Tuyên ngôn nhân quyền 1948, tiếng gọi của thời đại

Luật sư Trần Thanh Hiệp

Nhân đến ngày quốc tế nhân quyền 10-12, mời quý vị cùng chúng tôi nghe Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền ở Paris nói về quá trình soạn thảo của bản Tuyên ngôn nhân quyền 1948 đồng thời nhận định về giá trị pháp lý và chính trị của văn kiện lịch sử này trải qua gần 60 năm nó đã được công bố.

HumanRightDay150.jpg
Photo courtesy of http://www.hrea.org

Lê Dân: Năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 57 ngày công bố bản Tuyên ngôn thế gíới nhân quyền 10-12-1948. Có gì mới để nói về văn kiện lịch sử này hay không?

Trần Thanh Hiệp: Bản Tuyên ngôn thế giới nhân quyền 1948 có thể ví như một thứ rượu quý, càng để lâu năm càng thấy ngon. Riêng tôi, mỗi lần có dịp đọc lại nó, tôi thường có những suy nghĩ mong khám phá thêm được những điều mới lạ mà thời gian đã mang lại. Nếu nhìn lại tuổi đời 57 năm của văn kiện lịch sử này, qua ánh sáng của tình hình diễn biến của nhân quyền trên bình diện quốc tế cũng như ở Việt Nam, thì tôi muốn giới thiệu nó với thính giả của quý Đài bằng ba hình ảnh.

Trước hết, nó là một phần của thông điệp hòa bình của những nước chiến thắng độc tài phát xít, quốc xã và quân phiệt trong cuộc đệ nhị thế chiến giữa thế kỷ trước. Tiếp theo, trong nửa phần cuối của thế kỷ này và trong khuôn khổ của cuộc chiến tranh lạnh, nó dần dần đột xuất thành tiếng nói của thời đại dân chủ tự do chống độc tài toàn trị cộng sản. Sau hết, từ thập niên 1990, khi hệ thống độc tài toàn trị cộng sản sụp đổ, nó trở thành tiếng gọi của thời đại chuyển hóa môi hình thức toàn trị còn sót lại thành dân chủ tự do trên quy mô toàn cầu.

Quá trình soạn thảo

Lê Dân: Luật sư có thể nhắc lại sơ qua quá trình soạn thảo và biểu quyết thông qua của bản Tuyên ngôn 1948 ?

Những năm đầu thập niên 40, khi cảm thấy thế thắng đang chuyển về phía mình, mấy nước tham chiến thuộc phe Đồng Minh là Anh, Mỹ, Nga đã có dự định đặt nền móng cho một thế giới hậu chiến hòa bình có tổ chức, để từ nay về sau, nhân loại sẽ không còn phải gánh chịu tai họa chiến tranh nữa. Hiến chương của Liên Hiệp Quốc đã được thai nghén trong những điều kiện lịch sử này.

Trần Thanh Hiệp: Những năm đầu thập niên 40, khi cảm thấy thế thắng đang chuyển về phía mình, mấy nước tham chiến thuộc phe Đồng Minh là Anh, Mỹ, Nga đã có dự định đặt nền móng cho một thế giới hậu chiến hòa bình có tổ chức, để từ nay về sau, nhân loại sẽ không còn phải gánh chịu tai họa chiến tranh nữa. Hiến chương của Liên Hiệp Quốc đã được thai nghén trong những điều kiện lịch sử này.

Và một trong những mối quan tâm hàng đầu là sự tôn trọng phẩm giá của con người và từ đó sự cần thiết phải bảo vệ và phát huy nhân quyền. Do đó đã nảy sinh ra nhu cầu có một bản tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền.

Vấn đề được đặt ra vào thời điểm đó là Tuyên ngôn này sẽ có một chỗ đứng như thế nào trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và hình thức sau cùng của nó sẽ ra sao. Cộng đồng quốc tế hậu chiến non trẻ đã mất hơn ba năm, từ đầu 1945 đến cuối 1948 để khai sinh ra văn kiện lịch sử này mà hàng năm, vào ngày 10-12 nhân lơại long trọng nhớ lại việc công bố. Năm nay, thêm một lần nữa, lần thứ 57, thế giới lại kỷ niệm ngày công bố bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền 1948.

Lê Dân: Luật sư có thể cho biết những ai đã soạn thảo ra bản Tuyên ngôn này và nó dã được thông qua trong những điều kiện nào?

Trần Thanh Hiệp: Sau nhiều trao đổi không chính thức bên lề Liên Hiệp Quốc về nhiều mặt của văn bản này, kể từ gần giữa năm 1946, một cơ cấu đặc cử đã được chính thức thành lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc để hình thành dự thảo Tuyên ngôn. Qua nhiều cuộc nhóm họp để làm việc khi thì ở Nữu ước, khi thì ở Paris, cơ cấu đặc cử này đã thảo luận ráo riết để đối chiếu rộng rãi nhiều quan điểm triết học, chính tri, văn hóa phương đông lẫn phương tây và cho đến đêm khuya ngày 10-12-1948 thì công trình của nó đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua.

Quy tụ 9 thành viên thuộc nhiều quốc tịch, Mỹ, Pháp, Trung Hoa, Ấn Độ, Liban v.v...với nhiều dị biệt văn hóa, Ủy hội này với sự đóng góp độc đáo và xuất sắc của nhiều nhân vật xuất chúng như bà quả phụ Eleanor Roơsevelt, phu nhân của cố Tổng thống Mỹ FD Roosevelt, giáo sư đại học luật khoa người Pháp René Cassin, Tiến sĩ về giáo dục người Trung Hoa P.C. Chang, được đào tạo tại Mỹ nhưng được kính nể như một chuyên gia về Khổng học, giáo sư Triết học người Liban Charles H. Malik v.v...đã chịu tiếp thu nhiều ý kiến của nhiều tổ chức phi chính phủ để dung hòa và tổng hợp thành một văn bản mọi người đều sẵn sàng chấp nhận.

Nhờ vậy mà trong phiên họp khoáng đại lần thứ 183 ngày 10-12-1948 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại điện Chaillot ở Paris, 48 trong 50 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (có 2 thành viên vắng mặt) đã bỏ phiếu thuận, không có phiếu chống và 8 phiếu trắng để cho ra đời một bản Tuyên ngôn nhân quyền đánh dấu thời đại dân chủ toàn cầu của nhân loại.

Sơ lược nội dung bản Tuyên ngôn 1948

Lê Dân: Xin Luật sư tóm lược nội dung của bản Tuyên ngôn 1948.

Trần Thanh Hiệp: Ngoài Lời mở đầu, Tuyên ngôn 1948 có tất cả 3o điều. Hai điều 1 và 2 là nền tảng tự do, bình đẳng và bác ái của văn bản này. Trên nền tảng ấy, 9 diều từ 3 đến 11 nói về quyền và tự do nhân thân, 6 điều kế tiếp từ 12 đến 17 quy định về quyền của cá nhân trong quan hệ của đời sống xã hội, 4 điều từ điều 18 đến điều 21 dự liệu các quyền tự do tinh thần , các quyền dân sự và chinh tri, 6 điều từ điều 22 đến điếu 27 liên quan đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 3 điều chót còn lại được dùng để nêu lên tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc và ấn định nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng.

Lê Dân: Tuyên ngôn 1948 có phải là luật quốc tế không?

Trần Thanh Hiệp: Tuyên ngôn 1948 chỉ là một Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Nó không phải là luật quốc tế. Cho nên về sau mới phải có thêm hai Công ước quốc tế 1966 về nhân quyền để có luật quốc tế về nnhq6n quyền.

Lê Dân: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp.