Hội luận trong-ngoài về tuyên bố ‘bỏ điều 4 là tự sát’ của ông Nguyễn Minh Triết (phần 1)

0:00 / 0:00

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Liên quan đến quyền độc tôn lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam qua lời tuyên bố mới đây của Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết “bỏ điều 4 là đồng nghĩa với tự sát…”, các nhà đấu tranh dân chủ trong-ngoài nước nhận định ra sao?

Mời quí vị theo dõi phần đầu cuộc Hội luận chính trị trong-ngoài nước do Việt Hùng điều hợp, khách mời từ Hà Nội là tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, từ Hoa Kỳ là ông Lê Minh Nguyên, Trưởng ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

NguyenThanhGiang4_200.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. RFA file photo

Trước tiên ông Thanh Giang đưa ra quan điểm về lời tuyên bố của ông Nguyễn Minh Triết.

Ông Nguyễn Thanh Giang: Ông Nguyễn Minh Triết nói bỏ điều 4 tức là đảng Cộng sản Việt Nam tự sát. Nói như vậy bộ lộ cái bất an, sự hoảng loạn, không còn đủ tự tin nữa và biểu lộ sự "bất chính" của đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tồn tại được ít nhất như đảng Cộng sản Việt Nam từng tuyên bố là đội tiền phong của giai cấp công nhân thì đảng Cộng sản Việt Nam phải sống bằng tính chất tiền phong của mình, bằng sự gương mẫu trước dân tộc, bằng đạo đức tư cách của mình, bằng sức mạnh và trí tuệ của mình chứ không thể sống tựa vào một cái gọi là điều 4 ghi trên giấy trong Hiến pháp ấy để mà sống? Có tuyên bố hùng hồn đến mấy sụp đổ vẫn hoàn sụp đổ vì đấy chỉ là hình thức, không có nội dung.

Người ta còn nhớ vào ngày 20-11-1989 trong cuộc họp Bộ chính trị đảng Cộng sản Liên Xô chính ông Michael Gorbachev tuyên bố phải giữ cho được điều 6 Hiến pháp, phải giữ cho được điều đó, đó không phải là tình trạng cứu hỏa và cũng không phải là tình trạng đặc biệt. Tuyên bố hùng hồn như vậy nhưng mà sau đó sụp đổ vẫn hoàn sụp đổ, phải chăng điều mà ông Nguyễn Minh Triết đi theo vết xe đổ thì đấy là một “điềm xấu” của đảng Cộng sản Việt Nam hay chăng?

Việt Hùng: Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội, từ bên ngoài thưa ông Lê Minh Nguyên ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Lê Minh Nguyên: Tôi cũng đồng ý với nhận xét của anh Thanh Giang, tôi chỉ thêm một điểm nhỏ là đảng Cộng sảng Việt Nam trước đây họ chặt chẽ là vì có ba yếu tố, thứ nhất là tin vào chủ nghĩa, thứ hai là thế hệ đầu tiên đi vào đảng là thế hệ sống trong bưng biền, đồng lao cộng khổ và thứ ba vào đảng là vì lý tưởng chứ không phải vì quyền lợi, nhưng mà ba yếu tố đó ngày nay gần như không còn nữa.

Ngày nay những đảng viên đảng cộng sản ít ai tin vào chủ nghĩa đó, mà chủ nghĩa chính là chất keo để ràng buộc họ lại với nhau do đó lúc này đảng Cộng sản Việt Nam giống như anh chàng khổng lồ nhưng lại rất dễ vỡ…

Theo tôi thấy, chính vì có những vấn nạn trong đảng chứ không phải từ bên ngoài mà ông Triết ông ấy tuyên bố như vậy.

LeMinhNguyenMLNQVN200.jpg
Ông Lê Minh Nguyên. RFA PHOTO

Việt Hùng: Câu hỏi đặt ra với ông Nguyễn Thanh Giang, điều 4 về quyền độc tôn lãnh đạo được đưa vào Hiến pháp sau này, khởi thủy Hiến pháp đầu tiên của chính phủ Việt Minh năm 1946 hoàn toàn không có điều này?

Ông Nguyễn Thanh Giang: Hiến pháp năm 1946 không có điều này, thậm chí sau này sửa đổi đến năm 1960, 1980 không có điều này, thế mà đến Hiến pháp năm 1992 thì điều 4 xuất hiện.

Vừa rồi ông Lê Minh Nguyên có hồi tưởng lại thế hệ đầu tiên đi làm cách mạng là họ có lý tưởng, có chủ nghĩa, có một tấm lòng đối với đất nước cho nên họ đi làm cách mạng, cho nên lúc đầu họ chỉ có 5000 đảng viên, họ không cần dùng đến Hiến pháp để áp đặt mà họ vẫn tồn tại. Họ vẫn lãnh đạo được cuộc cách mạng tháng 8 thắng lợi và đánh thắng được thực dân Pháp.

