khác thì cách thể dục này cũng hay.
Ngòai ra, ông cũng cho biết thêm về tình trạng của bà nhà, sau khi tham gia câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh thì y như một phép mầu, vợ ông khỏe hẳn ra, chẳng cần tới thuốc nữa.
Một vị bác sĩ tên Hà, năm nay 66 tuổi, hiện đang giảng dậy về chương trình sức khỏe cộng đồng tại Trung Tâm Đào Tạo Bồi Dưỡng Cán Bộ Y Tế TPHCM cho biết: "Mục đích của CLB này để thể dục dưỡng sinh nghệ thuật cho người cao tuổi. Ở tuổi của tôi, không phải là nhu cầu đi học khiêu vũ nhưng là nhu cầu về sức khỏe nên tôi thích, thay vì tôi đi tập thể dục một cách khác thì cách thể dục này cũng hay. Tôi sinh họat được một năm nay và thấy người khỏe, cân thì không sụt…"
Vẫn có những dư luận khác nhau
Thưa quí vị và các bạn, tuy thế, câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh vẫn có nhưng dư luận không tốt, nhất là trong vấn đề quan hệ nam nữ. Về điểm này, ông Trần Kim Định khẳng định:
“Tôi nghĩ rằng những chuyện không hay xảy ra giữa các quan hệ nam nữ thì ở đâu cũng có. Đối với câu lạc bộ dưỡng sinh thì hầu hết là những người lớn tuổi mà biết suy nghĩ rồi, nên những chuyện lố lăng, chướng tai gai mắt thì hầu như không đáng kể.”
Theo ông, điều quan trọng nhất là làm sao người cao tuổi có được sức khỏe tốt để không làm phiền đến xã hội, gia đình, con cái, và nhất là được vui hưởng tuổi già. Thế nên, chuyện khiêu vũ dưỡng sinh chẳng qua là một môn thể dục rất hữu ích cho những người về hưu như ông, ông nói:
“Cơ thể mình sau khi ở trạng thái về hưu rồi, không có việc gì làm thì việc nhảy dưỡng sinh sẽ tránh khỏi sự trì trệ, làm cho cơ thể suy yếu, thứ hai nữa là nó có âm nhạc làm cho con người ta phấn khởi, thứ ba nữa là quan hệ người này với người khác, không phải là các cụ ngồi ru rú ở trong nhà mình, mà có quan hệ giao lưu, bè bạn rất vui… Những cái đó về mặt sức khỏe, tinh thần rất hay…”
Qúi vị và các bạn vừa nghe những thông tin về khiêu vũ dưỡng sinh cho người cao tuổi. Năm 2006 vừa qua cũng được nhà nứơc chọn là “Năm Văn Hóa Người Cao Tuổi”, thế nhưng, hình như các họat động dành cho người cao tuổi ở Việt Nam vẫn chưa được chú ý đến lắm.
Thiết tưởng, họat động khiêu vũ dưỡng sinh này âu cũng là một hình thức chăm sóc về tinh thần lẫn thể xác, giúp cho những người già có một sức khỏe tốt hơn, ít bệnh họan hơn.
Thế nên, nếu một hôm nào đó, quí vị vô tình thấy một vợ chồng già, mái đầu bạc trắng, tay trong tay lả lướt với giai điệu rumba thì cũng đừng ngạc nhiên, bởi vì họ đang luyện tập nhảy dưỡng sinh đấy!
Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.