Những khiếm khuyết trong hệ thống luật pháp Việt Nam cần phải được sửa đổi càng sớm càng tốt

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Câu chuyện qui họach “ treo”, dự án “treo” làm thiệt hại cho người dân cũng như lãng phí tiền bạc và tài sản của nhà nước đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để bàn cãi, thì việc luật "treo", nghị định “treo” cũng là một căn bệnh nan y của nền luật pháp và hệ thống hành chánh Việt Nam ngày nay.

LawAssembly200.jpg
Các đại biểu quốc hội bỏ phiếu thông qua một dự luật tại Hà Nội. AFP PHOTO

Căn bệnh này không phải chỉ ảnh hưởng đến người dân của một địa phưong nào đó như các qui họach, dự án “treo” mà nó ảnh hưởng đến hầu như toàn thể dân chúng của Việt Nam. Làm thế nào để chữa căn bệnh này? Trường Văn xin đưa một số nhận xét.

Ngày 14 tháng 8 vừa qua, Văn phòng Thủ tướng chính phủ Việt Nam ra văn bản số 126 thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương sớm giải quyết tình trạng chậm ban hành số lượng văn bản thi hành luật và pháp lệnh đã được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Gia nhập WTO

Điều này đã được các báo chí phản ánh cũng như dư luận quần chúng hết sức quan tâm trong thời gian qua. Vụ việc này càng thêm cấp bách khi thời gian Việt Nam dự kiến gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO đã gần kề.

Việt Nam phải cam kết thi hành các điều khoản đa phương hay song phương đã được ký kết trong hơn 10 năm đàm phán với các đối tác để được gia nhập WTO.

Việt Nam hầu như đã có gần đủ các bộ luật theo sự đòi hỏi của WTO nhưng trên thực tế các bộ luật này vẫn chưa có văn bản thi hành. Hiện tượng đó gây nên nhiều ngờ vực là Việt Nam đã vội vã thông qua và ban hành hàng loạt luật lệ chỉ để nhằm qua mắt quốc tế mà thôi, chứ không thể áp dụng trong thực tế.

Nhận xét về việc này, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tài, thành viên ban sọan thảo Luật khuyến khích đầu tư trong nước cho biết là hiện nay Việt Nam có đến 135 nghị định ‘treo’, đó là chưa kể những thông tư ‘treo’ nữa. Theo ông thì con số này quả là quá nhiều.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Tài thì chỉ vì những văn bản luật của Việt Nam như vậy nên các chỉ số minh bạch do thế giới đánh giá Việt Nam đều ở dưới mức trung bình.

Phát biểu về tình trạng luật 'treo', Luật sư Bùi Quang Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh nói: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An cũng có ý kiến là việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn luật làm cho dân khổ còn kẻ xấu sẽ lợi dụng sơ hở, khiếm khuyến của luật để phạm pháp.

Cần phải được thay đổi

Ngoài việc có quá nhiều bộ luật chưa được thi hành, việc vội vã ban hành luật làm cho nhiều bộ Luật như luật Phá sản, chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống cần phải được thay đổi nếu không nói là phải hủy bỏ.

Luật sư Trần Vũ Hải, giám đốc công ty Luật Hà Nội cho rằng cần phải bỏ cách làm luật cũ bởi vì các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ thi hành luật mà lại giải thích luật bằng các văn bản áp dụng thì dễ sinh ra các văn bản thuận lợi cho mình.

Ông Trần Hứa Hậu, giám đốc công ty cơ khí Tây Ninh, khi trả lời phóng viên báo tuổi trẻ chủ nhật vào cuối tháng 11 năm ngóai về sinh họat của Quốc hội khi thảo luận và thông qua luật và pháp lệnh cũng nêu lên một sự thật đáng buồn là Ủy ban thường vụ Quốc hội ít có thì giờ tranh luận về những góp ý của Quốc hội nên vẫn thường lập lại điệp khúc là : “xin phép được giữ nguyên” rồi sau đó thông qua.

Để giải quyết tình trạng luật không có văn bản hướng dẫn, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các luật gia đề nghị là cải tổ lại cơ cấu tổ chức và nhân sự Quốc hội bằng cách tăng cường các đại biểu chuyên trách, tránh tình trạng vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là công nhân viên nhà nước như hiện nay vì điều này làm đại biểu Quốc hội không có thì giờ đâu để làm luật hay nghiên cứu luật pháp.

Đại biểu Quốc hội không phải là luật sư, là chuyên gia pháp lý nên cần có các phụ tá đủ năng lực để phụ giúp trong việc nghiên cứu sưu tầm như thường thấy tại Quốc hội các nước Âu Mỹ. Luật sư Nguyễn Văn Hậu thành phố Hồ Chí Minh tán đồng ý kiến này

Có như thế thì những bộ luật sẽ được sọan thảo chu đáo, chi tiết và trọn vẹn hơn để khi được Quốc hội thông qua là có thể thi hành ngay không cần có văn bản ướng dẫn của chính phủ sau đó.

Trường hợp luật do các bộ đệ trình thì cũng phải kèm theo nghị định hay thông tư hướng dẫn để Quốc hội thảo luận luôn.