Giá cá tra nguyên liệu sụt giảm, gây hoang mang cho người nuôi cá


2007.04.13

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong mấy ngày qua, tin tức trong nước cho biết giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm đã gây hoang mang cho người nuôi cá. Và tình hình này có thể dẫn tới hậu quả như thế nào không? Thanh Quang tổng hợp thông tin liên hệ và ghi nhận ý kiến của một chuyên gia ở An Giang qua bài viết sau đây.

FishFarmer150.jpg
AFP PHOTO

Theo báo điện tử Cần Thơ số hôm thứ Hai thì giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ 17.200 đồng/một kí hồi cách đây hơn một tháng xuống còn khoảng 16.500 đồng/một kí hiện giờ. Vẫn theo nguồn tin này thì Sở Thương Mại tỉnh An Giang cho biết hồi tuần qua giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ 200 tới 400 đồng một kí lô.

Tình hình sụt giảm giá cá nguyên liệu như vậy khiến nhiều người trong giới nuôi cá tra lo ngại, nhất là giữa lúc có quá nhiều người đua nhau sản xuất cá tra.

Nhưng một chuyên gia thủy sản vùng ĐBSCL cho rằng chuyện biến động giá cá không có gì lạ: “Thường thường giá cá tra giao động ở mức từ 14 tới 15 ngàn, hoặc là 16 ngàn/một kí là hơi cao rồi.

Nó khoảng hơn 15 ngàn thì người đã có lời và nhà chế biến cũng có lời. Nói chung là nó hài hòa và phù hợp với giá thành sản xuất của mình. Thì giá cá tra lên và xuống vừa qua chẳng qua chỉ là quy luật cung cầu thôi.”

Hoang mang

Tuy nhiên, có nhiều người nuôi cá lo ngại về việc giá cá tra có thể tiếp tục sụt nữa, nên họ tự hạ giá bán, thập chí còn ký hợp đồng với các doanh nghiệp để bán cá non nữa.

Thường thường giá cá tra giao động ở mức từ 14 tới 15 ngàn, hoặc là 16 ngàn/một kí là hơi cao rồi. Nó khoảng hơn 15 ngàn thì người đã có lời và nhà chế biến cũng có lời. Nói chung là nó hài hòa và phù hợp với giá thành sản xuất của mình. Thì giá cá tra lên và xuống vừa qua chẳng qua chỉ là quy luật cung cầu thôi.

Chuyên gia vừa nói giải thích về tâm lý hoang mang này: “Tôi cho rằng cái đó nó mang yếu tố tâm lý nhiều hơn, bởi vì thực tế mà nói thì người nuôi cá, khi giá cá lên thì họ không bán và chờ giá lên nữa. mà khi cá sụt thì họ vội vàng bán vì sợ giá sụt nữa. Chuyện này là tâm lý bình thường thôi.”

Giữa lúc giá cá tra nguyên liệu biến động thì các doanh nghiệp chế biến thủy sản bày tỏ tin tưởng ở nhu cầu cá tra nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến sản phẩm này. Họ kêu gọi những người nuôi cá hãy ý thức điều đó để tránh tình trạng bán tháo cá tra, gây ảnh hưởng bất lợi cho giới nuôi cá nói chung.

Khi được hỏi ý kiến về triển vọng của ngành nuôi cá tra có thể ra sao, chuyên gia thủy sản Miền Tây này cho biết:

“Thị trường cá tra, basa này nó giao động qua lại cũng như bao nhiêu mặt hàng khác. Nhưng tại vì đây là mặt hàng nhậy cảm nên người ta lớn tiếng thế thôi. Giá lúa, giá cà-phê, giá phân bón, giá vàng.v.v…cũng lên xuống hòai đó. Tôi cho là mọi chuyện bình thường.”

Cho dù tình hình cá tra có biến động như thế nào đi nữa, nhưng được biết hiện có nhiều doanh nghiệp và các đại gia nuôi cá vẫn ráo riết tìm mua đất để đào ao hầm nuôi cá. Những vùng đất bãi bồi ở ven sông Tiền, sông Hậu tại An Giang, chẳng hạn, đang được giới nuôi cá tranh mua ráo riết, sẵn sàng mua với giá 100 triệu đồng/một công đất so với chỉ có chừng 25 triệu/một công hồi năm trước.

Chuyên gia vừa nói giải thích: “Chuyện này diễn biến 3 năm nay rồi. Các doanh nghiệp vẫn tìm những vùng đất tốt để phát triển việc nuôi cá. Nhưng gần đây, sở dĩ có xôn xao là vì các tỉnh thấy là bây giờ nếu mà để cho phát triển nóng quá, phát triển vô tổ chức thì sẽ có vấn đề, nên nhà nước mới bắt đầu quy họach lại, vùng nào nuôi được, vùng nào không nuôi được; nhà nước mới bắt đầu rớ tay vô.”

Suy sụp

Hoạt động nuôi cá tra ao hầm rầm rộ bao nhiêu thì phong trào nuôi cá tra bè đang dần đi vào quên lãng, mà báo Tuổi Trẻ số gần đây có bài tựa đề là “Chết chìm bè cá An Giang”, mô tả sự suy sụp, hết thời của làng nuôi cá bè một thời vang bóng.

Chuyên gia thủy sản Miền Tây giải thích về sự xuống dốc của phong trào nuôi cá bè: “Cá bè bây giờ thực tế người ta ít nuôi rồi, vì nuôi cá bè không có lợi bằng nuôi cá ở trong ao. Nhưng đừng nghĩ rằng ao nuôi cá như trước đây, mà con cá tra bây giờ được nuôi ở trong những cái hồ có diện tích mặt nước thậm chí tới 10 ngàn mét vuông.

Còn cá bè thì bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều quá; dòng nước lạnh hay nóng sẽ ảnh hưởng ngay tới con cá, trong khi ở hồ, ao đất, nhiệt độ được ổn định. Cho nên người ta đã chứng minh đựơc là nuôi cá trong hồ thì nó ổn định và cá phát triển tốt hơn. Thành ra bây giờ người ta quay sang nuôi cá hồ.”

Bài báo Tuổi Trẻ cho biết thêm là “muốn khôi phục nghề nuôi cá bè thì các chủ bè phải cần có vốn đầu tư trong khi hiện nay ngân hàng nghe nói tới chủ bè đều…chạy dài…” và “ chuyện khôi phục làng bè và nghề nuôi cá bè…ngày càng mờ mịt.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.