Có một điểm đáng lưu ý cho đến bây giờ đảng Cộng sản Việt Nam đang xa rời lý tưởng và đang trở nên hèn kém rất nhiều so với ban đầu để đến nỗi bây giờ sống chết phải giữ cho được điều 4 Hiến pháp.

Đảng CSVN khi bí thì thường đem ông Hồ Chí Minh ra làm thần hộ mệnh cho mình và nói rằng “đây là cụ Hồ chọn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lê…là con đường của bác Hồ đã chọn”. Họ bám lấy cái đó để áp đặt nhân dân không cho ai quyền suy nghĩ.

Việt Hùng: Thưa ông Lê Minh Nguyên, ông có đồng ý với những điều mà ông Thanh Giang đưa ra hay không?

Ông Lê Minh Nguyên: Về Hiến pháp 1946 tôi cũng đồng ý với những gì mà ông Giang đưa ra, tôi chỉ muốn nói thêm Hiến pháp đầu tiên năm 1946 là một bản Hiến pháp tương đối có dân chủ, trong đó có điều 70 quy định muốn sửa đổi Hiến pháp này phải được 2/3 đại biểu Quốc Hội thông qua và phải đem ra trưng cầu dân ý.

Vì điều kiện đất nước lúc đó không có tổ chức được trưng cầu dân ý, nhưng về mặt căn bản của Hiến pháp có phần trưng cầu dân ý vì Hiến pháp nói của dân, do dân và vì dân…

Trong khi Hiến pháp năm 46 nói gần như tuyệt đối tôn trọng nhân quyền, thí dụ như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, lập đảng, hay quyền tự do tôn giáo…

Hiến pháp 1946 tôn trọng gần như tuyệt đối là bởi vì nó không để cho luật pháp giới hạn như bản Hiến pháp 1992 về những quyền đó như hiện nay đều có một câu thòng “bởi sự giới hạn của luật pháp…”.

Chúng ta thấy Hiến pháp 1946 cũng không qui định một đảng phái nào, một ý thức hệ nào thống trị đất nước. Do đó Hiến pháp năm 1946 là một Hiến pháp tương đối dân chủ và Hiến pháp có nền tảng. Rất tiếc là những Hiến pháp 1960, 1980 và 1992 đã không tôn trọng những thủ tục của Hiến pháp 1946 và giết chết bản Hiến pháp 1946 này.

Việt Hùng: Tuyên bố như vậy có phải là quyết định chung của Chính trị bộ hay ông Triết bị sức ép từ những thế lực bảo thủ trong Bộ chính trị?

Ông Lê Minh Nguyên: Theo tôi ông Triết tuyên bố như vậy không phải là quyết định chung của Bộ chính trị, nếu là quyết định chung thì sẽ có những thủ tục văn bản…, tôi nghĩ ông Triết bị sức ép từ những thế lực bảo thủ trong đảng.

Ông Nguyễn Thanh Giang: Tiếp ý của ông Lê Minh Nguyên tôi rất "tâm đắc" cái ý có thể ông Triết bị một sức ép nào đó của những thế lực bảo thủ ở trong đảng CSVN ví dụ như ông cựu Tổng bí thư Đỗ Mười.

Cho đến bây giờ tôi vẫn có một cảm giác rằng những người như ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là những người cấp tiến, nhận thức được thời đại và thấy rằng Việt Nam phải chuyển mình về phưong diện chính trị, nhưng khi ông ấy muốn chuyển mình, muốn bước chân sang hữu một chút thì miệng ông ấy lại phải hô lên tả một chút để dùng cái miệng che cái chân bước… để tránh được sự đả kích thậm chí tránh được những đòn nguy hiểm của phe bảo thủ như trước đây họ đưa vụ T4-Tổng cục 2 ra, những người như ông Võ Văn Kiệt, Nông Đức Mạnh, Võ Nguyên Giáp… cũng còn bị họ uy hiếp huống hồ gì những ông mới sau này.

Việt Hùng: Câu hỏi chúng tôi xin được đặt ra với ông Lê Minh Nguyên, điều 4 quan trọng đến mức như thế nào mà ông Triết lại chọn thời điểm đưa ra những lời tuyên bố như vậy, trong khi về mặt ngoại giao Việt Nam đang vận động để trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc?

Ông Lê Minh Nguyên: Theo tôi thấy về mặt ngoại giao Việt Nam đang vận động làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đáng lý ra Việt Nam phải chứng tỏ với thế giới Việt Nam càng ngày càng cởi mở, gần gũi hơn với hệ thống chính trị bên ngoài tức là có những sự tương đồng trao đổi giữa các quốc gia dễ dàng hơn thì ông Triết lại tuyên bố điều 4 vào lúc này theo cái nhìn của tôi trong đảng CSVN hiện đang có hai cái lực, một là lực đẩy tác động rất mạnh là muốn Việt Nam cải cách chính trị, thay đổi chính trị cho kịp với đà thay đổi của thế giới bên ngoài.

