Kinh tế Hoa Kỳ Bất trắc (tt)
2005.10.13
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Trong diễn đàn kinh tế của buổi phát thanh tối hôm qua, nhà kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đã nói đến một số yếu tố tích cực của nển kinh tế Mỹ giúp họ đứng vững trứoc nhiều rủi ro và hoạn nạn. Mời quý vị nghe tiếp, hôm nay ông Nguyễn Xuân Nghĩa chứng minh nguy cơ suy trầm của nền kinh tế đầu tàu thế giới này trong năm tới.
Câu hỏi cuối của Việt-Long hôm qua là: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, mọi việc như ông trình bày về nền kinh tế Hoa Kỳ thì đến nay đều có vẻ tốt đẹp, vậy vì sao ông lại cho rằng kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm?
Đáp: Thưa là vì mọi việc không nhất thiết tốt đẹp mãi như vậy. Thứ nhất, trận bão Katrina có thể nhất thời đánh sụt khả năng sản xuất dầu khí và chế biến xăng dầu tại vùng Vịnh Mexico và nâng cao phí tổn về năng lượng cho cả người dân lẫn các cơ sở sản xuất.
Dù nhất thời, đấy cũng là yếu tố bất ổn vì từ nay đến cuối năm, giá dầu thô sẽ khó sụt dưới 60 đồng mà có khi còn chờn vờn đỉnh cao là 70 đồng. Thứ hai, cũng vì thiên tai bão lụt mà ngân sách quốc gia Mỹ có thể phải tăng chi, từ 200 đến 300 tỷ.
Thứ ba, kết hợp điều ấy với thói quen chi tiêu quá đà của khu vực chính phủ, và đây là một trách nhiệm của chính quyền Bush, mức bội chi đã quá cao sẽ còn có thể tăng. Khi chính phủ phải vay tiền để tăng chi, lãi suất trên thị trường có thể tăng, phí tổn cho sản xuất và tiêu thụ vì vậy cũng tăng.
Hỏi: Tức là dân Mỹ sẽ giảm đà tiêu thụ và thị trường Mỹ sẽ giảm đà nhập khẩu phải không?
Đáp: Thưa vâng, nhưng chỉ một phần thôi. Phần chính là vì dân Mỹ thấy bớt lạc quan về tương lai mà họ đang có nhiều lý do để bớt lạc quan. Chúng ta bắt đầu thấy điều ấy khi chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ sụt mạnh trong tháng Chín và còn có thể sụt nữa. Lý do chủ yếu là người ta mất niềm tin vào khả năng ứng phó hay lèo lái hay lãnh đạo của chính quyền.
Tổng thống Bush gặp quá nhiều vấn đề, trong đó có cả những vấn đề do chính quyền ông tự gây ra, từ cách ứng phó quá chậm rồi rộng chi quá đáng vì trận bão Katrina, đến cách đề cử người vào Tối cao Pháp viện, toàn là loại vấn đề gây thất vọng cho thành phần quần chúng xưa nay vẫn ủng hộ ông ta. Bên cạnh đó là hàng loạt những tai tiếng chính trị trong đảng Cộng hòa, đúng hay sai thì cũng đánh suy uy tín của đảng và của chính quyền Bush.
Tôi cũng còn xin nói đến một yếu tố khác là Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Alan Greenspan sẽ mãn nhiệm vào tháng Giêng tới và ta chưa biết ai sẽ được Tổng thống Bush đề cử thay thế. Nỗi ưu tư về người sẽ lên thay là một bất trắc khác, rất đáng kể cho các thị trường tài chính.
Trong khi ấy, và đây cũng là vấn đề, đảng Dân chủ không có đường lối nào khả quan hay khả tín hơn, mà tình hình chiến cuộc cũng không cho phép người ta lạc quan. Nói vắn tắt, khi thất vọng quá nhiều về chính trị, người ta khó lạc quan về kinh tế, và đấy là một điều bất trắc.
Hỏi: Nhưng người ta có cách gì đo lường được mức độ bất trắc đó không?
Đáp: Tôi trộm nghĩ là có. Thứ nhất, tình hình mấy tuần qua có cho thấy một điều rất lạ là dù đã bị hai đợt thiên tai Katrina và Rita, lượng tồn kho về xăng dầu của Mỹ không giảm mà còn tăng. Khi sản xuất không tăng vì đang tạm bị gián đoạn mà tồn kho lại tăng, ta biết là dân chúng đã giảm tiêu thụ. Dân Mỹ mà xài bớt xăng dầu thì ta biết là có vấn đề. Lần trước mà mình thấy như vậy là sau vụ khủng hoảng tại Iran năm 1979, sau đó kinh tế Mỹ bị suy thoái.
Thứ hai, mình có thể để ý nhiều hơn đến chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ, được công bố hàng tháng…
Hỏi: Nhưng, những yếu tố ấy đều chỉ được thấy khi đã xảy ra, ông có nghĩ như vậy là quá trễ cho việc dự báo không?