Chính cái lực này đã làm cho những người bảo thủ trong đảng CSVN vô cùng lo sợ, do đó ông Triết đưa ra trong một thời điểm gần như không thuận lợi trong lúc này cho thấy có một sự rạn rứt nặng nề về tư tưởng trong nội bộ đảng CSVN.

Bạn nghĩ gì về lời tuyên bố "bỏ Điều 4 là tự sát" của ông Nguyễn Minh Triết? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Ông Nguyễn Thanh Giang: Tôi nghĩ rằng nếu mà đảng CSVN muốn duy trì quyền lực bằng cách bán vào điều 4 Hiến pháp thì ẩn sau đó tức là bán lấy vũ lực để áp đặt lên nhân dân Việt Nam và cái đó hoàn toàn sai lầm.

Việt Hùng: Cũng liên quan đến điều 4 có ý kiến cho rằng việc ông Triết tuyên bố như vậy là hiện nay trong hàng ngũ tướng lãnh quân đội có ý kiến muốn đưa vấn đề này ra để luật hóa điều 4 trong sự can thiệp của đảng vào chính quyền?

Ông Nguyễn Thanh Giang: Tin tức lọt ra ngoài cũng chưa nhiều về bàn tay của quân đội nhiều hay không hiện cũng chưa rõ…, nhưng tôi nói dù thế lực nào muốn duy trì quyền lãnh đạo của đảng CSVN theo điều 4 đó là hoàn toàn sai lầm.

Việt Hùng: Theo ghi nhận hiện nay trong quân đội có ý kiến đưa ra nói vai trò của quân đội phải bảo vệ tổ quốc, trung thành với tổ quốc, với nhân dân, trong khi có ý kiến khác đưa ra phản bác lại khi cho rằng, vai trò của quân đội là phải bảo vệ đảng, bảo vệ tổ quốc…

Ông Lê Minh Nguyên: Nhìn ra thế giới đa số những quốc gia văn minh họ đều dùng quân đội để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, phòng chống chiến tranh xảy ra từ bên ngoài. Họ đâu có dùng quân đội để bảo vệ quyền lợi của một thiểu số hay làm công cụ cho một đảng.

Vai trò của quân đội là để bảo vệ tổ quốc, trung thành với tổ quốc tôi nghĩ là hoàn toàn đúng, trong khi có ý kiến phản bác lại cho rằng vai trò quân đội là bảo vệ đảng, bởi vì họ cần phải bảo vệ quyền lợi của một số người, thành ra theo tôi quan điểm đó là cái nhình rất lệch lạc, chính vì vậy mà vấn đề về điều 4 có dư luận cho rằng trong quân đội có ý kiến muốn rằng phải luật hóa điều 4 để hạn chế sự can thiệp của đảng CSVN vào trong quân đội cũng như vào trong nhà nước và nếu làm được điều này có nghĩ là họ đã phá vở được nguyên tắc đảng trị.

Đây là chúng ta nói bên trong hệ thống chứ chúng ta chưa nói bên ngoài hệ thống độc tài đảng trị của đảng CSVN vì bên ngoài còn nhiều thế lực khác nữa… do đó trở lại câu hỏi tôi thấy rằng quân đội là phải để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân chứ không phải là để bảo vệ đảng.

Ông Nguyễn Thanh Giang: Việc đưa điều 4 vào Hiến pháp Việt Nam là khác với ý ông Hồ, trái ý ông Hồ. Việc đưa đảng ra bắt quân đội chỉ phục vụ đảng, bảo vệ đảng thôi thì điều đó trái với nhận thức chung của nhiều nước trên thế giới. Quân đội phải là phi đảng phái để từ đó chỉ để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Cái mà Việt Nam bây giờ họ đem hình ảnh ông Hồ ra để noi theo thì ở đây cái đó chính họ lại phản bội lại cụ Hồ của họ là vì lúc xưa cụ Hồ nói “quân đội ta trung với nước hiếu với dân” thì bây giờ hộ cứ nói “quân đội ta trung với đảng hiếu với dân”.

Việt Hùng: Vừa rồi là phần một cuộc Hội luận chính trị trong-ngoài nước liên quan đến lời tuyên bố của Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết "bỏ điều 4 đồng nghĩa với tự sát".

Vai trò của các nhà dân chủ trong và ngoài nước trước vấn đề này ra sao? sự phối hợp trong-ngoài trong nỗ lực đấu tranh để luật hóa hay bỏ điều 4 về quyền độc tôn lãnh đạo của đảng CSVN, đó sẽ là những vấn đề được bàn đến trong phần hai cuộc Hội luận chính trị trong-ngoài nước trong một buổi phát thanh tới, mời quí vị nhớ đón nghe.