Đáp: Chẳng ai có tham vọng hay khả năng thấy trước được mọi chuyện, nhưng giới nghiên cứu kinh tế có chú ý đến một loại chỉ dấu tiên báo tương đối chính xác. Đó là sự chuyển dịch của đường tuyến phân lời, là một yếu tố khá chuyên môn, nhưng mình có thể hiểu được.
Hỏi: Ông có thể giải thích ngắn gọn khái niệm chuyên môn đó được chăng?
Đáp: Trên thị trường tín dụng, là thị trường tài chính của trái phiếu, phân lời cho vay trong dài hạn được thả nổi theo quy luật cung cầu. Khi cho vay trong 10 năm, ta đòi có phân lời cao hơn là khi cho vay ngắn hạn vì trong 10 năm tới có bao rủi ro bất trắc sẽ xảy ra.
Từ nguyên tắc dễ hiểu ấy, ta biết là phân lời dài hạn phải cao hơn ngắn hạn. Nhưng, khi thấy kinh tế có thể bị suy trầm, các cơ sở kinh doanh đều tìm cách vay tối đa ngay lập tức để có sẵn khả năng ứng phó. Phản ứng này dẫn đến hiện tượng hy hữu mà có giá trị tiên báo khá cao, là phân lời trong ngắn hạn tăng vọt, khiến đường tuyến phân lời không dốc lên theo thời gian đi vay.
Khi nào phân lời ngắn hạn lại cao bằng hoặc hơn phân lời dài hạn thì từ ba cho đến sáu tháng sau kinh tế có thể bị suy trầm, là điều đã xảy ra năm 2001 và bắt đầu có xu hướng xảy ra. Đương nhiên là mọi chuyện không tất yếu như vậy vì giới hữu trách biết rõ và có thể phải ứng phó trước.
Nhưng, với ngân sách bị bội chi nặng, thống đốc ngân hàng trung ương chuẩn bị về hưu và rất nhiều bất ổn khác như về quỹ An sinh Xã hội, về giá nhà gia tăng quá cao, khủng bố vẫn đe dọa nhiều nơi, chính quyền Bush lại bị suy yếu, người ta phải lo ngại là kinh tế không chịu nổi ngần ấy sức ép, nên sẽ bị suy trầm vào năm tới.
Hỏi: Câu hỏi cuối, nếu điều ấy xảy ra thì Đông Á sẽ ra sao?
Đáp: Đông Á đang gặp khó khăn vì dầu thô tăng giá và sẽ còn gặp khó khăn nữa vì lãi suất tại Hoa Kỳ còn tăng, đồng Mỹ kim hết rẻ như trước đây, nên các ngân hàng Đông Á cũng phải nâng lãi suất. Khi kinh tế Mỹ lại bị suy trầm thì khả năng xuất khẩu của Đông Á sẽ sụt và vì kinh tế của khu vực ấy lại lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào Mỹ, cho nên sản xuất kinh tế cũng bị suy trầm, trong khi lạm phát lại tăng.
Nếu kể thêm nguy cơ chưa ai lường được là dịch cúm gia cầm có thể từ người lây sang người thì vầng mây đen trên kinh tế Mỹ có khi sẽ là bão tố cho Đông Á. Nhẹ nhất vẫn là nguy cơ suy trầm đi cùng lạm phát./.
Các tin, bài liên quan
- Kinh tế Hoa Kỳ Bất trắc
- Các công ty trong và ngoài nước trở lại đầu tư vào Dung Quất
- Những khó khăn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập WTO
- Ngân Hàng Á Châu và Western Union mở dịch vụ chuyển tiền tận nhà miễn phí trên toàn quốc
- Liệu Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập WTO?
- Indonesia: Trợ giá và Khủng bố
- Lần đầu tiên liên doanh 6 công ty cổ phần xây dựng Nhà Máy Nước Thủ Đức
- Nhận xét của Phó chủ tịch nhóm doanh gia Anh quốc ở VN về quyết định cổ phần hóa Vietcombank
- Thở ra tham nhũng
- Mức lương tối thiểu tăng không theo kịp vật giá thị trường
- Bầu cử và Cải cách Kinh tế
- RFA phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh về tiến độ phát triển của Việt Nam
- Việt Nam cần nổ lực hơn trong công tác xoá đói giảm nghèo
- Việt Nam là một trong 12 nước cải tổ nhanh nhất trong năm qua
- Thuyền nhân và Bão lụt
- Phỏng vấn ông Arunabha Ghosh của UNDP về tình hình phát triển tại Việt Nam
- Việt Nam khó có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay
- Hiệu ứng Katrina
- Phỏng vấn Quyền Phó Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội về đàm phán song phương việc gia nhập WTO của Việt Nam
- Kế hoạch và Thị trường
- Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu.
- Phát triển Tiểu Doanh
- Tự do Báo chí và Phát triển Kinh tế
- Cải tổ Bưu chính Nhật Bản